Theo đó, quy mô Dự án giai đoạn 2 sẽ gồm các khu vực: Khu Miếu Triệu Tường, khu vực phát huy giá trị di tích, khu Lăng Trường Nguyên, khu Đền Ông và đường giao thông. Trong đó, Khu Miếu Triệu Tường có tổng diện tích khoảng 14,54 ha sẽ được phục hồi hình dạng mặt bằng, vị trí, kiến trúc và cảnh quan các hạng mục công trình theo tư liệu khoa học và dấu tích theo kết quả khai quật khảo cổ gồm: Cổng nam thành nội, vọng lâu cổng Nam thành ngoại, 3 cổng thành trong, 8 cổng thành ngoại, tường thành, hào nước, cầu qua hào, miếu thờ, hạ tầng kỹ thuật trong di tích…
Đối với khu Lăng Trường Nguyên có diện tích khoảng 5,85 ha, sẽ được tôn tạo, tu bổ các hạng mục như: Cổng chính, miếu thờ thần núi Triệu Tường, bình phong hữu trước Miếu, nhà đón tiếp, soạn lễ và trông nom di tích, tường thành…; tiến hành di dời dân cư và mộ trong phạm vi di tích, tháo dỡ một số hạng mục: Cổng, nhà trông coi, nhà hóa vàng, đường lên và nhà bia trên núi.
Trong giai đoạn 2 của Dự án, tỉnh Thanh Hóa sẽ cải dịch, hoàn trả tuyến đường Quốc lộ 217B đoạn qua Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường với chiều dài 627m (có điểm đầu giao cắt với đường Quốc lộ 217B tại khoảng Km5+748, điểm cuối giao cắt với đường Quốc lộ 217B tại khoảng Km5+130).
Tổng mức đầu tư Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng Miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung (giai đoạn 2) là hơn 453 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện Hà Trung, vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Di tích Lăng Miếu Triệu Tường được vua Gia Long cho xây dựng năm 1803, tại thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, là nơi phát tích của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc tưởng niệm - miếu thờ của vương triều Nguyễn, được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật trang trí điêu khắc.
Trải qua những biến động của lịch sử, Lăng Miếu Triệu Tường đã bị san phẳng, nay chỉ còn dấu tích nền móng. Qua các cuộc khai quật khảo cổ đã cho cái nhìn tổng thể về quy mô, loại hình, kiểu kiến trúc cũng như diện tích xây dựng, tính xác thực của di tích cũng như làm rõ một phần kỹ thuật xây dựng di tích Lăng Miếu Triệu Tường.
Được biết, theo quy hoạch cũ và phân kỳ đầu tư, trong giai đoạn I, tỉnh Thanh Hóa đã phục dựng, tôn tạo Nguyên miếu (thờ Nguyễn Kim) và Trừng Quốc Công miếu (thờ cha Nguyễn Kim) ở khu vực 1 khu di tích trên.