Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Lúc nào tôi cũng như mắc nợ

Có một điều rất đặc biệt với đạo diễn Đặng Nhật Minh, góp phần làm nên tên tuổi của ông trong làng điện ảnh, là những bộ phim đã trở nên quen thuộc với người xem như Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Mùa ổi, … lại được chuyển thể từ chính những truyện ngắn do ông viết. Cũng vì thế mà câu chuyện khi lên màn ảnh vẫn tươi mới và hầu như còn nguyên vẹn cảm xúc của người viết ra nó.


Viết văn cũng phải sang trọng


Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể rằng, ông ham viết văn cũng như ham làm phim vậy. Thời của ông ngày xưa, làm phim không dễ như bây giờ. Mỗi năm có vài phim được duyệt đã là nhiều và hầu như các đạo diễn đều phải xếp hàng chờ đến lượt. Vì vậy, khi có điều gì xúc động, có gì băn khoăn hay mối quan tâm nào đó ông đem trút hết lên trang giấy. Ông hài hước gọi tất cả những thứ ấy là “những “cục” trong người phải trút ra chứ không thể cứ chờ đến khi làm phim được”. Hơn nữa khi ấy viết truyện ngắn được đăng trên báo Văn nghệ là cả một niềm vinh dự đầy vui sướng, là sang lắm, mà phàm những ai dính dáng đến văn chương đều mong muốn. Thế nên ông viết, viết bằng cả niềm đam mê để thỏa mãn mình và cũng là để được trải lòng mình.


Đạo diễn Đặng Nhật Minh trong buổi ra mắt tập truyện ngắn “Ngôi nhà xưa”.


Truyện ngắn đầu tay của ông “Gặp gỡ ở cửa rừng” được viết trong chuyến đi thực tế ở Đường 9 Nam Lào mang dấu ấn của chính bản thân ông và cha mình- giáo sư, bác sĩ, liệt sĩ Đặng Văn Ngữ (chuyến đi ấy cũng giúp ích nhiều cho ông sau này khi làm phim Đừng đốt). Các truyện ngắn khác như Ngôi nhà xưa, Tin đồn, Chuyện người lớn, Nước mắt khô, Trở về, hay Thị xã trong tầm tay, Cô gái trên sông, Bao giờ cho đến tháng Mười đều là những câu chuyện đầy ám ảnh về cuộc sống, về con người trong cả thời bình cũng như thời chiến.


Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể rằng, dù ham viết văn nhưng ông vốn không phải là dân giỏi văn chương mà ông học giỏi toán. Nhưng những truyện ngắn của ông hết sức tự nhiên như tự thân của đời sống, gắn với mỗi phận người, khiến cho người đọc cảm thấy rất đỗi thân quen, hình như mình đã gặp con người ấy, hoàn cảnh ấy ở đâu đó. Mỗi câu chuyện đều mang tính nhân văn, hàm chứa nhiều giá trị mà ai khi đọc xong cũng phải suy nghĩ. Vì thế, người đọc rung động và đồng cảm trước sự hy sinh chịu đựng của người phụ nữ sau chiến tranh (truyện Bao giờ cho đến tháng Mười); có một cách nhìn trực diện khác về chiến tranh và những người đã bước ra khỏi cuộc chiến với sự lãng quên người từng cưu mang mình (truyện Cô gái trên sông). Câu nói đầy tính triết lý “Dù chỉ là một sự lãng quên cũng đồng nghĩa với tội lỗi” đã cho thấy toàn bộ thông điệp của truyện ngắn này. Những câu chuyện khác ông viết trong Thị xã trong tầm tay, Ngôi nhà xưa, Gặp gỡ ở cửa rừng,… cũng là những câu chuyện chân thực, đầy ám ảnh về mỗi con người trong những khoảng thời gian nhất định của cuộc sống thường nhật.


Có một điều người đọc dễ nhận ra, các truyện ngắn của ông đều không rào trước đón sau lý giải quanh co, ông viết thẳng, câu chuyện bám vào mạch một cách tự nhiên như người ta đang kể chuyện. Câu văn ngắn gọn, súc tích nhưng giàu hình ảnh, giàu tính biểu cảm, nhân vật nói ít mà hàm ý nhiều. Niềm đam mê viết văn của ông cộng với con mắt của người làm điện ảnh đã khiến cho những trang viết của ông trước khi lên màn ảnh đã là những bộ phim được viết ra trên giấy. “Văn là phải gợi hình. Giống như cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều, giỏi ở cái gợi hình. Khi Nguyễn Du viết “Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, thì có nhắm mắt lại cũng có thể tưởng tượng khung cảnh ấy đẹp như thế nào”, ông nói.


