Để lễ hội chùa Hương thật sự đẹp

Khai hội từ ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (tức ngày 5/2/2014), Lễ hội chùa Hương mỗi ngày thu hút hàng vạn du khách thập phương trảy hội.

Nỗ lực để lễ hội chùa Hương thật sự đẹp trong lòng du khách.


So với những năm trước, công tác quản lý lễ hội chùa Hương đã có nhiều chuyển biến tích cực, song đáng tiếc là vẫn còn tình trạng lộn xộn xảy ra do công tác quản lý chưa tốt, thiếu thanh tra, kiểm tra thường xuyên và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

 

Khen lắm, chê cũng nhiều


Cùng dòng người trẩy hội, phóng viên báo Tin Tức đã đến chùa Hương trong những ngày cuối tháng Giêng âm lịch này, khi những thông tin “chưa đẹp” về lễ hội đang được nhiều báo chí nhắc đến.


Theo ghi nhận của phóng viên, nhìn chung công tác vệ sinh, giữ gìn môi trường tại lễ hội năm nay đã có nhiều tiến bộ hơn so với những năm trước. Dòng suối Yến trong xanh, sạch sẽ hầu như không có bóng dáng của rác thải. Đôi khi có những du khách thiếu ý thức ném ra những những lon bia, túi nilon, nhưng ngay lập tức được các chủ thuyền dọn sạch.


Hai bên đường vào chùa, hàng quán được sắp xếp gọn gàng, quy củ. Đường lên cáp treo, du khách xếp hàng khá trật tự, không còn cảnh chen lấn, xô đẩy như những năm trước. Tại các ban thờ ở chùa Thiên Trù, trong động Hương Tích, tiền giọt dầu đã được đặt vào khay đựng tiền hoặc vào hòm công đức, tình trạng gài, giắt tiền lẻ lên tượng Phật đã giảm nhiều. Nạn rải tiền xuống suối Giải Oan cũng đã giảm, do năm nay cáp treo không còn dừng ở ga Giải Oan mà đi thẳng lên động Hương Tích.

Những dịch vụ đổi tiền lẻ như thế này đã được dẹp bỏ (ảnh chụp ngày 15/2/2014).


Công tác dọn dẹp vệ sinh, giữ gìn môi trường ở từng di tích cho đến dọc đường đi khá sạch sẽ, quy củ. Đặc biệt, năm nay Ban quản lý di tích đã xây dựng thêm một lò xử lý rác thải công suất 1 tấn/ngày ở khu vực gần động Hương Tích, góp phần giải quyết được toàn bộ lượng rác thải phía bên trong khu vực động Hương Tích.


Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng lễ hội chùa Hương vẫn còn nhiều hình ảnh chưa đẹp, phản cảm khiến du khách thấy phiền lòng. Trước tiên là tình trạng dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch vẫn ngang nhiên hoạt động. Theo ghi nhận của phóng viên, tại điểm bán vé cổng Hội Xá, vẫn có hàng chục phụ nữ cầm trên tay các tập tiền mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng đứng chào mời, chèo kéo khách đổi tiền. Giá đổi chênh lệch là “10 ăn 8” (10.000 đồng lấy 8.000 đồng) với tiền mệnh giá 1.000 và 2.000 đồng và “10 ăn 7” (10.000 đồng lấy 7.000 đồng) với tiền mệnh giá 500 đồng. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội chùa Hương thừa nhận, hoạt động đổi tiền lẻ chênh lệch giá ở khu di tích vẫn xảy ra, nhưng rất khó xử lý vì chưa có chế tài xử phạt cụ thể.


Tình trạng treo móc các loại động vật trước cửa hàng, trên đường vào chùa Hương rồi xẻ thịt rất phản cảm được phản ánh nhiều đến ở lễ hội chùa Hương các năm trước, năm nay cũng chưa được cải thiện nhiều. Nhiều hàng quán ở khu vực bến Thiên Trù vẫn vô tư treo móc, xẻ thịt, rất phản cảm.

Ngoài ra, ở một số khu vực, nhất là khu vực ở cầu Quan Âm kiều, hàng quán lấn ra lòng đường, gây khó khăn cho việc đi lại của du khách, thậm chí chắn cả lối đi vào Trạm công an Hương Tích. Khi đoàn kiểm tra của Bộ VH,TT&DL đến kiểm tra đột xuất, phòng nhận thông tin tội phạm của Trạm công an Hương Tích thậm chí lại là nơi người dân chế biến chè củ mài, còn cán bộ trực thì không thấy đâu.


Chấn chỉnh, khắc phục những hiện tượng xấu


Ngay sau khi các cơ quan truyền thông đưa tin về những bất cập, lộn xộn trong công tác quản lý lễ hội chùa Hương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã vào cuộc, có công văn phê bình UBND huyện Mỹ Đức và Sở VH,TT&DL Hà Nội chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đã để xảy ra những tồn tại, bất cập tại lễ hội chùa Hương. Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, tăng cường công tác quản lý lễ hội chùa Hương năm 2014, Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu lập tổ công tác liên ngành của thành phố do Sở VH,TT&DL chủ trì để chỉ đạo thường xuyên, kịp thời tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm và khắc phục những vi phạm tại lễ hội chùa Hương; Công an thành phố chủ trì phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức và các ngành liên quan đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại lễ hội; kiểm tra, xử lý chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra tại lễ hội; không để xảy ra hiện tượng “cò” vé đò, cáp treo…


Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 15/2/2014, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra đột xuất công tác quản lý, tổ chức lễ hội chùa Hương. Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách hành hương, giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom tiền giọt dầu, tuyên truyền cho người dân thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội mặc dù vẫn được BTC lễ hội duy trì, tuy nhiên, một số bất cập, hạn chế như dư luận phản ánh vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tại đền Trình, hàng nghìn người đứng chen chân làm lễ, sau đó ăn uống và xả rác bừa bãi khiến lực lượng thu gom rác dù làm việc liên tục cũng không thể thu gom ngay được. Mặc dù BTC đã cho đặt bảng, biển "nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội" trước đền Trình, nhưng hàng chục mâm tiền lẻ vẫn bày công khai trước cửa đền Trình. Khi đoàn kiểm tra xuất hiện, nhắc nhở, những người đổi tiền cất mâm tiền đi, nhưng khi đoàn kiểm tra đi khuất, họ lại bày ra trao đổi.


Trong khu vực chùa Thiên Trù, BTC lễ hội đã yêu cầu các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống đưa toàn bộ thức ăn vào trong tủ kính, để sâu vào bên trong, trên tủ ghi rõ chữ "Tủ bảo quản thực phẩm" và dán giấy mờ, hạn chế sự phản cảm. Tại ga cáp treo, do số người đi quá đông nên phải xếp hàng dài. Giải thích về thông tin có hiện tượng phe vé hoạt động tại các ga cáp treo, ông Trần Mai Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cáp treo chùa Hương cho biết: "Vì chờ đợi đi cáp treo quá lâu, một số người không đủ kiên nhẫn đã trả lại vé. Dân phe vé hoạt động ngoài khu vực bán vé đã mua lại với giá rẻ, rồi mời khách khác mua kèm theo lời hứa muốn đi nhanh thì bồi dưỡng thêm khiến dư luận hiểu lầm có hiện tượng phe vé "VIP" hoạt động ngầm".


Trong cuộc làm việc với BTC lễ hội chùa Hương, đoàn kiểm tra của Sở VH,TT&DL Hà Nội đã đề nghị BTC sắp xếp lại hòm công đức, khay đựng tiền giọt dầu tại một số vị trí; quan tâm nhiều hơn đến công tác thu gom rác thải, giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; không để dịch vụ bán hàng hoạt động tự phát hai bên đường đi; đồng thời chấn chỉnh hoạt động đổi tiền lẻ… Tiếp thu những ý kiến này, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực BTC lễ hội chùa Hương năm 2014 khẳng định, BTC sẽ tiếp tục sắp xếp lại hệ thống hàng quán; xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là mua bán động vật hoang dã, quý hiếm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, gây phản cảm, mất mỹ quan...

 

Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Cần phản ánh đa chiều

Ban Tuyên giáo và Sở VH,TT&DL Hà Nội có đi kiểm tra trực tiếp một số lễ hội trên địa bàn như chùa Hương, đền Sóc, Cổ Loa, chúng tôi nhận thấy, so với các năm trước, lễ hội đã có những chuyển biến tích cực. Do đó bên cạnh việc phản ánh những tiêu cực, cũng nên ghi nhận những mặt tích cực để động viên người tổ chức.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó ban Thường trực BTC lễ hội chùa Hương 2014: Sẽ cố gắng hết sức

Đến nay (ngày 19/2), dịch vụ đổi tiền lẻ đã được dẹp đến 98%. Chúng tôi sẽ nỗ lực không để tình trạng này tái diễn. Tình trạng ăn xin ở chùa Hương từ trước đến nay không có, những trường hợp ăn xin xuất hiện ở lễ hội, chúng tôi sẽ lập biên bản đưa về trung tâm bảo trợ xã hội. Đối với các quán hàng treo thịt động vật gây phản cảm, chúng tôi đã yêu cầu chủ cửa hàng đẩy lùi tủ vào bên trong, dán giấy kính mờ, biến tủ trưng bày thành tủ bảo quản để tránh tình trạng phản cảm. BTC lễ hội chùa Hương chúng tôi tiếp tục rút kinh nghiệm, những gì làm chưa tốt và sẽ tiếp tục triển khai thật tốt. Mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là đảm bảo an toàn cho du khách, đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường trong sạch, suối sạch, đường sạch; cố gắng hết sức để khu di tích danh thắng Hương Sơn ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách.

Chị Nguyễn Thị Phin, người dân thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn, tham gia thu gom rác tại động Hương Tích: Ý thức của nhiều du khách quá kém

Chỉ riêng trong động Hương Tích, trung bình mỗi ngày chúng tôi phải thu gom từ 100-150 bao tải rác các loại, từ vỏ hoa quả, bánh trái, lon bia… Điều khiến chúng tôi bức xúc nhất là nhiều người đi lễ hội không có ý thức giữ vệ sinh chung. Có người đứng ngay cạnh thùng rác, thế nhưng lại không vứt rác vào thùng mà ném ngay ra ngoài đất, chúng tôi lại phải ra nhặt vào, rất vất vả.

Phương Lan - Xuân Cường
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN