Sức ảnh hưởng, cốt cách, giá trị những tác phẩm của ông đã vươn tầm thế giới, được cả nhân loại tìm hiểu, nghiên cứu. Qua đó, càng khẳng định giá trị di sản cao đẹp mà Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để lại cho hậu thế, đóng góp hữu hiệu cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Danh nhân văn hóa có tầm vóc thế giới
Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay là phường Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Thời thơ ấu, được sống trong sự nuôi dạy chu đáo nhưng đường đời của ông sớm gặp nhiều gian truân. Năm 25 tuổi, sau một thời gian nỗ lực, Nguyễn Đình Chiểu trở ra kinh đô Huế ứng thí nhưng chưa đến khoa thi thì hay tin mẹ lâm bệnh và đã mất. Vì quá đau buồn, thương khóc mẹ, trên đường về chịu tang mẹ lại nhiễm phong sương và bị chứng đau mắt, dù được chữa trị chu đáo nhưng đôi mắt ông mãi mãi không nhìn thấy nữa... Không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng tâm hồn ông luôn tỏa sáng, giữ tròn trung hiếu. Ông mất vào ngày 3/7/1888, được an táng tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Cả cuộc đời 66 năm, Nguyễn Đình Chiểu sống bằng nghề dạy học, nghề thầy thuốc và sáng tác văn thơ. Sự nghiệp văn chương của ông, trừ một bài thơ viết bằng chữ Hán, còn lại đều viết bằng chữ Nôm, với các truyện thơ nổi tiếng như: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, các bài văn tế, thơ điếu, thơ Đường luật. Đặc biệt, nói đến sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu phải nói đến truyện thơ Lục Vân Tiên, một tác phẩm đầu tay chứa đựng triết lý, trọng đạo nghĩa, khí chất làm người, thể hiện quan điểm ca ngợi, bảo vệ cái tốt, cái hay, cái đẹp và phê phán, "ghét cay, ghét đắng" cái xấu, cái ác. Các bài văn tế, nhất là bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu là người đầu tiên dùng văn chương tạc vào lịch sử chân dung những người nông dân - nghĩa binh, những tướng lĩnh đánh giặc.
Làm thầy thuốc, thầy giáo là lựa chọn của Nguyễn Đình Chiểu. Lựa chọn ấy đặt ra bao thách thức cho một người bình thường, càng gay gắt, càng khó khăn cho một thầy thuốc, một thầy giáo mù lòa, dang dở công danh. Trọn đời, thầy Đồ Chiểu chăm lo dạy dỗ môn sinh, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều cốt lõi của văn hóa Việt Nam, truyền thống đạo lý của dân tộc và nhân cách của một kẻ sĩ. Hơn thế, trọn đời của ông luôn tận hiến cứu người, giúp đời bằng nghề thuốc của mình. Tác phẩm Ngư Tiều y thuật vấn đáp là một tập hợp phong phú nhiều bài thuốc mà ông đã dày công tổng hợp, học hỏi và nghiên cứu, để lại giá trị cho muôn đời sau.
Cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu ở Việt Nam và quốc tế tìm hiểu trong suốt hơn 150 năm qua. Việc giới thiệu về tác phẩm của ông được người Pháp tiến hành ngay từ khi nhà thơ còn sống. Trải qua thời gian, tác phẩm và cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu đã đi vào lịch sử, văn học, văn hóa - nghệ thuật, vào đời sống của người dân Nam Bộ cũng như cả trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, Nguyễn Đình Chiểu là tác giả Việt Nam có tác phẩm được phổ biến ở nước ngoài chỉ đứng sau Đại thi hào Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả ba lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Ðình Chiểu: Thơ văn, thầy giáo, thầy thuốc. Tại kỳ họp của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 diễn ra tại Paris tháng 11/2021, 193 quốc gia thành viên của UNESCO đã cùng nhất trí thông qua nghị quyết UNESCO tham gia kỷ niệm Ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022.
Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart, Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là một nhân vật xuất chúng và là một trong những nhà thơ Việt Nam được tôn vinh nhiều nhất và có các tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng. Những triết lý về hòa bình, về tình yêu của con người cũng như về lòng khoan dung hoàn toàn phù hợp với triết lý và mục tiêu của UNESCO. Ông cũng là một nhà giáo xuất sắc, một nhà giáo đã cống hiến cả cuộc đời mình để lan tỏa kiến thức, và đây cũng chính là một sứ mệnh của UNESCO: sứ mệnh Giáo dục. Nguyễn Đình Chiểu còn là một thầy thuốc vĩ đại với một tầm nhìn sâu rộng trong việc cứu người. Hơn thế nữa, ông còn là niềm hy vọng cho những người khuyết tật bởi ông đã có thể đạt được những thành công ngay cả khi ông bị mù. Điều này cho thấy, câu chuyện cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một nguồn cảm hứng không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn với cả nhân loại.
Giáo sư, Tiến sĩ A. Ya. Sokolovsky – Trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Liên bang Nga chia sẻ, tên tuổi của nhà thơ yêu nước Việt Nam vĩ đại nhất thế kỷ XIX – Nguyễn Đình Chiểu, được nhiều người biết đến ở Nga. Ông chủ yếu được biết đến với tư cách là một đại biểu xuất sắc của văn học chống Pháp tại Việt Nam thời thuộc địa. Tác phẩm chính của ông được biết đến ở đất nước chúng tôi, nhờ vào những bản dịch và nghiên cứu của những nhà Phương Đông học.
Giáo sư, Tiến sĩ A. Ya. Sokolovsky dẫn giải, tại Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, nơi đã nghiên cứu về Việt Nam và tiếng Việt gần 40 năm, việc đào tạo những chuyên gia Việt Nam đang được chuẩn bị theo hai hướng: Nghiên cứu khu vực nước ngoài, Bằng cử nhân nghiên cứu châu Á; Dịch thuật và nghiên cứu dịch thuật. Trong chương trình giảng dạy của cả hai chuyên ngành này, sinh viên đều học môn Văn học Việt Nam. Trong những bài giảng và thảo luận, sinh viên đi sâu tìm hiểu về cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu. Những sinh viên đọc và phân tích bài thơ của ông "Nguyễn Đình Chiểu và những bài thơ chống thực dân". Đồng thời, sinh viên cũng viết những bài viết theo học kỳ và những khóa luận (tốt nghiệp) về những chủ đề liên quan đến hoạt động văn học của nhà thơ, phát biểu tại những hội thảo khoa học cũng như dành những bài luận về nhà thơ yêu nước xuất sắc tại Olympic tiếng Việt hằng năm.
Gìn giữ và phát huy di sản
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã gắn bó với tỉnh Bến Tre 26 năm cuối đời. Gần 200 năm qua, người dân Bến Tre luôn xác định Nguyễn Đình Chiểu là một biểu tượng của vùng đất ba dãy cù lao. Tinh thần yêu nước, ý chí vượt khó vươn lên; đoàn kết vượt qua bao gian khổ hy sinh của ông đã truyền cảm hứng cho cuộc Đồng Khởi năm 1960, góp phần hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bến Tre.
Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre luôn thực hiện những công việc có ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn, tri ân nhà thơ, nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Chiểu từ việc trùng tu khu mộ, nhà lưu niệm, xây dựng trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản các dân tộc Việt Nam đến xuất bản các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, các công trình nghiên cứu, sáng tác về Nguyễn Đình Chiểu, tổ chức hội nghị khoa học quốc gia lần đầu tiên về Nguyễn Đình Chiểu cách nay 40 năm. Đặc biệt là đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế vừa qua trong dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu; tổ chức Ngày hội truyền thống văn hóa Bến Tre hàng năm, từ năm 1992 đến nay.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ngày càng sâu rộng trong nước và thế giới; gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức, nhân cách của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, để tinh thần Đồng Khởi chống giặc năm xưa được lan tỏa hiệu quả trong phong trào thi đua Đồng Khởi mới trên tất cả các lĩnh vực; phát huy giá trị văn hoá dân tộc trong xây dựng văn hoá, con người Bến Tre; tạo điều kiện cho văn hóa thấm sâu và trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển Bến Tre phồn vinh, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Em Hồ Ngọc Nhã Yên – học sinh lớp 11, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Bến Tre) chia sẻ, Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là một trong những tượng đài, ngôi sao sáng, tấm gương của tuổi trẻ Bến Tre. Ngoài là một nhà thơ lớn của nước ta, ông còn là nhà giáo, một thầy thuốc, tấm gương sáng về nghị lực sống phi thường. Trên ghế nhà trường, thơ văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu giáo dục học sinh bằng sự rạch ròi, đen trắng phân minh, rõ ràng và dễ đi vào lòng người. Qua từng trang thơ Đồ Chiểu mang đậm đạo nghĩa, hình ảnh con người Nam Bộ sáng ngời nhân nghĩa, đặc biệt trong đó tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là một bài học lớn để tuổi trẻ xây dựng những khát vọng và hoài bảo.
Hồ Ngọc Nhã Yên bày tỏ, tự hào là học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu, em sẽ cố gắng hơn nữa trong học tập và rèn luyện để viết tiếp những truyền thống vẻ vang của Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, xứng danh là học sinh dưới mái trường mang tên Cụ Đồ. Với vai trò thủ lĩnh thanh niên – Bí thư Đoàn trường, em sẽ xây dựng các phong trào, hoạt động để các bạn đoàn viên, thanh niên có thể tỏa sáng, phát huy được năng lực của mình, góp phần xây dựng trường tươi đẹp và rạng danh.