7 học sinh này, gồm 3 nữ và 4 nam, ở độ tuổi từ 16 - 18. Điều đáng nói, trong số 4 tiết mục biểu diễn tốt nghiệp của các em, có 2 tiết mục do chính Liên đoàn Xiếc Việt Nam đặt hàng đào tạo, gồm: Tiết mục “Hồ Thiên nga” (lắc vòng) và “Thiếu nữ bên trăng” (đu dây). Hai tiết mục này sẽ ngay lập tức được đưa vào kịch mục biểu diễn của Liên đoàn Xiếc.
Có nghĩa là, ngay khi được nhận về Liên đoàn Xiếc Việt Nam, những học sinh này sẽ phát huy được năng lực của mình, góp phần làm dày thêm chương trình của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cũng như làm mới những tiết mục xiếc vốn lâu nay vẫn bị “chê” là ít và lặp lại.
Tiết mục lắc vòng “Hồ Thiên nga” do Liên đoàn Xiếc Việt Nam đặt hàng. |
Theo lãnh đạo liên đoàn Xiếc Việt Nam, đây là cách đào tạo đặt hàng mà Liên đoàn đang phối hợp với Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam triển khai, nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) dành cho đơn vị tự chủ về ngân sách và đặt hàng tác phẩm (Liên đoàn Xiếc Việt Nam là một trong những đơn vị thực hiện lộ trình tự chủ hoạt động, cắt giảm ngân sách 30% từ năm 2015 tiến tới năm 2017 tự chủ 100%).
“Trong bối cảnh hiện nay, khi lực lượng diễn viên trẻ của đơn vị đang rất thiếu, cần phải bổ sung gấp; thì việc phối hợp đặt hàng đào tạo như vậy đã giúp cho chúng tôi rất nhiều. Ít nhất là có 2 tiết mục có thể biểu diễn ngay trong kịch mục của chúng tôi. Bên cạnh đó, trong quá trình 3 tháng thử việc của các em tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ xem xét khả năng của từng trường hợp, đào tạo thêm, tiến tới ký hợp đồng dài hạn ngay với các em để bổ sung cho lực lượng chính thức của Liên đoàn Xiếc Việt Nam”, lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết.
Cũng theo lãnh đạo này, nhờ có cơ chế nhận đào tạo theo đặt hàng mà học sinh được tập luyện chuyên sâu hơn, chất lượng biểu diễn báo cáo đã đáp ứng được yêu cầu.
Về phía đơn vị đào tạo, lãnh đạo Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cũng khẳng định, việc đào tạo với hình thức đặt hàng đã giúp cơ sở đào tạo xây dựng những tiết mục đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Điều này cũng giúp diễn viên trẻ tốt nghiệp thoát khỏi tình trạng ra trường xong không có đơn vị nào nhận. “Rõ ràng, với cách đào tạo có địa chỉ giúp tránh được sự thất thoát và lãng phí”, lãnh đạo Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết.
Sau thành công của khóa đào tạo theo địa chỉ đầu tiên này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ tiếp tục “đặt hàng” với trường để xây dựng một số tiết mục tập thể lớn với kỹ thuật và đạo cụ đầu tư hơn nữa như đu bay với tầm 8 - 10 diễn viên tham gia. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng với cả hai phía, phía “cung” và phía “cầu”. Tuy nhiên, ở góc độ đơn vị đào tạo, vẫn còn những trăn trở từ phía Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, đó là việc đặt hàng những tiết mục lớn như vậy, nhưng nhiều đơn vị khi nhận tiết mục về, do không có đủ điều kiện để duy trì (về kinh phí, con người) nên đã không giữ được, khiến tiết mục mai một. Đây cũng chính là một bất cập của ngành xiếc hiện nay.