Đạo diễn, NSƯT Nhuệ Giang: Thung lũng không hoang vắng

Yêu và say nghề, lại được sống trong môi trường đầy thuận lợi, Phạm Nhuệ Giang (ảnh) là một trong số ít nữ đạo diễn thành danh của Việt Nam.



Chưa khi nào thấy hạnh phúc được làm phim như mong muốn


Tôi gặp đạo diễn Phạm Nhuệ Giang trước giờ chị lên máy bay vào TP.HCM ký hợp đồng làm một bộ phim truyền hình mới của Hãng phim TP.HCM (TFS) chỉ vài tiếng đồng hồ. Thời điểm này bộ phim truyền hình nhiều tập “Trò đời” vừa lên sóng. Suốt thời gian làm bộ phim truyền hình này, chị chịu không ít áp lực. Việc chuyển thể từ những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng không dễ, nhất là việc tìm bối cảnh để miêu tả một Hà Nội cách đây sáu, bẩy chục năm, thể hiện cái xưa cũ trong xã hội hiện đại. Mất công lắm chị mới tìm được ngôi nhà cổ ưng ý ở tận Hải Phòng, rồi tìm kiếm ở Hải Hậu (Nam Định) dấu vết những dãy nhà thổ ngày trước.


“Khi ấy làm gì có ô tô đi đầy đường như thế này. Bây giờ, chẳng cứ gì ở phố, về quê đi trên cánh đồng nhìn xa xa đã thấy xe lớn xe nhỏ chạy nối nhau. Vì thế để trung thực với kịch bản, khi quay dãy nhà thổ, phía sau là cánh đồng, cả đoàn phải đợi… những chiếc ô tô phía xa xa đi khuất mới bấm máy”, chị nói. Một chút sơ suất, dù nhỏ thôi, lập tức những chi tiết của cuộc sống hiện đại sẽ chen vào khuôn hình bất cứ lúc nào. Thời gian quay bộ phim kéo dài, năm ngoái thời tiết thật khắc nghiệt, trời đông buốt giá có lúc 9-10 độ C trong khi diễn viên mặc áo mỏng manh, mùa hè nóng bức có đợt cao điểm gần 40 độ. Nhưng tất cả đã qua đi, để với chị, cho đến giờ phút này không cảm thấy phải hối tiếc hay áy náy vì đã không làm hết mình.


Nhưng chị cũng nói thật lòng rằng, trong suốt thời gian dài làm phim, chưa khi nào chị làm phim điện ảnh mà cảm thấy thỏa mãn một cách thực sự, chưa có được cảm giác hạnh phúc được làm phim khi trong tay có đủ tiền để trang trải. Một cảnh quay từ trên cao bằng máy bay hoặc trực thăng ngốn tới 2.000 USD/ngày. Tiền cát-xê thấp khó có thể đòi hỏi cao ở diễn viên. Làm phim độc lập như chị luôn phải đứng trước những lo toan về kinh phí. Cầm trong tay kịch bản rồi thì đi tìm tài trợ, hoàn thành phim xong phải lo quảng cáo để phát hành. “Hiện nay có công ty phát hành phim nói sẽ giúp tôi đưa phim truyện nhựa Lạc lối (giải Cánh diều bạc 2013) ra rạp, nếu như tôi đưa cho họ 250 triệu. Nhưng tôi lấy đâu ra tiền khi vừa lo sản xuất, vừa phải lo quảng bá. Trong khi mình mong muốn phim ra mắt khán giả lắm chứ thì có dư luận nói tôi không phát hành phim trong khi phim tham dự liên hoan”, chị phân trần. Vì thế chị chỉ có thể nói rằng mình “chấp nhận” cái tương đối, thỏa mãn đã hoàn thành bộ phim như mong muốn với khả năng kinh tế thực tế có trong tay.


Làm đạo diễn không hề giàu có


Có thể nói mười năm lại đây là thời gian đạo diễn Phạm Nhuệ Giang làm việc sung sức nhất. Chị làm phim điện ảnh xen kẽ phim truyền hình (hầu như mỗi năm chị đều cho ra mắt một bộ phim truyền hình), vừa viết kịch bản (đồng thời làm đạo diễn), vừa tham gia giảng dạy, có lúc lại biên tập các bộ phim truyền hình,… Thời chị đi học không có giáo trình, hầu như sinh viên xem phim “bằng mồm”, nghĩa là nghe giáo viên kể về các bộ phim cũng như cách làm phim là chính chứ không được xem phim. Vì vậy, giảng dạy cho sinh viên cũng là một quá trình học lại. “Điện ảnh Việt Nam nhiều người làm theo bản năng, theo hình thức chuyền nghề là chính. Nhưng ngoài bản năng phải tìm cái mới, hiểu biết những luồng chảy của phim ở cả trong nước và thế giới”, chị nói.

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang là con nhà nòi trong làng điện ảnh. Bố chị là cố NSND Phạm Văn Khoa, ông thuộc thế hệ đầu tiên của điện ảnh cách mạng. Khi lấy chồng, chị làm dâu trong một gia đình có truyền thống làm điện ảnh: chồng là đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân; cha chồng là cố đạo diễn, NSND Hải Ninh.


Khắt khe với chính mình nên những phim của chị sau khi đã lên sóng hoặc ra rạp, chị đều xem lại nhiều lần, xem một mình, xem cùng khán giả, xem sau khi phim đã ra mắt một thời gian, hoặc xem khi theo phim đó đến các kỳ liên hoan. Xem lại để có thể rút kinh nghiệm những phim sau, xem lại để đòi hỏi xử lý tinh tế, đa sắc hơn. Kỹ lưỡng với từng cảnh quay như chị, “mang tiếng” với nhiều diễn viên là khắt khe, một cảnh quay mà cứ phải quay ba, bốn đúp, làm gì phải cầu kỳ thế (nhất là với phim truyền hình), ấy vậy mà chị vẫn có những lúc chưa ưng ý với mình, giá như có thể làm lại, chị sẽ không để nhân vật phải buồn đến thế, không để nhân vật phải khô cứng đến thế,…


Chăm chút cho từng bộ phim nên phim của chị khi ra mắt khán giả đều thu hút được người xem. Phim Thung lũng hoang vắng (2001) chị đã đạt giải Fipressci cho đạo diễn trẻ châu Á tại LHP quốc tế Menbourg lần thứ 51; Hậu họa, phim truyền hình (2007)- giải phim hay nhất Liên hoan truyền hình toàn quốc, Cánh diều vàng Hội điện ảnh cùng năm; Khoan nói lời yêu thương (phim truyền hình)-Cánh diều vàng cho đạo diễn và phim 2009,… Phim truyện nhựa Tâm hồn mẹ trở thành nỗi ám ảnh khôn người cho người xem. Phim truyền hình Lập trình trái tim (phần 2) đem lại doanh thu quảng cáo 1,7-1,8 tỷ mỗi ngày,…


Làm phim liên tiếp và gặt hái nhiều thành công nhưng chị nói, đạo diễn phim như chị không thể giàu và không hề giàu có. Chị không giấu giếm rằng, để có thể sống được và cũng để có thể làm phim nghệ thuật được, chị phải dựa vào làm phim truyền hình. Tất nhiên, những phim truyền hình chị làm phải được tuyển chọn, phim phải có vấn đề, có thứ đáng nói và khi đã bắt tay vào làm là làm nghiêm túc chứ không phải theo kiểu ăn sổi ở thì, để rồi chính mình xem lại cảm thấy hổ thẹn. Ngoài việc dồn hết tiền để có thể làm phim độc lập, làm phim theo ý muốn, tiền còn lại chị dành dụm phòng những lúc chẳng làm phim nào cả. Bản thân chị luôn giản dị, ăn mặc chẳng cầu kỳ, tóc cắt ngắn (lúc nào cũng vậy), không xoăn nhuộm điệu đàng. Trong khi người ta xe này xe kia, ô tô bước lên bước xuống mưa nắng chẳng tới đầu thì chị vẫn ngày ngày tới hãng phim bằng chiếc xe 82 từ rất lâu (đến giờ chị vẫn tiếc chiếc xe 78, chị nói giá như ngày trước không bán thì giờ chị đã có thể trang trí cho nó thành chiếc xe cổ rồi), thậm chí còn muốn quay lại đi xe đạp. Trong nhà chị vẫn dùng chiếc quạt Panasonic của Nhật từ những năm bẩy mươi của thế kỷ trước, lúc bố chị còn sống, ông mang nó từ Sài Gòn ra. “Tại sao phải thay nó đi trong khi vẫn dùng được. Cái gì đã trở thành kỷ niệm thì khó bỏ”, chị nói.


Vợ chồng chị chẳng có con nên chị cũng không có nhu cầu xây nhà ở riêng mà vẫn ở trên tầng hai của một căn biệt thự cũ trong ngõ Phan Chu Trinh cùng với nhiều hộ gia đình khác. Căn phòng này của bố chị để lại, chị đã ở đây từ khi còn bé, giờ đã cũ lắm rồi, cầu thang ngoài trời dẫn lên phòng rêu mốc trắng, loang lổ những ô xám bạc màu, chiếc xe máy chị phủ áo mưa dựng ngoài trời sát chân cầu thang tầng một. Chị muốn sống cùng những kỷ niệm của bố mình, cố NSND Phạm Văn Khoa (ông thuộc thế hệ đầu tiên của điện ảnh cách mạng) với những thứ đã trở thành quen thuộc. Chị trở thành người giàu có về mặt tinh thần khi trong căn phòng vừa đủ cho sinh hoạt này có nhiều tranh vẽ hơn bất cứ thứ gì, tranh của Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, tranh của bạn bè vẽ tặng hai vợ chồng…


Chị nói, nhiều người bảo chị là người đàn bà đầy mạnh mẽ, nhưng chị thì thấy mình yếu đuối lắm, những góc khuất của người đàn bà cũng rất dễ thể hiện ra. Rất may là công việc liên miên khiến chị không có nhiều thời gian để suy nghĩ vẩn vơ. Còn tôi thì thấy chị là người phụ nữ đầy bản lĩnh. Không bản lĩnh sao được khi chị có thể làm việc cật lực ở phim trường mười bốn tiếng mỗi ngày, “gào thét” đến khản cổ. Không bản lĩnh sao được khi vợ chồng chị dù không có con cái vẫn hạnh phúc như đôi tình nhân và điều đặc biệt là chị vẫn thăng hoa khi làm phim. Cuộc sống của chị vì thế không có chỗ cho những phút giây hoang vắng hay lạnh lẽo sau mỗi chuyến đi dài, có khi vài tháng mới trở về nhà.




Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN