Công lý đã được lập lại

Công lý sẽ không gục ngã vì tiền bạc. Công lý sẽ không gục ngã vì quyền lực. Công lý sẽ phải được thực hiện để làm khô những giọt nước mắt trên gương mặt những người dân lành; để tạo niềm tin cho mọi người trong cuộc sống dù là ngày xưa hay ngày nay.  Đó là ý nghĩa lớn nhất của vở kịch lịch sử “Công lý không gục ngã” của Nhà hát Tuổi trẻ vừa dàn dựng và sẽ được lựa chọn tham dự Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015.


Quan thị lang Ngô Thì Nhậm đã  từ chối vàng bạc, bỏ qua sự đe dọa của quyền lực để quyết tâm mang lại công lý cho nhân dân.


Chí khí của một chí sĩ Bắc Hà


Không gian sân khấu dường như đặc quánh, ngột ngạt suốt cả vở kịch. Bắt đầu bằng cảnh Đặng Mậu Lân, em trai của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, cậy thế chị mình được Chúa Trịnh Sâm sủng ái, nên ngang nhiên cướp đất, cướp nhà của dân lành; ngang nhiên giăng màn giữa phường phố của kinh thành Thăng Longhiếp dâm con gái nhà lành… Người phụ nữ bạc mệnh bị “Cậu Trời” hành hạ hôm đó là Mơ- người vì cảnh nhà hết gạo nên dù chồng can ngăn vẫn quyết tâm ra chợ kiếm tiền. Mơ bị lính của “Cậu Trời” bắt, bị hãm hiếp trước mặt chồng mình và bị cắt tai, cắt vú chỉ vì dám chống lại. Sau hôm đó, Mơ phát điên, lúc mê, lúc tỉnh. Cuộc đời cô và cả gia đình cô dường như đã chấm dứt cũng từ hôm ấy.


Chúa Trịnh Sâm nhu nhược, bệnh tật, để mọi quyền hành rơi vào tay Tuyên phi Đặng Thị Huệ


Mơ chỉ là một cái tên được nhắc tới, trong hàng trăm cái tên cũng cô con gái nhà lành đã trở thành nạn nhân của kẻ coi mình là “Cậu Trời”, không còn biết sợ gì trên đời bởi cậy chị mình là người thao túng mọi việc trong phủ Chúa, cậy cháu mình là Trịnh Cán chỉ còn chờ Chúa Trịnh nằm xuống là sẽ lên ngôi Chúa. Thì ngay như Tuyên phi Đặng Thị Huệ, chị gái của Đặng Mậu Lân, sau này cũng đã có lúc tuyên bố: “Mọi quyền hành của Phủ Chúa trong tay ta. Con trai ta sắp lên ngôi Chúa. Công lý ở đó chứ còn ở đâu”.


Nhưng dù chuyện “lầm than” xảy ra hàng ngày như thế, dù nước mắt của những người bị Cậu Trời hãm hại chảy thành suối như thế; Cậu Trời cũng chưa từng bị sờ tới. Cũng bởi, không ai dám lên tiếng, không ai dám chống lại kẻ biết là không thể chống lại. Thì đấy, trống kêu oan treo khắp kinh thành, nhưng suốt cả vở kịch, đã lúc nào trống vang lên đâu. Bởi dân lành cứ tới gần chiếc trống là đã bị dọa nạt, thậm chí giết hại…


Thế thì làm sao không ngột ngạt cho được.


Mọi chuyện chỉ bắt đầu khi Quan thị lang Ngô Thì Nhậm được giao xử vụ án Cậu Trời do dám giết Sử Trung hầu, một mệnh quan được Chúa giao đến để bảo vệ công chúa Ngọc Lan đã bị ép gả cho Đặng Mậu Lân; đồng thời dám mạo phạm công chúa dù Chúa đã ra lệnh không được phép lại gần công chúa.