Từ nhỏ Đặng Nhật Minh đã thích văn của Tự lực văn đoàn, yêu Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam, thích những câu thơ: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/con thuyền xuôi mái nước song song” của Huy Cận, thích văn phong của Vũ Bằng trong “Thương nhớ mười hai”. Sau này, thơ văn kháng chiến ông thích thơ của Quang Dũng, Hoàng Cầm,…; và ông cũng rất mê P.Shekhop, E.Hemingway. “Văn hay điện ảnh thì cũng đều phải tinh tế, đều phải sang trọng. Phim nhiều khi tưởng không có gì nhưng lại mở ra cái rộng lớn”, ông nói. Vì thế, người đọc có thể nhận ra yếu tố điện ảnh trong các truyện ngắn lúc nào cũng giàu hình ảnh và sức gợi của ông.


Trả món nợ cho điện ảnh


Có sẵn trong tay những truyện ngắn, ông có thể chuyển thể bất cứ lúc nào thành phim. Điều này trở thành lợi thế to lớn với ông mà không phải đạo diễn nào ở Việt Nam cũng có được. Khi viết văn ông huy động hình ảnh vào câu chữ, khi chuyển thể thành phim thì huy động tối đa ngôn ngữ điện ảnh gồm hình ảnh lẫn âm thanh, hai điều này với ông luôn rạch ròi, không thể trộn lẫn. Duy chỉ có một thứ bất di bất dịch dù là văn học hay điện ảnh thì toàn bộ hồn cốt của tác phẩm trước khi lên màn ảnh đã có sẵn trong truyện ngắn rồi. Thế nên, các truyện ngắn của ông khi dựng thành phim vẫn luôn luôn tươi mới và như còn nguyên vẹn cảm xúc của người viết ra nó. Và vì thế, các bộ phim ấy đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng, trở thành những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, làm nên một phong cách nghệ thuật không thể lẫn với bất kỳ ai.


Ông kể rằng, truyện ngắn Thị xã trong tầm tay là một trong những truyện ngắn khiến ông hài lòng khi chuyển thể thành phim bởi ngôn ngữ hiện đại, chất truyện ít, giàu chất điện ảnh. Truyện ngắn này đã đạt giải 3 cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1980, bộ phim cùng tên đã giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim VN lần thứ VI cùng giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất cho ông. Truyện ngắn Bao giờ cho đến tháng Mười chuyển thể thành phim cùng tên năm 1984 cũng giành giải Bông sen vàng tại LHP lần thứ VII, giải đạo diễn xuất sắc nhất cùng nhiều giải thưởng quốc tế, trở thành một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại do kênh truyền hình CNN bầu chọn năm 2008. Hay phim Cô gái trên sông, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên thực hiện năm 1987 cũng đem lại cho ông giải thưởng Bông sen Bạc tại LHP lần thứ VIII,…


Bây giờ Đặng Nhật Minh không viết truyện ngắn nữa mà chuyên tâm vào sáng tác kịch bản cho phim. Hiện ông chỉ viết tùy bút về những chuyến đi của mình và cũng dự định tập hợp thành một cuốn sách. Ông nói mình “muốn trả món nợ cho điện ảnh”, một món nợ tự thân, lúc nào cũng canh cánh bên lòng.


Ông bảo, bản thân ông lúc nào cũng là một khối mâu thuẫn, ông rất sợ mắc nợ ai đó (vì thế ông không làm phim theo kiểu đặt hàng, không nhận tiền tài trợ trước bao giờ) nhưng lại mắc nợ chính mình, mắc nợ cái nghiệp điện ảnh đã trót đeo đẳng suốt cuộc đời ông, chẳng lúc nào thấy thảnh thơi. Nhiều lúc ông chỉ ước, giá như có sáng nào đó thức dậy không phải suy nghĩ, không thấy vướng bận bất cứ thứ gì. Nhưng giả sử như thế thật thì ông lại sẽ thấy mình chống chếnh, trống rỗng lắm. Và thực tế thì, lúc nào ông cũng có cái gì đó để ấp ủ, để nghĩ, để viết, dù cho bây giờ ông đã ở tuổi xưa nay hiếm rồi (đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh sinh năm 1938).


Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN