Ngày 25/12, ông Hồ Chí Đức, Trưởng ban Quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh cho biết: Khi nhận được thông tin về thực trạng tôn tạo tại Am Dược thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, Ban Quản lý đã bố trí đoàn công tác xuống hiện trường kiểm tra tình hình và xác nhận đơn vị thi công đã chưa làm đúng theo phê duyệt thiết kế, công tác bảo quản các di vật chưa được thực hiện đúng quy trình. Ban đã yêu cầu đình chỉ thi công tại Am Dược.
Am Dược trở thành công trường xây dựng. |
Theo thông tin của Ban Quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, dự án tôn tạo Am Dược thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế và Giấy phép đầu tư, xây dựng đã có và đã được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, một số hạng mục, vật liệu của di tích cũ phải được giữ lại và tận dụng tối đa, tuy nhiên trong quá trình thi công, đơn vị xây dựng đã đào hoàn toàn nền móng và các vật liệu, hiện vật cổ cũng bị sắp đặt, bảo quản không đúng quy định.
Ông Hồ Chí Đức cho biết thêm: “Am Dược đã khởi công được khoảng nửa tháng nay. Tuy nhiên khi khởi công, đơn vị xây dựng đã tự tiến hành đào và gia cố móng mà không thông báo với các cơ quan chức năng. Theo quy trình, khi phát hiện phần móng, tường quá yếu, không gia cố được thì đơn vị thi công phải thông báo với Ban Quản lý Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh lập đoàn kiểm tra, mời các chuyên gia đến khảo sát lại, đánh giá thực trạng nền móng để lên phương án, biện pháp gia cố móng một cách bài bản, khoa học và đặc biệt là các vật liệu cũ của di tích thì phải được bảo quản, sử dụng một cách tối đa. Tuy nhiên, rất tiếc đơn vị thi công đã không làm đúng quy trình, tự ý phá dỡ móng, tường di tích để thi công xây mới”.
Về phương hướng khắc phục, Ban Quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu đơn vị thi công thu gom lại các hiện vật để bảo quản đúng quy trình, sau đó sẽ tiến hành kiểm kê, phân loại những hiện vật nào sẽ được đưa vào công trình, những hiện vật nào sẽ được giữ lại để trưng bày. Ban cũng yêu cầu việc thi công phải đảm bảo theo thiết kế phê duyệt, khôi phục lại cảnh quan khu di tích. Trưởng Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh cho hay: Về nguyên tắc, đơn vị thi công những di tích này phải được cấp phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện Ban đang tiến hành xác minh, kiểm tra liệu đơn vị thi công có đủ năng lực, tư cách pháp nhân để thi công dự án này hay không.
Xuân Tùng