“Linh hồn” của người Mông
Người Mông vùng cao Mù Cang Chải gọi tiếng khèn là Krềnh. Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh, được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau: trong những dịp lễ, Tết, chúc mừng, ngoại giao đón khách, cưới xin… Tiếng khèn vang vọng, lúc thoáng đạt, lúc nỉ non, dìu dặt. Người Mông sử dụng khèn để đệm hát trong những ngày lễ truyền thống, đệm cho người hát các bài dân ca, có khi bắt nhịp cho các vũ điệu mạnh mẽ, sử dụng trong những ngày vui.
Đặc biệt, tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, gửi lời yêu của bao chàng trai, cô gái. Bất cứ chàng trai người Mông nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương, trên rẫy thì cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ là một cách để giải trí, mà nó còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình và là chiếc cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp. Hình ảnh những chàng trai khỏe mạnh với những giai điệu khèn hay kết hợp với những động tác múa khèn điêu luyện, sẽ chiếm được cảm tình của các cô gái.
Cho đến ngày nay, chiếc khèn là một thứ văn hóa vật thể được gìn giữ bền vững qua nhiều đời cùng với những giá trị văn hóa độc đáo, đặc thù của người Mông nơi vùng cao Yên Bái. Loại nhạc cụ này được ví như “linh hồn” của người Mông.
Theo anh Hàng A Sình ở bản Có Mông, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, mặc dù cây khèn luôn hiện hữu trong đời sống của người Mông, nhưng không phải ai cũng biết thổi khèn, múa khèn cũng như hiểu hết được những giai điệu của khèn. Để biết thổi khèn giỏi, các chàng trai Mông phải luyện tập từ khi còn nhỏ để có thân hình săn chắc, khỏe mạnh, biết cách rèn khí, lấy hơi sâu và dài để thổi các bài khèn được hay.
“Để thổi được khèn Mông phải có niềm say mê, sau khi đã học thuộc các bài khèn mới tiếp tục học những bước nhảy khèn, sau đó mới kết hợp giữa thổi và bước chân nhảy để tạo thành một điệu múa hoàn chỉnh. Khi đã giỏi khèn rồi, khi bản làng có lễ hội hay việc gì cần đến khèn thì mới tham gia được. Người nào không hiểu, không biết về khèn thì không thể sử dụng được nhạc cụ này”, anh Sình bộc bạch.
Anh Thào A Phềnh, ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Người thổi khèn giỏi không chỉ ở chỗ biết thổi luyến láy, tạo ra những hợp âm dày cho bài khèn mà còn phải biết thổi nhiều bài khèn khác nhau. Sau khi đã thổi thành thạo các bài khèn, các chàng trai Mông phải tiếp tục học múa khèn. Để có những bài múa điêu luyện đòi hỏi người thổi khèn phải chắc nhịp, mỗi tiếng khèn phát ra phải nhịp nhàng với từng bước chân. Khèn là linh hồn của người Mông nên rất mong những người có cùng đam mê sẽ nỗ lực học khèn giỏi để còn truyền lại cho con cháu sau này. Với khèn Mông, chỉ cần có lòng yêu thích, chịu khó học hỏi thì nhất định sẽ học được”.
Ông Lý A Lù, một nghệ nhân ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải cho biết, động tác múa khèn của người Mông nơi đây rất phong phú, đa dạng với khoảng 30 động tác, tổ hợp múa khèn như: nhảy đưa chân, nhảy lưới, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, quay di động, vờn khèn, quay cầu, quay gót, chọi gà... Trong đó chủ đạo là quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoáy ốc. Trong quá trình múa, bước chân của người múa phải đi đúng với tiết tấu bài khèn đang được thổi, khi múa được với tốc độ nhanh tức là đã biết múa khèn điêu luyện. Bởi vậy ngoài đam mê cũng cần phải có năng khiếu cùng với sự khổ luyện thì mới trở thành những thầy khèn có tiếng.
Gìn giữ và phát huy giá trị khèn Mông
Tại xã Lao Chải, để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có khèn Mông, từ năm 2015, địa phương này đã thành lập đội khèn Mông với 15 thành viên. Kể từ khi đội khèn đi vào hoạt động, những người yêu thích khèn Mông đã có cơ hội biểu diễn, giao lưu và phục vụ những ngày lễ lớn tại địa phương.
Tương tự, tại xã La Pán Tẩn cũng thành lập được đội khèn Mông. Anh Hờ A Già, một thành viên đội khèn chia sẻ, thấy trong xã không có nhiều người biết về khèn Mông nên anh đã quyết tâm học để giữ gìn. “Có 3 yếu tố quan trọng mà người học khèn phải nắm được, thứ nhất là phải thuộc lời các bài khèn, thứ hai là nhớ các nốt tay bấm khèn, thứ 3 là cách lấy hơi. Sau đó kết hợp 3 yếu tố này với nhau thì âm thanh mới mượt mà và lôi cuốn”, anh Già chia sẻ.
Theo ông Giàng A Dê, Phó Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn: Cây khèn có ý nghĩa rất lớn trong đời sống người Mông nên chính quyền xã rất quan tâm việc gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của nhạc cụ này; đội ngũ cán bộ xã cũng luôn có mặt kịp thời động viên các thành viên trong đội khèn luyện tập, biểu diễn.
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, những năm qua, huyện đã khôi phục nhiều lễ hội có sự hiện diện của tiếng khèn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa. Huyện cũng đưa múa khèn vào các trường học để giảng dạy; triển khai các chương trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó có khèn Mông.
Nghệ thuật khèn của người Mông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là niềm tự hào của người dân tộc Mông của tỉnh Yên Bái. Bà Lương Thị Xuyến cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện việc gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật này từ trong các nhà trường, trong mỗi gia đình, cho đến xã và thôn, bản. Hiện nay, huyện thành lập rất nhiều câu lạc bộ như: Câu lạc bộ múa khèn của các xã Mồ Dề, Khao Mang, Lao Chải...
Đến nay, huyện Mù Cang Chải đã 3 lần tổ chức thành công Hội thi trình diễn khèn Mông, thu hút đông đảo các đội tham gia với nhiều màn biểu diễn chất lượng, hay, hấp dẫn. Đặc biệt năm 2022, huyện Mù Cang Chải lần đầu tiên tổ chức Festival khèn Mông nhằm khuyến khích, từng bước sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa khèn và nhạc cụ khèn Mông để tổ chức tốt các nghi lễ tín ngưỡng văn hóa dân tộc truyền thống và các hoạt động văn hóa cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của huyện Mù Cang Chải, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Yên Bái.