Tạo sân chơi bổ ích cho học sinh
Thực hiện yêu cầu xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2006 -2007, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đưa trò chơi dân gian vào các trường tiểu học. Nhiều trường đã đưa trò chơi dân gian vào trong các lễ hội hàng năm, với các trò chơi như lò cò, ô ăn quan dưới sân trường để học sinh có thể chơi trong giờ ra chơi.
Tham gia vào lễ hội của một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố như: Trương Định (quận 12), Phan Đình Phùng (quận 3), Nguyễn Văn Trỗi (quận 4)… chúng tôi mới cảm nhận hết được niềm vui trên gương mặt của các em khi được chơi các trò dân gian. Với sự hướng dẫn của giáo viên, các em, nhanh chóng xếp hàng ngăn nắp đợi đến lượt để thực hành các trò chơi: Ném còn, kéo co, nhảy sạp, bịt mắt đạp niêu ném còn, kéo co, banh đũa, đi cà kheo… Các em đều hồ hởi, thích thú sau mỗi lượt chơi, dù phần thưởng cho người chiến thắng chỉ là viên kẹo, cái bánh.
Tú Anh (học sinh lớp 9 trường THCS Lê Lợi quận 3, tâm sự: “Em rất thích thời gian còn học ở trường Tiểu học Kim Đồng (quận 3) vì em được các cô bảo mẫu hướng dẫn nhiều trò chơi rất “lạ” và dễ chơi như lò cò, banh đũa, ô ăn quan. Em và các bạn cùng chơi rất vui ở sân trường. Các bạn còn dùng phấn để vẽ thêm các ô chơi lò cò hoặc ô ăn quan để có thật nhiều bạn được chơi. Nhờ biết cách chơi nên về nhà em cũng thường hay rủ các bạn trong xóm chơi khi có thời gian. Và đến bây giờ em vẫn còn chơi những trò chơi này”.
Theo Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Quang Vinh, nhờ đưa trò chơi dân gian vào trường học, mà giờ ra chơi của học sinh thành phố trở nên bổ ích và sôi động hơn nhiều so với trước đây. Thông qua các trò chơi dân gian các em còn được giáo dục truyền thống của ông cha ngày xưa chẳng hạn cách làm gốm, trang trí gốm…
Nên có hướng dẫn cụ thể
Mặc dù hiện nay trò chơi dân gian vẫn được duy trì ở các trường học, nhưng chủ yếu chỉ được các trường lồng vào trong các lễ hội và số lượng trò chơi còn bị giới hạn. Bên cạnh đó, bản thân nhiều giáo viên còn bỡ ngỡ trước các trò chơi dân gian, nên khá lúng túng khi hướng dẫn cho học sinh cách chơi. Do vậy, để trò chơi dân gian thật sự được duy trì và phát triển trong các trường học, rất cần sự hướng dẫn cụ thể cách tổ chức chơi và cần có sự kiểm soát của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tiến sĩ Trần Long, giảng viên Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Khảo sát của chúng tôi tại một số trường tiểu học, do không có văn bản hướng dẫn cụ thể, nên các trường gặp nhiều lúng túng khi đưa trò chơi dân gian vào trường học. Các em chỉ thật sự được chơi nhiều trò chơi đặc sắc trong các lễ hội, nhưng không phải tất cả các trường tiểu học ở thành phố đều đưa trò chơi dân gian vào lễ hội. Còn trong giờ ra chơi, do giới hạn về không gian, thời gian, nên dù biết nhiều trò chơi dân gian nhưng các em chỉ chơi lò cò, trốn tìm. Ngoài ra, theo khuyến khích của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, các trường nên đưa trò chơi dân gian vào giờ thể dục nhưng chưa trường nào thực hiện được. Hơn nữa, trường học hiện nay đều được thiết kế theo hướng bê tông hóa, trong khi, trò chơi dân gian được hình thành từ đời sống nông nghiệp, do đó, để đưa được nhiều trò chơi dân gian vào trường học mà vẫn đảm bảo được sự an toàn cho học sinh, cần phải nâng cấp thay đổi trò chơi để thích ích môi trường hiện đại ở thành phố. Và không nên chỉ giới hạn trong các lễ hội, giờ ra chơi, nên đưa các trò chơi dân gian vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa cuối tuần ở công viên, trung tâm văn hóa”.
“Không chỉ là trò chơi mà trò chơi dân gian còn là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Do đó, trò chơi dân gian rất cần được duy trì và phát triển. Để làm được điều này đòi hỏi ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa đến trò chơi dân gian. Hơn nữa, không nên dừng lại ở việc khuyến khích mà phải thiết kế được một chương trình hướng dẫn cụ thể cách tổ chức các trò chơi dân gian vào trường học cho các trường học. Đồng thời sưu tập và giới thiệu nhiều trò chơi dân gian hơn nữa cho các giáo viên làm công tác Đội bởi hiện nay sự hiểu biết của đội ngũ này về các trò chơi dân gian chưa nhiều” - GS.TS, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nhận định.