Cùng “Hành trình rẻo cao” tìm đến với các dân tộc rất ít người

Series phim tài liệu “Hành trình rẻo cao” do đội ngũ BTV của Đài TH Kỹ thuật số VTC thực hiện, theo đơn đặt hàng của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT & TT); sẽ chính thức lên sóng truyền hình VTC1 vào ngày 2/1 tới và đều đặn sẽ phát sóng tối thứ bảy hằng tuần, lúc 21 giờ.

Ngoài VTC1, các kênh khác của VTC cũng sẽ phát sóng, các đài TH cũng sẽ phát sóng và như Thứ trưởng Bộ TT & TT Trương Minh Tuấn bật mí tại cuộc họp báo giới thiệu chương trình chiều 30/12 tại Hà Nội: VTV5 (kênh truyền hình dành cho đồng bào) cũng sẽ ngay lập tức phát sóng bộ phim, để mang tới cho đồng bào các dân tộc Việt Nam những hình ảnh “nóng hổi” về đồng bào các dân tộc rất ít người, vốn cũng rất ít xuất hiện, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Một cảnh trong các thước phim của series phim “Hành trình rẻo cao”.


Tìm đến đồng bào các dân tộc rất ít người là phải tìm đến những nơi rất sâu, rất xa, vì đồng bào dân tộc rất ít người đương nhiên không sống ở gần đường, ở trung tâm của các địa phương. Tìm hiểu về đồng bào dân tộc rất ít người là phải tự mày mò, tự tích lũy, vì tài liệu về đồng bào ít vô kể, nếu không muốn nói là có những dân tộc hầu như không có một tư liệu gì ghi chép lại về mình. Tài liệu cổ không còn, tài liệu mới thì cũng vô cùng hiếm hoi dù trong các bảo tàng, thư viện.

Thế nên, công việc của những BTC Đài TH Kỹ thuật số VTC giống như là “khai mở”. Họ phải dành thời gian đến tận nơi, ở với đồng bào cả tuần, vài tuần để tìm hiểu về phong tục, tập quán, đời sống của đồng bào; từ đó mới có cơ sở mà xây dựng kịch bản, rồi kịch bản ấy sẽ được một hội đồng cố vấn gồm các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có tên tuổi góp ý, chỉnh sửa; sau đó mới bắt đầu quay. Mỗi lần đi quay cũng là một hành trình đầy thử thách cho những người làm phim. Như một BTV của series chia sẻ về hành trình làm phim về đồng bào La Hủ, những người sống ở mảnh đất “ngửa mặt là núi, cúi mặt là vực sâu”, khi đoàn làm phim đang đi trên con đường lầy lội trơn trượt vì mưa thì gặp núi lở; cả đoàn phải dừng lại, lấy tinh thần rồi mới dám đi tiếp.

Hay những ngày làm phim về đồng bào Chứt, dân tộc vốn chỉ sống trong hang đá sâu của dãy Trường Sơn, nhà đồng bào không có chăn gối, nhưng lại nhiều ghế ngồi; mỗi người trong đoàn mượn một chiếc ghế làm gối, rồi cứ thế mà ngủ, vài ngày đầu còn lạ nhà, lạ bản, thêm vài ngày thì quen hết mọi ngõ ngách; sau 3 tuần làm phim thì thành người nhà, dù đoàn làm phim toàn những chàng trai, cô gái thành thị chính gốc… Chia sẻ thế để hiểu, có được những thước phim lên sóng hôm nay, là một hành trình dài đẵng đẵng, đầy hiểm nguy và đầy trở ngại như thế nào.

Series phim này là nhằm thực hiện chủ trương xây dựng chính sách bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội đối với các dân tộc rất ít người, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy giá trị của mỗi dân tộc. Đây cũng là series phim được thực hiện để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Sau gần 3 năm của những ngày đằng đẵng, những ngày hiểm nguy, những ngày trở ngại ấy; là thành phẩm gồm 18 tập phim, trong đó có 16 tập phim, mỗi tập phim về một dân tộc: Lô Lô, Pà Thẻn, Pu Péo, Cờ Lao, Bố Y, La Hủ, Phù Lá, Lự, Mảng, Sila, Cống, La Ha, Ơ Đu, Chứt, Rơ Măn, Brâu. Hai tập cuối, một tập đề cập đến những giá trị cốt lõi về văn hóa của các dân tộc rất ít người và một tập về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đối với đồng bào các dân tộc rất ít người.

Trong mỗi tập phim ấy, như khẳng định của Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, đơn vị sản xuất chương trình đã chọn cách tiếp cận văn hóa (khắc họa cuộc sống của những cộng đồng dân tộc rất ít người từ góc độ văn hóa). “Với cách tiếp cận này, những khó khăn, vất vả của một số dân tộc rất ít người được ghi nhận như là một lối sống đã duy trì từ nhiều đời nay, gắn với những tập tục, những quan niệm tâm linh, những giá trị bền vững… mà với cuộc sống đó, đồng bào dân tộc rất ít người cảm thấy rằng, họ mới là chính mình. Bởi thế, quan điểm được thể hiện trong các chương trình là tôn trọng cái riêng, sự khác biệt của dân tộc rất ít người”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, qua các chương trình này, khán giả xem truyền hình cũng sẽ thấy được những vấn đề đang nổi lên, đó là sự tác động từ môi trường bên ngoài đã làm biến đổi nhiều thứ, trong đó có đời sống, văn hóa của từng dân tộc. Trong khi nhiều nét văn hóa đặc sắc vẫn chưa được gìn giữ, thì nhiều phong tục, tập quán, quan niệm đã bị mai một. Các chương trình có nhiều hình ảnh khám phá những vùng đất còn hoang sơ, những cộng đồng người sống biệt lập ở giữa rừng sâu, qua đó khán giả sẽ được chứng kiến nhiều câu chuyện lạ, kỳ bí, hấp dẫn; đồng thời cũng sẽ có những trăn trở, tiếc nuối trước những gì mà các dân tộc rất ít người đã tự đánh mất đi, rất khó hoặc không còn khả năng để khôi phục.

Phát biểu tại chương trình, ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, khẳng định: “Những thước phim đã góp phần phản ánh cuộc sống hiện thực về sản xuất, đời sống, việc giữ gìn bản sắc dân tộc của mỗi dân tộc; dồng thời phản ánh được việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của TƯ và địa phương để đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc rất ít người này, nói lên thực tế đòi hỏi các địa phương trong vấn đề đầu tư phát triển trong thời gian tới để giúp đồng bào nâng cao đời sống, nâng cao sản xuất, giảm sự chênh lệch giữa các dân tộc với nhau giữa các vùng miền”.
P.V
Ra mắt kênh Truyền hình Nhân dân
Ra mắt kênh Truyền hình Nhân dân

Tối 1/9, Lễ ra mắt và phát sóng chính thức kênh Truyền hình Nhân dân đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN