Viện trợ Mỹ vẫn đóng băng: Các chương trình y tế quan trọng trên thế giới đình trệ

Chính quyền Tổng thống Trump dường như đang phớt lờ lệnh của thẩm phán tạm dừng việc giải thể Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, USAID - cơ quan viện trợ nước ngoài chính của Mỹ.

Chú thích ảnh
Ngày 4/2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận kế hoạch đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Ảnh: TTXVN phát

Theo tờ New York Times, quỹ cho các chương trình y tế quan trọng trên toàn thế giới vẫn bị đóng băng và hoạt động của các chương trình này vẫn chưa thể tiếp tục, bất chấp lệnh của một thẩm phán liên bang tạm thời dừng việc chính quyền Tổng thống Trump giải thể Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, USAID.

Các cuộc phỏng vấn với những người làm việc trong các sáng kiến ​​y tế ở châu Phi và châu Á cho thấy, những bậc cha mẹ ở Kenya có con bị nghi mắc bệnh lao không thể đưa con đi xét nghiệm; không có nước uống sạch trong các trại tị nạn ở Nigeria hoặc Bangladesh dành cho những người chạy trốn khỏi các cuộc xung đột dân sự; một chương trình thực phẩm cho trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính ở Nam Sudan bị đình trệ...

"Có những người trong chúng tôi phải đi 300 km vùng núi để cố gắng tìm thuốc tại các bệnh viện khác, vì không còn viên thuốc nào ở nơi họ sống", ông Makele Hailu, người điều hành một tổ chức hỗ trợ những người sống chung với HIV ở vùng Tigray của Ethiopia, vốn dựa vào nguồn tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, cho biết.

"USAID đã cung cấp thuốc và vận chuyển chúng đến những vùng nông thôn. Bây giờ những người này bị bỏ rơi mà không có thông tin giải thích nào", ông Hailu nói thêm.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 18/2 cho biết rằng, Văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio đã ban hành hơn 180 giấy miễn trừ, cho phép các hoạt động cứu trợ sự sống được tiếp tục và ngày càng có nhiều đơn hơn được chấp thuận.

Nhưng theo những người hoạt động trong hơn 40 nhóm do USAID tài trợ, ngay cả các chương trình được miễn trừ như vậy vẫn bị đóng băng. Lý do là hệ thống thanh toán mà USAID sử dụng để giải ngân tiền cho các tổ chức đã không hoạt động trong nhiều tuần. Nếu không có quyền truy cập vào số tiền đó, các chương trình không thể hoạt động.

Vào đêm 18/2 (theo giờ địa phương), Thẩm phán Amir H. Ali của Tòa án Quận Columbia đã bác bỏ động thái của chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục đóng băng viện trợ, cho biết chính phủ đã thừa nhận rằng "phải tuân thủ lệnh ngay lập tức"

Thẩm phán Ali viết rằng, lệnh cấm "không cho phép bị đơn (chính quyền ông Trump) tiếp tục đình chỉ toàn bộ viện trợ nước ngoài do quốc hội phân bổ", để có thời gian "đưa ra lý do hợp lý mới, sau đó cho việc đình chỉ hàng loạt".

Các tổ chức nước ngoài thường nhận được khoản tài trợ từ USAID theo từng đợt nhỏ, bằng cách gửi yêu cầu cho các hoạt động mà họ sẽ thực hiện. Nhiều nhóm bị ảnh hưởng là các tổ chức phi lợi nhuận không có nguồn tài trợ nào khác.

"Một số tổ chức phi chính phủ đã nhận được miễn trừ, nhưng miễn trừ mà không có tiền thì chỉ là những tờ giấy, và bạn không thể điều hành các chương trình chỉ bằng giấy tờ", ông Tom Hart, Giám đốc điều hành của InterAction, đại diện cho 165 tổ chức cung cấp viện trợ nước ngoài, cho biết.

“Những tổ chức này chưa được trả tiền cho các hoạt động từ tháng 12 năm ngoái và họ không có bất kỳ sự đảm bảo nào rằng họ sẽ được trả tiền cho công việc đó hoặc bất kỳ công việc nào trong tương lai", ông Tom Hart chia sẻ thêm.

Phát biểu tại một cuộc họp với các tổ chức cứu trợ vào tuần trước, ông Peter Marocco, người được Tổng thống Trump bổ nhiệm là giám đốc Văn phòng Hỗ trợ nước ngoài tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết, hệ thống thanh toán đã ở trong tình trạng ngoại tuyến nhưng sẽ được khôi phục vào ngày 18/2. Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống vẫn chưa được khôi phục.

Ông Marocco đã ký một tuyên bố gửi lên thẩm phán tại tòa án liên bang, báo cáo về việc chính phủ không tuân thủ lệnh của tòa án. Trong đó, ông lập luận rằng chính quyền đã hành động dựa trên các quy định khác, không phải lệnh hành pháp, để tiếp tục đóng băng nguồn tài trợ.

Chính quyền Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng, hệ thống miễn trừ đang cho phép công việc khẩn cấp tiếp tục mà không bị hạn chế. Nhưng quá trình cấp miễn trừ rất phức tạp – theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, vì bộ này phải xác minh rằng các tổ chức xin miễn trừ không trình bày sai lệch các hoạt động của họ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Conversation)
Nguy cơ hàng triệu ca tử vong do AIDS vì Mỹ đóng băng viện trợ
Nguy cơ hàng triệu ca tử vong do AIDS vì Mỹ đóng băng viện trợ

Quyết định đình chỉ viện trợ nước ngoài của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể dẫn đến thêm hàng triệu ca tử vong do AIDS, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến châu Phi. Cảnh báo được Giám đốc điều hành Chương trình Phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đưa ra ngày 16/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN