Qua ghi nhận thực tế tại các lễ hội Xuân trên địa bàn Hà Nội, dù vẫn còn những tồn tại nhất định nhưng cơ bản các lễ hội diễn ra theo đúng quy định, tạo sự phấn khởi trong nhân dân và khách thập phương.
Những chuyển biến đáng kể
Những ngày đầu Xuân, các lễ hội trên địa bàn Hà Nội liên tiếp diễn ra, trong đó nhiều lễ hội quy mô cấp vùng có tính ảnh hưởng lớn như: Hội Gò Đống Đa, hội Chùa Hương, hội Gióng đền Sóc, hội đền Hai Bà Trưng, hội Cổ Loa, hội chùa Thầy, hội đền Và, hội Tản Viên Sơn Thánh…
Các lễ hội thường kéo dài trong vài ngày, thu hút hàng vạn người dân trong vùng và du khách các nơi về trẩy hội, tham quan, chiêm bái.
Nếu như các năm trước, nhiều lễ hội gắn với những hình ảnh phản cảm hay những bất cập trong việc quản lý công đức, vệ sinh môi trường, quản lý hàng quán kinh doanh… năm nay hiện tượng này đã giảm. Thay vào đó, văn minh nơi thờ tự được coi trọng hơn, không gian lễ hội được tổ chức quy củ, sạch đẹp, gọn gàng, vệ sinh môi trường có nhiều cải thiện. Phần lễ và phần hội được tổ chức trang trọng, giàu tính truyền thống. Nhiều lễ hội khôi phục được những phong tục, tín ngưỡng cổ có giá trị văn hóa cao.
Lễ hội Gióng đền Sóc là một điển hình trong việc loại bỏ những hình ảnh phản cảm trong tranh cướp lộc diễn ra vào ngày khai hội. Người dân và du khách đến với hội Gióng không còn nhìn thấy cảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh nhau để giành giật lộc hoa tre, lộc trầu cau như các năm trước.
Giờ đây, muốn xin lộc Thánh, người ta phải xếp hàng trật tự để vào phía khu vực hậu cung lễ Thánh và tự tay rút cành lộc dưới sự hướng dẫn của Ban Tổ chức lễ hội.
Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, việc thay đổi hình thức tán lộc vừa đảm bảo sự văn minh nhưng không làm ảnh hưởng đến tính truyền thống của lễ hội. Việc thay đổi này được nhân dân các xã tham gia lễ hội đồng tình ủng hộ góp phần tạo nên sự vui tươi, lành mạnh, an toàn cho lễ hội.
Năm nay, khách đến trẩy hội chùa Hương cũng cảm nhận được sự thay đổi trong khâu tổ chức và quản lý lễ hội. Dòng suối Yến không còn tình trạng rác thải trôi nổi, Ban Tổ chức bố trí một số thuyền làm nhiệm vụ vớt rác thường xuyên.
Đặc biệt, văn hóa ứng xử trong lễ hội được Ban Tổ chức quan tâm triển khai bằng việc dựng các bảng biển khuyến cáo, phát thanh để người dân và du khách ứng xử văn minh.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết, năm nay có gần 4.000 đò tham gia chở khách, các đò được gắn biển số để Ban Tổ chức kiểm soát tình trạng chủ đò chèo kéo, chặt chém du khách. Dù lượng người đổ về chùa Hương khá đông, thời gian kéo dài nhưng công tác an ninh, trật tự được đảm bảo, hiện tượng cờ bạc, bói toán, trộm cắp không còn diễn ra.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương coi trọng tổ chức các nghi lễ truyền thống đảm bảo đúng thuần phong mỹ tục. Các lễ rước, lễ tế với sự tham gia của nhân dân địa phương diễn ra trang trọng như: lễ rước nước của lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, lễ rước vật phẩm tại lễ hội Gióng đền Sóc, lễ dâng hương và rước kiệu tại lễ hội đền Hai Bà Trưng…
Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi, trò diễn đậm chất dân gian được đưa vào lễ hội như: hát quan họ, hát chèo, đấu vật, đánh đu, thổi cơm thi, múa sư tử, kéo co… thu hút đông đảo sự tham gia của gười dân và du khách.
Khắc phục những tồn tại
Bên cạnh những chuyển biến, các lễ hội Xuân trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định cần được chấn chỉnh kịp thời. Điều dễ nhận thấy nhất, tại một số lễ hội vẫn còn tồn tại các dịch vụ hàng, quán bày bán đan xen trong di tích gây mất mỹ quan và cản trở việc đi lại của khách tham quan.
Công tác vệ sinh môi trường chưa thực sự đảm bảo, nhiều lễ hội chưa đủ thùng chứa rác, phế thải; thiếu nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ người dân tham gia lễ hội thiếu ý thức nên việc đảm bảo vệ sinh, môi trường chưa tốt.
Đáng lưu ý, việc đốt vàng mã, thắp hương nhiều, đặt tiền giọt dầu không đúng nơi qui định, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo… làm ảnh hưởng đến mỹ quan trong lễ hội và di tích.
Điển hình như tại đền Đức Thánh Cả huyện Ứng Hòa còn hiện tượng thắp hương trong nội tự di tích gây ảnh hưởng đến đồ thờ tự, hàng quán bày bán quá nhiều ngay tại khu vực 1 của di tích. Ban Quản lý di tích tự ý lập 13 bia ghi công đức mới đặt tại phía bờ sông. Thùng rác đặt tại cổng đền chưa phù hợp với mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng này, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, ngành Văn hóa phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội, phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội.
Chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo ngành, các cấp, các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội, hướng dẫn nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.
Một mặt, ngành văn hóa Hà Nội phối hợp với các ngành liên tăng cường kiểm tra công tác tổ chức, quản lý lễ hội, xử lý nghiêm các hành vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật.
Các lễ hội tại Hà Nội vẫn đang tiếp tục diễn ra. Sự lộn xộn đang dần loại bỏ, hoạt động văn hóa tín ngưỡng này đang chuyển biến theo hướng văn minh, lành mạnh. Song để đảm bảo tính ổn định và lâu dài, ngoài ý thức của cộng đồng, trách nhiệm tiếp tục đặt ra đối với các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.