Đi trên mặt đất như trong cõi riêng

Lão nhiếp ảnh Quang Phùng (SN 1932) được biết đến bởi những bức ảnh đời thường gắn với cuộc sống và con người Hà Nội, nhất là Hồ Gươm. Tình yêu của ông với Hà Nội đã được vinh danh trong lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ở hạng mục Giải thưởng Lớn (hạng mục chỉ có duy nhất một đề cử) năm 2013.

 

Ngôn ngữ ảnh trong trời mưa rất đậm đà


Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng có một thói quen rất đặc biệt, hễ trời mưa là ông xách máy đi chụp. Người không hiểu thì bảo ông dở hơi, tự nhiên rước cái vất vả ấy vào thân, chụp Hà Nội, chụp Hồ Gươm thì lúc nào chẳng được. Nhưng ông lại nghĩ khác, trời mưa mới có ngôn ngữ ảnh và ngôn ngữ ảnh trong mưa đậm đà vô cùng.

 

Ảnh của nhà nhiếp ảnh Quang Phùng luôn gắn với cuộc sống bình dị của người lao động.


Trời mưa cũng cho ông nhiều ý tưởng, mà người làm ảnh quan trọng ở ý tưởng chứ không phải chỉ ở hình ảnh. Vì thế, ông có ý thức đợi... mưa xuống để đi chụp, thậm chí còn chỉ ngóng dự báo thời tiết rồi ra Hồ Gươm đợi sẵn sao cho kịp chụp những bức ảnh đầu tiên, thậm chí chỉ vài giây sau khi mưa xuống. “Chụp ảnh bằng tay, đương nhiên rồi, nhưng phải chụp ảnh bằng chân nữa, nghĩa là phải đi bộ để chụp”, vì thế năm nay đã 82 tuổi ông vẫn cuốc bộ vào lúc mưa gió đi chụp ảnh.


“Đây, cô xem, bức ảnh hoa phượng này tôi phải mất 30 năm mới chụp được đấy”. Tôi tròn xoe mắt nhìn ông, mình nghe nhầm chăng? Làm gì mất nhiều thời gian để chụp một cành phượng, người ta chụp đầy rẫy ra kia kìa. “Không. Không. Cô nhìn kỹ xem, cái hay của nó là thế này, chụp làm sao để những giọt nước no tròn đọng thành chuỗi như chuỗi ngọc đều đặn trên tất cả các nhánh của cành phượng nở hoa vừa đủ độ (không có hoa héo úa hay ngả màu)”. Ông đã tốn nhiều sức lực và cả tiền bạc mà vẫn không chụp nổi cành phượng như mong muốn, dù đón mưa sớm hay muộn thì những hạt nước đọng trên nhánh của cành hoa phượng cũng vỡ ra, chỉ còn một nửa.

Ông tức lắm, phải có cách nào chứ. Thế rồi, vô tình một lần sờ tay vào nhánh của chùm hoa ông chợt phát hiện những sợi lông tơ ram ráp dựng đứng, chính những sợi lông tơ này đã giữ lại những giọt nước mưa tròn đầy như ngọc. Và thế là sau ba mươi năm, ông đã tìm ra cách, thứ nhất muốn chụp được cảnh này, phải ngắm sẵn một cành phượng, ra ngồi đợi sẵn chờ mưa xuống, mà chỉ là những giây đầu tiên sau mưa, lúc ấy những sợi lông tơ chưa kịp cụp lại hoặc rụng mất, nhưng điều đặc biệt là, những chiếc lông măng ấy chỉ xuất hiện vào sáng sớm sau một đêm không khí trong lành, mát mẻ. Và điều cuối cùng quyết định cho sự thành công của bức ảnh đấy là phải chờ đợi ngày mưa mà không có gió (mà điều này thì thật khó), bởi trời mưa mà có gió là vứt đi, mưa to quá cũng thất bại.


Cũng vào những lúc mưa gió ấy, ông còn chụp vô số những bức ảnh khác nữa: Những em bé đội mưa ra Hồ Gươm câu cá, những em bé khoác áo mưa bán sách báo dạo, những đôi bạn trẻ đội ô lúp xúp đi trên cầu Thê Húc... Dưới mưa, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn: Con người vội vã, bươn chải, chịu đựng, hả hê, vui sướng... Những cung bậc cảm xúc thể hiện vô cùng mạnh mẽ.


Chụp để chuyển tải công bằng xã hội


Lão nhiếp ảnh Quang Phùng nói rằng, ngay từ khi cầm máy, chụp ảnh với ông đã không phải để chụp chơi hay thi thố mà để chuyển tải công bằng xã hội. Ngày trước thì là người cày có ruộng, thu hẹp hố ngăn cách giàu nghèo, bây giờ thì phản ánh cuộc sống của những người lao động, những cái tốt, cái hay, phê phán cái xấu.

 

Một tác phẩm của nghệ sĩ Quang Phùng.


Người lao động trong ảnh của ông chiếm phần lớn, bởi họ mới chính là chủ thể. Tổ tiên của chúng ta là nông dân, Hà Nội vốn là đất kẻ chợ (một cái chợ lớn), vì thế hình ảnh người lao động trong ảnh của ông nhiều vô kể. Ông đến với họ không chỉ một lần mà sẽ còn trở lại trong nhiều lần khác, chụp ở những góc khác, trong một không gian khác, hành động khác. Tình yêu với ông cần kiên trì chứ không phải chỉ đắm đuối, chụp ảnh cũng vậy.


“Tôi đã đi theo cô bé này suốt sáu tháng. Sáng sớm nó đã nằm ngủ trên ghế đá ở Hồ Gươm thế này, dưới gầm ghế rải đầy đầu mẩu thuốc lá”, đưa cho tôi một bức ảnh, ông kể.


- Ông ngồi xem cô bé hút bằng này điếu thuốc ạ? Tôi hỏi.


- Đúng vậy. Tôi đã đi theo nó nhiều lần, đã chụp được cả một quyển ảnh của nó. Nó nghiện thuốc lá cô ạ. Hôm nay, lúc tôi đến nó ngủ quay lưng úp mặt vào ghế, một tiếng sau quay lại, nó quay mặt ra hồ. Nó nằm đây từ sáng sớm, nghĩa là cả đêm nó không về nhà, không biết bố mẹ nó có biết không, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, gia đình nghĩ gì, họ phải vào cuộc thôi, ông trầm ngâm.


Câu chuyện của lão nhiếp ảnh cứ thế, ông vừa kể vừa lôi hết tập ảnh này đến tập ảnh khác cho tôi xem. Mỗi bộ ảnh là một câu chuyện, mỗi câu chuyện mang thông điệp của riêng nó mà ông đã liên kết, xâu chuỗi lại với nhau. Nghe chuyện của ông, mới thấy trách nhiệm công dân của ông, thấy sức nặng trong mỗi bức ảnh và thấy được sự trăn trở, day dứt, hồ như việc xảy ra hôm nay ông cũng có phần trách nhiệm.


Có bao nhiêu tiền “đốt” hết cho ảnh


Có thể nói, gia tài quý giá của nhiếp ảnh gia Quang Phùng là hàng ngàn bức ảnh về Hà Nội. Một bài báo đã ví von, nếu đem số ảnh ấy rải quanh Hồ Gươm thì dễ phải mấy vòng hồ mới hết. Thế nhưng ông nói sẽ tiếp tục công việc ấy, dù bây giờ không còn khỏe nữa, chân đi tập tễnh. Lần tai biến vào năm 2008, bị liệt toàn thân, sức khỏe kém đi nhiều, ông đã tưởng mình không gượng dậy được. Thế nhưng không hiểu có sức mạnh nào khiến ông có thể kiên trì tập luyện, tự mình lăn từ trên giường xuống đất, chỉ giữ cho cái đầu không đập vào đâu rồi cố bò lên giường, thế mà đi lại được. Và ngay khi có thể nhúc nhắc đi lại, ông đã cầm lấy cái máy ảnh.


Ông cũng tự hào rằng, người bạn đời của ông, nghệ sĩ violon Nguyễn Thị Chín (bà thuộc lớp nghệ sĩ violon đầu tiên của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam) luôn ủng hộ ông hết lòng. Chưa khi nào bà đòi hỏi ông phải đưa tiền để lo trang trải cuộc sống, dù điều ấy là lẽ thường. Tiền có bao nhiêu ông dốc ra làm ảnh bằng sạch.


- Lương tôi ít, chỉ có hai triệu, lương bà ấy cao lắm, sáu triệu. Bà ấy lo việc nhà hết, ông cười vui vẻ.


- Lương ông có hai triệu, làm sao đủ chụp ảnh rồi rửa ảnh, làm sách?


- À, tôi viết truyện, cuốn “Con đường sấm sét” mỗi lần tái bản cũng được năm, mười triệu, cuốn ấy tái bản bảy lần rồi đấy. Năm 2008, khi triển lãm ảnh ở Trung tâm văn hóa Pháp, tôi được Quỹ Hoàng gia Hà Lan tài trợ để làm cuốn sách ảnh song ngữ “Dạo quanh Hồ Gươm”. Khi tôi đi rửa ảnh, chủ các hiệu ảnh chỉ lấy nửa tiền thôi, họ sành lắm đấy, nhìn ảnh mà biết người, ông lại cười hà hà kể đầy vui sướng.


Nhìn ông, tôi cũng vui lây và mừng khi thấy ông có thể cân bằng mọi thứ để được làm thứ mình thích trong cuộc sống sôi động và ngày càng gấp gáp này.


Cho đến bây giờ, đã hơn 50 năm, hai ông bà vẫn ở trong căn nhà chật chội chưa đầy hai chục mét vuông ở xóm Hạ Hồi. Căn phòng nhỏ xíu đầy ăm ắp đủ thứ, mà xem ra chúng đều liên quan đến việc làm ảnh của ông. Cái giường bé tẹo, chắc chỉ rộng khoảng 70 cm lúc nào cũng ngổn ngang sách báo, các tập ảnh, chăn màn; bà lão của ông ngủ trên gác xép. Ông bảo nhà này của Nhà nước phân cho, ông bà làm gì có tiền mà chuyển ra chỗ khác.

Ở đâu quen đấy, con người bị dẫn dắt bởi những thói quen, hãy tạo cho mình thói quen chấp nhận thực tại, đừng viển vông huyễn hoặc làm gì. Sống như ông bây giờ khoái lắm, vì thế ngủ trên chiếc giường chật thế này vẫn đánh một giấc ngon lành. Hơn nữa, ông nói, lúc nào ông cũng tràn đầy ý tưởng, người là hoa của đất, khi tư tưởng nở hoa thì đi trên mặt đất như đi trong cõi riêng, có vấp ngã cũng không thấy đau.


Bài và ảnh:Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN