Giao lưu với nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh

Sáng ngày 17/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia – Sự thật đã phối hợp với Công ty cổ phần sách Thái Hà (Thaihabooks) có buổi giao lưu, giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Lời tựa một tình yêu” và cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh.

Ông Trần Mai Hạnh là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam từng có mặt ở chiến trường miền Nam. Đầu năm 1975, nhà báo Trần Mai Hạnh được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là phóng viên đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam đi trong đoàn do đích thân Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam dẫn đầu. Bám sát các binh đoàn chủ lực, ông đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế đến Sài Gòn và may mắn có mặt chứng kiến, viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc lập.


Phát biểu tại buổi giao lưu bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Giám đốc Nhà xuất bản chính trị Quốc gia –Sự thật tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ý thức được trách nhiệm của người cầm bút, với khát vọng nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Trần Mai Hạnh đã lao vào tìm hiểu về cuộc chiến, kỳ công sưu tầm, thu thập được một khối lượng tư liệu đồ sộ từ phía bên kia (phía Việt Nam cộng hòa và phía Hoa Kỳ) cả ở trong nước và nước ngoài. Trong đó, nhiều tài liệu nguyên bản được xem là tuyệt mật của chính quyền Sài Gòn trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng.

Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh (trái) chia sẻ kỷ niệm về tác phẩm lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của mình.

“Trong những ngày đầu tiên Sài Gòn giải phóng, anh đã có cơ duyên gặp gỡ và chứng kiến sự đơm hoa kết trái của một tình yêu huyền thoại giữa hai chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu. Hai “biên bản văn chương” đã ra đời: “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 và “Lời tựa một tình yêu” như một tất yếu trong cuộc đời cầm bút của nhá báo, nhà văn Trần Mai Hạnh”, bà Vân cho biết thêm.


Ngay sau khi được xuất bản lần đầu (tháng 4/2014), tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã gây được tiếng vang và liên tiếp giành được các giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.


Chia sẻ về sự ra đời của tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh cho biết ông đã ấp ủ ý định ra đời tác phẩm này từ trong những ngày đầu giải phóng miền Nam năm 1975 nhưng 39 năm sau tác phẩm này mới được xuất bản. Cuốn sách này có số phận rất trôi nổi, nó gắn với cuộc đời, số phận vất vả của nhà văn, nhà báo Mai Hạnh.


“Năm 1981, tôi định xuất bản cuốn sách này thì lúc đó nhà tôi bị cháy, tất cả tài liệu, bản thảo của cuốn này bị cháy gần hết. Tôi lại bắt đầu đi tìm lại tư liệu, tài liệu. Năm 2001, khi chuẩn bị cho ra đời cuốn sách, tôi bị tai nạn, lúc đó cứ tưởng cuốn sách này cũng chết theo, không kịp xuất bản. Đến năm 2014, Nhà nước có cơ chế đổi mới về hoạt động xuất bản, hỗ trợ các tác giả cho ra đời tác phẩm nên tác phẩm của tôi được tài trợ để xuất bản. Lúc này, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cũng đã thay đổi, tạo điều kiện cho tôi viết lại tác phẩm với tính nhân văn cao hơn, đúng sự thật với nhiều góc nhìn”, nhà văn Mai Hạnh cho biết thêm.

Hai bác Lê Hồng Tư và bác Nguyễn Thị Châu (ở giữa) rất xúc động khi được ông Trần Mai Hạnh viết về chuyện tình cảm thời chiến của mình với giọng văn chân thực.

Khác với tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, tác phẩm “Lời tựa của tình yêu” cũng là sự thật trong cuộc chiến, nhưng đó lại là “biên bản” của hai chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu. “Lời tựa một tình yêu” được viết từ lời kể và những tài liệu do hai nhân vật chính cung cấp và những thông tin từ báo chí Sài Gòn, phương Tây cùng hồ sơ tư liệu của phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn. Họ đến với nhau trong bão tố cách mạng, kể từ lúc ngỏ lời cho tới lúc hội ngộ, hạnh phúc trong lễ cưới sau ngày chiến thắng là 15 năm giông tố, thử thách và hy sinh.


 “Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi có dịp gặp anh Tư và chị Châu. Qua nhiều lần tiếp xúc tôi biết được câu chuyện tình yêu của anh chị trong chiến tranh nên tôi đã gặp gỡ, tìm hiểu thông tin của hai anh chị để cho ra đời tác phẩm “Lời tựa một tình yêu”. Mặc dù là tiểu thuyết nhưng tất cả là sự thật về hai con người thật trong chiến tranh. Hai con người kiên trung ngày ấy đã vượt qua bao thử thách hiểm nguy, trải qua những ngày cùng cực khổ đau, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết còn mành hơn sợi tơ, đã cùng trở lại trong ngày chiến thắng. Hiện tại, hai bác vẫn sống bên nhau và làm đẹp cho đời”, ông Trần Mai Hạnh chia sẻ.


Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh sinh năm 1943 tại Hải Dương trong một gia đình công chức nghèo. Ông đã có hơn nửa thế kỷ viết báo, viết văn, trong đó có 30 năm công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Ông đã từng đảm nhận các chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, khóa IX, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam khóa VI, VII, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Lãnh đạo Liên đoàn báo chí các nước ASEAN (CAI). Hiện nay ông là cố vấn cao cấp báo Điện tử Tổ quốc – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch..


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Giao lưu văn nghệ sinh viên Việt Nam tại Tây Australia
Giao lưu văn nghệ sinh viên Việt Nam tại Tây Australia

Hội sinh viên Việt Nam tại bang Tây Australia (VISAWA) tổ chức chương trình giao lưu âm nhạc mang tên “Gặp gỡ mùa Xuân VISAWA 2016”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN