Đền thờ Khúc Thừa Dụ - địa chỉ tham quan, giáo dục truyền thống yêu nước

Cùng với những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng trong tỉnh Hải Dương như Côn Sơn - Kiếp Bạc, Văn miếu Mao Điền, đền thờ Nhà giáo Chu Văn An, đền thờ Khúc Thừa Dụ (Ninh Giang) là địa chỉ thu hút khách tham quan, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Đền thờ Khúc Thừa Dụ tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang (Hải Dương) thờ 3 vị anh hùng dân tộc họ Khúc: Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo, Khúc Thừa Mỹ. Đền đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Đầu thế kỷ thứ X, triều đình phong kiến nhà Đường bắt đầu suy vong, nhân cơ hội này, Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng có uy tín, ảnh hưởng lớn trong vùng, xuất thân ở đất Hồng Châu (nay là Ninh Giang, Hải Dương) đã dấy binh khởi nghĩa, đánh chiếm phủ Tống Bình - Đại La, tự xưng là Tiết độ sứ. Để giữ vững chính quyền non trẻ vừa mới thành lập, ông đã cử phái bộ sang Trung Quốc thần phục, nhưng thực chất là "dùng nhu, chế cương". Sau đó, nhà Đường đành phải công nhận chức quan này của ông. Về hình thức, Giao Châu vẫn thuộc nhà Đường, nhưng thực chất sự kiện Khúc Thừa Dụ tự xưng Tiết độ sứ đã đặt nền móng cho nền độc lập, tự chủ của nước ta sau 1.000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Ông đã được nhân dân tôn vinh là Khúc Tiên chúa.

Năm 907, Tiên chúa Khúc Thừa Dụ qua đời, con trai là Khúc Hạo thay cha điều hành đất nước, thực hiện nhiều cải cách quan trọng. Ông chia nước thành các cấp hành chính là: Lộ, phủ, châu, giáp, xã; tổ chức hệ thống chính quyền xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Ông cho sửa lại chế độ tô, thuế, lực dịch nặng nề mà triều đình nhà Đường đặt ra và thực hiện chính sách ngoại giao mềm mỏng, hòa hảo với phong kiến phương Bắc; chú ý gìn giữ biên cương. Trung chúa Khúc Hạo được lịch sử đánh giá là người cải cách đầu tiên của thời quân chủ Việt Nam. Trong thời gian cầm quyền của ông, đất nước thái bình, dân chúng sống yên vui, kinh tế phát triển.

Năm 917 Khúc Hạo mất, nhường ngôi cho con trai là Khúc Thừa Mỹ. Biết được dã tâm của quân Nam Hán quyết chiếm nước ta, Khúc Thừa Mỹ tích cực phòng thủ đất nước, nhưng thế giặc mạnh, ông đã chịu thất bại. Tuy ba đời của dòng họ Khúc nối nghiệp lãnh đạo nước ta trong chưa đầy 30 năm, nhưng đã để lại một mốc son trong lịch sử dân tộc. Đó là thời kỳ đặt cơ sở cho nền độc lập, tự chủ và thực hiện những cải cách quan trọng.

Với công lao to lớn đó, năm 2004, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hải Dương đã xây dựng đền thờ Khúc Thừa Dụ. Năm 2009, tỉnh Hải Dương tổ chức khánh thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng. Nhân dân lấy ngày mất của Khúc Thừa Dụ (ngày 23 tháng 7 âm lịch) tổ chức lễ hội. Những ngày đầu năm mới, đền thờ Khúc Thừa Dụ trở thành điểm tham quan của người dân trong vùng và du khách.

Chú thích ảnh
Biển chỉ đường vào đền thờ Khúc Thùa Dụ.
Chú thích ảnh
Đền nằm giáp đê sông Luộc, mặt quay theo hướng Nam.
Chú thích ảnh
Để vào trong đền, du khách phải đi qua chiếc cầu đá, vào sân hội.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Ở sân đền có hai bức phù điêu ghép bằng các tảng đá lớn. Các họa tiết được chạm khắc công phu, mô tả cảnh nhân dân tụ nghĩa theo Tiên chúa Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ.
Chú thích ảnh
Tấm bia ghi công trạng Tiên chúa Khúc Thừa Dụ và con cháu ông.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Đền chính có kiến trúc kiểu chữ Công (I) gồm 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ và 5 gian hậu cung. Toàn bộ ngôi đền được dựng trên nền bệ cao chín bậc có lan can và thềm bó đá xung quanh. 
Chú thích ảnh
Phần hậu cung đặt ba pho tượng thờ Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, Trung chúa Khúc Hạo và Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ.
Chùm ảnh, clip: XM/Báo Tin tức
Đặc sắc sản phẩm thêu tay của đồng bào Mông ở Tủa Chùa
Đặc sắc sản phẩm thêu tay của đồng bào Mông ở Tủa Chùa

Nghề thêu dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên có từ lâu đời. Những sản phẩm thêu truyền thống này được giới thiệu tới khách du lịch, mang lại nguồn thu đáng kể cho phụ nữ nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN