Từ bạch hổ ở TP Hồ Chí Minh…
Những ngày cuối năm 2021, chúng tôi tìm đến đình Bình Thọ (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một bàn thờ bạch hổ đặt bên phải trước sân đình. Theo đại diện Ban quy tế của đình Bình Thọ, nơi đây là địa điểm tổ chức lễ Bầu Ông hàng năm. Ngày xưa, người dân vùng đất Thủ Đức còn có "Văn tế chúa sơn lâm mãnh hổ chi thần" tại lễ Bầu Ông tại đình Bình Thọ.
Lễ Bầu Ông ở đình Bình Thọ được tổ chức đúng vào lúc 0 giờ ngày 15 rạng ngày 16 tháng 2 Âm lịch hàng năm, tức đêm trước ngày tổ chức Đại lễ kỳ yên của đình (16 -2 âm lịch).
“Do vùng này trước đây có nhiều hổ dữ xuất hiện nên người dân mới lập đình thờ hổ để xua đuổi bớt hổ dữ và cầu mong bình an cho người dân trong vùng”, đại diện ban Quy tế đình Bình Thọ cho biết. Ông cũng cho biết thêm: “Chính ông cố tôi cũng bị cọp vồ ở Bình Thái. Bấy giờ, dân chúng đồng loạt đánh trống, mõ đuổi theo và đến tận chợ Nhỏ (Tăng Nhơn Phú ngày nay) mới tìm được thi hài đã bị cọp ăn mất nội tạng”.
Theo nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian Nam Bộ Huỳnh Ngọc Trảng, vùng đất Gia Định ngày xưa nổi tiếng về việc lộng hành của các loài hổ dữ, đặc biệt là ở vùng Tân Kiểng, Thủ Đức… Người dân Nam Bộ nghĩ đến việc thờ hổ màu trắng - gọi là bạch hổ trong các đình làng với mong muốn “trấn” được các loài hổ dữ không đến phá làng và hại mùa màng của người dân.
Theo quan niệm dân gian, bạch hổ là “ông cọp tu”, không ăn thịt người, điều này đã nằm sâu trong nếp nghĩ của người dân Nam Bộ. Bạch hổ đối lập với bọn cọp dữ hại người (được gọi là hạm). Do đó, người dân có quan niệm ở đâu thờ bạch hổ thì bọn cọp dữ không dám lai vãng. Chính vì vậy, bạch hổ không chỉ là biểu trưng cho loài "cọp tu" mà còn có công năng xua đuổi bọn cọp dữ. Đây là tín lý phổ biến của tín ngưỡng thờ bạch hổ ở miền Nam.
Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh có các đình làng đang thờ bạch hổ như: đình Bình Trưng, đình Tân Nhơn, đình Phong Phú, đình Bình Thọ (thành phố Thủ Đức); đình Bình An (Quận 6); đình Phú Mỹ, Tân Quy Đông (Quận 7); đình Long Vĩnh, đình Hưng Phú (Quận 8)…
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, trong tâm thức người dân, hổ là loài vật vừa dữ tợn vừa thiêng liêng. Người Nam Bộ, không gọi con đầu lòng là con "cả" mà thay vào đó gọi là anh Hai vì sợ đụng chạm đến ông "cả cọp", do cái danh “cả” phải thuộc về cọp. Người xưa cũng không dám gọi to hoặc nhiếc mắng, đánh đập "thằng cả". Người dân có tục gọi cọp là "ông" và để tránh danh, người ta còn gọi là "ông Ba Mươi". “Tên gọi ông Ba Mươi từ việc vua Gia Long - Nguyễn Ánh với những ngày sống trong rừng, hết cả lương thực, may mắn có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế. Sau đó, ông đã cho lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay để tạ ơn”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết.
Còn theo Thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học Nguyễn Trần Ngọc Tuyết, hiện nay, tục thờ thần hổ cũng rất phổ biến tại các tỉnh Nam Bộ nhưng gốc tích của tục thờ thần hổ ở vùng đất Gia Định - Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh ngày nay) lại khác. Tương truyền, năm xưa, khi Đức Tả quân Lê Văn Duyệt trấn thủ thành Gia Định, ông nuôi rất nhiều hổ. Sứ thần nước ngoài đến thăm đều khiếp đảm trước các chuồng hổ, Đức Tả quân thường cho những quân lính giỏi võ đấu với hổ để sứ giả xem. Bầy hổ rất trung thành với Đức Tả quân. Khi Lê Văn Khôi nổi dậy chống lại triều đình bị giết, bầy hổ phá chuồng ra cắn chết binh triều. Hổ thì lớp bị giết chết, lớp còn lại chạy thoát về rừng.
“Một hôm dân chúng đi qua phần mộ Đức Tả quân thấy có mấy con hổ nằm chết, đầu bị vỡ thì cho rằng đây là những con vật trung thành đã tự tử theo ông. Người ta khiêng xác hổ đem chôn cất tử tế. Từ đó, người nào khấn nguyện, cầu xin Đức Tả quân điều gì đó cũng đều vái các "ông hổ" ấy. Khi lập đền thờ Đức Tả quân, người ta còn lập thêm miếu nhỏ bên cạnh để thờ “ông hổ”, tức thần hổ. Lâu dần thành thói quen của người dân ở Nam Bộ, nơi nào lập đình thờ thần được vua sắc phong đều có cất miếu thờ thần hổ, lưu truyền tập tục ấy cho đến tận ngày nay”, Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Tuyết nói thêm.
… đến giai thoại “ông hổ” ở An Giang
Tại An Giang, tín ngưỡng thờ “ông hổ” cũng như nhiều câu chuyện ly kì về hổ được truyền từ đời này sang đời khác, nhất là tại vùng núi Thất Sơn hùng vĩ.
Ở thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) có một ngôi miếu thờ “ông hổ” với tên gọi là miếu Thần Sơn. Miếu này nằm sừng sững, uy nghiêm trên mảnh đất rộng khoảng 800m2 ngay mặt tiền trục đường chính của thị trấn với lịch sử hơn 140 năm.
Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Ngọc Trác, Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa – người quản lý miếu. Nhấp ngụm nước trà, ông bắt đầu kể vanh vách lại những tích xưa về tục thờ “ông hổ” trong tín ngưỡng dân gian nơi đây: Ngày xưa, vùng Thất Sơn được biết đến là khu “rừng thiêng nước độc”, nơi sinh sống của nhiều loài thú dữ. Trên núi Tượng (huyện Tri Tôn) có rất nhiều cọp, trong đó có một con cọp trắng chuyên ăn thịt người, xương người chất thành đống trong hang.
Một hôm, cọp trắng bị hóc xương, đau dữ dội mấy ngày mà không khỏi được. Thấy vậy, ông Tăng Chủ, đại đệ tử của Phật thầy Tây An rủ lòng thương bảo là sẽ chữa cho ông nếu ông hứa từ nay không được ăn thịt người nữa và khuyên ông theo con đường tu hành. Ông hổ đồng ý. Kể từ đó, đêm đến ông hóa thành người để đi mua thịt heo về cho các con hổ khác ăn. Cũng chính vì lý do đó, ở hầu hết các đình, miếu dân gian đều thờ ông hổ…
“Ngoài ra, người ta tin rằng “ông hổ” cũng là một vị thần bảo vệ những người sống ngay thẳng, trừng trị kẻ gian ác, giúp người dân chống lại những thế lực tiêu cực từ cuộc sống. Thông thường, người ta lập hẳn một ngôi miếu nhỏ để thờ trong khuôn viên đình, cũng có nơi miếu ông hổ được xây dựng riêng ở những vị trí trang nghiêm”, ông Nguyễn Ngọc Trác cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, loài hổ ở Thất Sơn giờ chỉ còn xuất hiện trong những câu chuyện kể, khi nhắc đến, người ta không gọi tên mà chỉ kêu bằng những chức danh như là “ông”, “ông Ba Mươi”… Những giai thoại về loài hổ phản ánh phần nào thời kỳ gian nan, vất vả của tiền nhân trong mấy trăm năm định làng lập ấp. Ở An Giang có đến gần 40 ngọn núi, trong đó có nhiều núi sót lại dấu vết của loài hổ như: Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Liên Hoa Sơn (núi Tượng), Phụng Hoàng Sơn (núi Tô)… Đặc biệt, ở Liên Hoa Sơn (núi Tượng) nằm ở thị trấn Ba Chúc từng là nơi định cư của loài cọp trắng và đến ngày nay vẫn còn nguyên hang “ông hổ” trên núi. Ở núi Cấm còn dấu vết hang “ông hổ” ở khu vực hồ Thiên Tuế, nơi đây được khách hành hương đến cúng bái quanh năm.
“Nghe nói ông hổ rất là linh thiêng nên năm nào nhà tôi cũng đến thắp hương cầu xin điều lành, cầu bình an cho gia đình và mong điều không may mắn nhanh qua, cả gia đình ai cũng khỏe mạnh, bình an”, bà Hai Mển ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn chia sẻ.
“Ở miếu Thần Sơn hằng năm đều diễn ra 2 ngày lễ chính vào tháng 11 và tháng Giêng để tế ông bạch hổ. Những dịp lễ đều quy tụ hàng ngàn người đến hành hương, tham gia cầu mong gia đình bình yên, mùa màng tươi tốt trong năm mới”, ông Trác cho biết thêm.