Ngày 23 tháng 4 là một ngày đầy ý nghĩa tượng trưng trong nền văn học thế giới. Đó là ngày mất của nhiều tác giả nổi tiếng, như nhà soạn kịch vĩ đại người Anh William Shakespeare hay nhà văn Tây Ban Nha Miguel Cervantes, “cha đẻ” của nhân vật độc đáo Don Quixote trong cuốn sách cùng tên từng được bình chọn là “cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại”, cũng là ngày sinh của tiểu thuyết gia lỗi lạc người Pháp Maurice de Druon, người được mệnh danh là "Dumas của thế kỷ XXI", (tức đại văn hào Pháp Alexandre Dumas cha với hơn 250 tác phẩm, như bộ tiểu thuyết trứ danh Ba người lính ngự lâm).
Do đó, như một lẽ tự nhiên, Đại hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chọn ngày 23/4 là Ngày Sách và bản quyền thế giới để vinh danh những cuốn sách và tác giả trên toàn thế giới, cũng như khuyến khích tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ, cùng khám phá niềm vui của việc đọc sách, từ đó xây dựng văn hóa đọc trong thời đại khoa học kỹ thuật và công nghệ ngày càng phát triển, đồng thời cũng nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ bản quyền.
Trong thông điệp nhân Ngày Sách và bản quyền thế giới 2019, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhận định sách là “cửa sổ nhìn vào đời sống bên trong của chúng ta”. Trong thế giới đang phát triển với tốc độ chóng mặt ngày nay, nguồn tri thức trở nên quá đồ sộ để có thể nắm bắt, nhưng con người có thể làm chủ được những tri thức này nếu đủ hiểu về bản thân. Và sách là một trong những công cụ hữu hiệu nhất có thể hỗ trợ con người trong hành trình tìm kiếm bản thân mình.
Như khẳng định của bà Audrey Azoulay, bằng cách mở mang trí tuệ và tâm hồn của người đọc, sách cũng tạo ra con đường “đi đến sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, vượt qua tất cả ranh giới và sự khác biệt”. Trong xã hội có nhiều biến động như ngày nay, khi mà thù hằn và bất đồng luôn đe dọa làm bùng nổ những hành động bạo lực, khủng bố, sách giúp gắn kết nhân loại với nhau như một gia đình, nắm giữ quá khứ, lịch sử và di sản, để tạo nên một số phận chung, nơi mọi tiếng nói đều được lắng nghe trong điệp khúc tuyệt vời của khát vọng con người. Bởi lẽ, sách góp phần mang tiếng nói của mỗi người, mỗi nhóm người, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia được lên tiếng, để thế giới hiểu nhau hơn. Sự thấu hiểu dẫn đến cảm thông và chia sẻ, đồng thời giúp giảm bớt mâu thuẫn và thù hận.
Ngoài ra, sách cũng là một công cụ để bảo tồn những di sản cốt lõi nhất của con người, đó là ngôn ngữ, là tư tưởng, là lịch sử và di sản. Nếu chữ viết là một trong những sáng tạo mang tính lịch sử của loài người thì sự ra đời của sách, một sản phẩm chất chứa những tinh túy của ngôn ngữ, đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của nhân loại.
Do đó, trong Ngày Sách và bản quyền thế giới năm 2019 này, UNESCO đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường và bảo vệ các ngôn ngữ bản địa thông qua sách. Theo Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoula, mỗi tác phẩm được xuất bản đều được sáng tạo trong một loại ngôn ngữ riêng và vốn dành cho những người đọc hiểu riêng loại ngôn ngữ ấy. Mỗi cuốn sách đều có thể coi là hiện thân của sự sáng tạo, do đó, bảo tồn ngôn ngữ bản địa sẽ góp phần giúp kho tàng kiến thức này đa dạng và đa chiều hơn.
Kỷ nguyên công nghệ số hiện nay khiến xu hướng đọc sách mới, hiện đại hơn xuất hiện, dần thay thế cho cách tiếp cận văn hóa đọc trước đây. Sự phát triển của những thiết bị như máy tính bảng, điện thoại thông minh và sách điện tử (e-book) giúp con người có thể đọc sách ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào. Riêng tại Trung Quốc, số liệu năm 2018 cho thấy ở nước này có 432 triệu “độc giả số”. Tuy nhiên, phương thức tiệm cận văn hóa đọc mới, đa dạng và không ngừng thay đổi này cũng đặt ra những thách thức, đặc biệt trong việc bảo vệ bản quyền.
Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, văn hóa nghe- nhìn cũng “lấn át” văn hóa đọc, khiến giới trẻ xa dần với thói quen đọc sách mỗi ngày. Theo một khảo sát về thời gian đọc sách trung bình của người dân do tổ chức World Culture Score thực hiện, Ấn Độ đứng đầu danh sách với thời gian đọc sách trung bình của người dân là gần 11 giờ/tuần, tiếp đó là Thái Lan 9 giờ 24 phút/tuần. Tuy nhiên, Nhật Bản, từng được biết tới là một quốc gia đọc sách, thì nay thời gian trung bình một người Nhật dành để đọc sách đã giảm còn khoảng 4,1 giờ/tuần.
Khảo sát cuối năm 2017 thực hiện đối với 10 nghìn sinh viên tại 30 trường đại học ở nước này cho kết quả 53,1% cho biết họ không hề đọc cả sách giấy lẫn sách điện tử nếu không vì mục đích phục vụ học tập và công việc. Tỉ lệ không đọc đối với sinh viên ngành kỹ thuật lên tới 62,6%, còn ngành nhân văn cũng khoảng 48,6%. Trong khi đó, 27% người trưởng thành ở Mỹ không đọc bất kỳ cuốn sách nào suốt 12 tháng của 1 năm.
Cùng với đó, thói quan đọc sách không chọn lọc, đọc hời hợt, đọc theo phong trào và đọc không ứng dụng cũng có xu hướng phát triển, làm “biến tướng” ý nghĩa của văn hóa đọc. Bởi vậy, Ngày Sách và bản quyền thế giới được tổ chức hằng năm, đồng thời mỗi năm UNESCO cũng chọn ra một thành phố là “Thủ đô sách thế giới”, nhằm khẳng định sức mạnh vạn năng của sách đối với con người-đó là kho báu mà nếu thiếu nó, con người không chỉ thiếu hụt về tri thức, mà còn thiếu hụt cả về nhân cách.
Sự phát triển vượt bậc và giao thoa văn hóa hiện nay giúp cho kho báu tri thức này ngày một đồ sộ, song nếu con người không biết các tận dụng để trau dồi và phát triển bản thân cũng như đóng góp cho xã hội thì đây sẽ chỉ là kho báu chết. Đọc sách hằng ngày một cách có chọn lọc và định hướng nhằm xây dựng văn hóa đọc lành mạnh là cách để kho báu này sống mãi.