Bức ảnh quý giá
Từ lâu, tại phòng làm việc ở số 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đã treo trang trọng bức ảnh ông vinh dự được chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1990. Khi chụp bức ảnh ấy, NSƯT Lê Chức 44 tuổi. Bức ảnh này được ông coi là kỷ vật vô giá của mình với tướng Giáp-vị tướng của nhân dân.
NSƯT Lê Chức vinh dự chụp ảnh với Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu năm 1990. |
Bây giờ, dưới bức ảnh đó còn có thêm cuốn sách “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp-người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam”, bên cạnh đó là tờ lịch ngày 4/10, ngày Đại tướng ra đi mãi mãi, trên đó ghi lại giờ đại tướng mất và dòng chữ “Vô cùng kính trọng và tiếc thương”. Kèm đó là tác phẩm âm nhạc “Nhớ ngày Đại tướng trở về Điện Biên Phủ” và đĩa phim gồm 3 tập “Bản anh hùng ca Điện Biên trên bầu trời Hà Nội” do Phạm Hùng tặng. Phía dưới cùng là bài báo viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức các nhà văn. NSƯT Lê Chức nói, tướng Giáp luôn trong tâm trí mình, một cách bình dị và thường trực như thế.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn tại Đại học Sân khấu và Điện ảnh Kiev (Ucraina) năm 1987, về nước, Lê Chức là chuyên viên sân khấu của Cục Nghệ thuật Sân khấu và nhận trọng trách Phó Giám đốc chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương VN). Khi ấy, ông dựng vở cải lương Lôi Vũ của nhà văn Tào Ngu (Trung Quốc). Người dịch Tào Ngu ra tiếng Việt không ai khác là Giáo sư Đặng Thai Mai, thân sinh của phu nhân Đại tướng, bà Đặng Bích Hà.
Khi vở công diễn, cả Đại tướng và phu nhân đã đi xem. Khi ấy ông dựng vở Lôi Vũ hai tập, thời lượng khoảng ba tiếng đồng hồ. Khi xem xong, phu nhân Đặng Bích Hà nói: “Ồ, hay nhỉ, anh Chức là người học ở châu Âu về mà lại dựng một vở của Trung Quốc rất thú vị”. Nhận thấy sự cởi mở, chân tình từ phu nhân, ông Chức và anh em nghệ sĩ của nhà hát xin một lúc nào đó được đến thăm gia đình Đại tướng. Một buổi chiều năm 1990, ông và anh em trong đoàn đã tới ngôi nhà của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). Buổi gặp gỡ ấy, Đại tướng tiếp tục nói về Lôi Vũ và những câu chuyện khác. Sau đó, đoàn xin phép được chụp ảnh và NSUT Lê Chức đã có một bức ảnh chụp riêng với Đại tướng như thế.
Những câu chữ dâng Người
Ông nói trong niềm xúc động rằng, cứ như có một sự sắp xếp vậy, bởi đúng vào ngày diễn ra lễ truy điệu, lễ đưa tang Đại tướng (ngày 13/10) thì bất ngờ ông xem được bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với các nhà văn tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V (1995) đăng trên báo Văn nghệ (ra ngày 12/10). Trong bức ảnh đó, thân sinh ông, nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh, thuộc thế hệ những nghệ sĩ đầu tiên của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại, đứng cạnh tướng Giáp. Đây cũng là đại hội cuối cùng mà kịch sĩ Lê Đại Thanh tham dự (ông mất năm 1996). Kịch sĩ Lê Đại Thanh nhập ngũ, tham gia kháng chiến trong suốt những năm chống Pháp, từ 1946-1954, ở trung đoàn 42, rất quý trọng Đại tướng. Nhìn thấy bức ảnh này, ông cảm thấy như mình được ban tặng món quà quí giá vào thời điểm không thể nào quên này.
Ngay sau ngày Đại tướng mất (4/10), cho đến hôm nay, ngày nào ông cũng đi về phía đường Hoàng Diệu, ngang qua nhà Đại tướng, để mình được thêm một lần nữa giữ trọn vẹn cảm xúc và lòng thành kính với con người mà cả triệu trái tim Việt đang hướng về. Ông thắp hương lên bàn thờ Phật, đặt chân dung Đại tướng bên cạnh chân dung Nguyễn Trãi và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đốt trầm thay cho những nén nhang thường nhật (NSƯT Lê Chức đặt bàn thờ Phật, Nguyễn Trãi và Bác Hồ cả ở phòng làm việc và giữ thói quen thắp hương hàng ngày).
Ngày 7/10, NSƯT Lê Chức đã viết những dòng chữ như dốc từ gan ruột “Tâm kính những câu chữ dâng Người”, với tình cảm thiết tha dành cho vị tướng tài ba, văn võ song toàn Võ Nguyên Giáp. “Tâm kính những câu chữ dâng Người” được viết theo lối trường ca văn xuôi gồm 4 đoản khúc, vừa thiết tha, sâu lắng, thể hiện tình cảm tiếc thương với lời lẽ đầy bi tráng. Với ông, sự ra đi của tướng Giáp là “đi vào nỗi nhớ của lòng cảm phục”;…“Đội quân của ông là cả một dân tộc, là nhân dân-không thiếu một ai của đất Việt ngàn đời”.
Hình ảnh đoàn người nối dài từ sáng sớm tới chiều tối lặng lẽ, trật tự, kiên nhẫn đợi vài tiếng đồng hồ để được vào viếng Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu đã khiến cảm xúc trong ông như ngưng tụ lại, để rồi mỗi câu chữ trong ông bật dậy tuôn chảy, mà ông nói, điều ấy chỉ diễn ra vào lúc ấy chứ không thể là khi nào khác và không khi nào có thể viết lại được. “Nắng hanh vàng mùa thu/Lấp lóa trên nón trắng/Trên tay quạt/Trên trang báo có in hình Đại tướng trang nghiêm với ánh mắt hiền từ/Đoàn người dài và đông trong hàng đôi tự nguyện/Những người lính trẻ/Những chiến sĩ công an trẻ/Những áo xanh tình nguyện trẻ/Mũ cối/Mũ tai bèo/Những vết sẹo chiến công hằn sâu trên mặt/Những mẹ VN anh hùng miệng thắm quết trầu/Tựa vào những cánh tay dìu/Đi vào. Bước vào.Trang trọng hành quân vào/ Ngôi nhà số 30 con đường mang tên người Tướng anh hùng giữ thành-Hoàng Diệu”.
Nhưng với ông, tướng Giáp ra đi, cuộc chia ly này là cuộc chia ly đặc biệt, ra đi nhưng để con dân đất Việt nhớ mãi vị tướng tài ba: “Cuộc chia ly này khác tất cả cuộc chia ly/Không có bắt đầu và không bao giờ là cuối/Đất nước trường tồn cùng dân tộc Việt không bao giờ mất /Là nơi để tướng Giáp “hóa” vào/ Trong nhịp đập của mỗi con tim/Tạo thành nỗi nhớ/Có trầm tích kết tụ khí phách những anh hùng/Giản dị như chân lý/Thật như sự thật/Cao đến Đức độ/Có một tượng đài bất tử: Tướng Văn-Tổng tư lệnh!”. Cuộc chia ly vì thế, như chưa bao giờ có.
Xuân Phong