Vị quan thanh liêm được nghe, được chứng kiến, được dân tin đến tận phủ kể cho những tội ác của Đặng Mậu Lân. Vị quan thanh liêm cũng được Tuyên phi Đặng Thị Huệ và Quận Huy đến tận nhà, mang theo vàng bạc chất cao “che cả mặt Nhậm tôi”. Vị quan thanh liêm đứng trước những lời đe dọa sẽ bị trả thù nếu dám động tới Cậu Trời. Vậy ông sẽ làm gì khi là niềm hy vọng duy nhất của người dân, khi chỉ có ông mới có thể khiến công lý được lặp lại; đồng thời cũng khiến ông sẽ phải đối mặt với hiểm nguy? Quyết định cuối cùng đã được đưa ra: Bất chấp lệnh dừng vụ án của Đặng Mậu Lân mà Đặng Thị Huệ đã giả danh Chúa ban ra, ông đã xử tử Cậu Trời, lập lại công bằng trong xã hội, mang lại niềm tin vào luật pháp cho người dân…


Vở kịch chưa kết thúc bằng thắng lợi của Ngô Thì Nhậm, cũng bởi tiếng nói của những người chính trực như ông là tiếng nói quá nhỏ bé trong cái xã hội phong kiến mục ruỗng thời ấy. Cũng bởi vẫn tồn tại đó một Đặng Thị Huệ và một Quận Huy, tham quyền, tàn ác. Nhưng dẫu gì, tiếng trống kêu oan mà Ngô Thì Nhậm đã thuyết phục được người dân đánh lên trong phủ ông; dẫu gì sợi dây thòng lọng ông thòng được vào cổ Đặng Mậu Lân; cũng đã khiến sự ngột ngạt của vở kịch dường như tan bớt…


Tính nhân văn cao


Đây là vở kịch lịch sử thứ ba mà Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, sau “Vũ Như Tô” (đạo diễn Phạm Thị Thành) và “Rừng trúc” (đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và Phạm Thị Thành); cũng là vở diễn đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ có liên quan tới quan thị lang Ngô Thì Nhậm- vị quan thanh liêm và vì dân vì nước đã được chọn đặt tên cho con phố mà Nhà hát Tuổi trẻ đặt trụ sở 37 năm nay; và đây cũng là sự hợp tác đầu tiên của Nhà hát với đạo diễn- NSND Doãn Hoàng Giang. Nhiều điều đặc biệt như vậy, nên vở diễn đã được đầu tư rất công phu, dàn dựng rất nghiêm túc và hứa hẹn trở thành một kịch mục thành công của Nhà hát Tuổi trẻ.


Cậu Trời Đặng Mậu Lân đã bị trừng trị


Sân khấu không quá cầu kỳ, mang tính cách điệu cao của kịch lịch sử, nhưng cũng đã đủ tạo nên sức nặng cho mỗi cảnh diễn. Trang phục của diễn viên được đầu tư công phu. Các diễn viên đều diễn tròn vai, hết sức nghiêm túc và chuẩn chỉ. Không có nhiều “mảng miếng” và chiêu trò, có cao trào nhưng cũng không quá tạo đỉnh điểm. Có lẽ, những “đặc điểm” dàn dựng của NSND Doãn Hoàng Giang đã thể hiện khá rõ trong vở kịch lịch sử này. Nhưng không vì thế mà vở diễn thiếu sức hấp dẫn và phải nói, thành công chính là ở 3 nhân vật: Nhân vật cô Mơ- cô gái có tên duy nhất trong số những người đã bị Đặng Mậu Lân hãm hại, cũng là cô gái có số phận bi thảm nhất trong những người bị Đặng Mậu Lân hãm hại; nhân vật Tuyên phi Đặng Thị Huệ, người vừa hội tụ đủ sự tàn ác, tham quyền; nhưng cũng lại mang cái yếu đuối của người đàn bà và vẫn còn vương lại chút tốt đẹp của cô gái hái chè ngày nào khiến Chúa Trịnh mê mệt; và nhân vật quan thị lang Ngô Thì Nhậm, người đã quyết tâm vượt qua mọi cường quyền, quyết tâm hi sinh thân mình để lập lại công lý, để lau khô những dòng nước mắt đau đớn trên khuôn mặt những người dân lành.


Quả thật, chỉ đến khi Mơ điên loạn trên phủ quan thị lang Ngô Thì Nhậm khi được chồng đưa đến để tố cáo tội ác của Đặng Mậu Lân, vở kịch mới thực sự  bùng nổ, khiến người xem phải rơi nước mắt và khiến sự căm phẫn với tội ác của Đặng Mậu Lân lên tới đỉnh điểm. Diễn viên thể hiện nhân vật Mơ cũng đã rất nhập vai và trở thành một trong những diễn viên thành công của vở diễn.


Và với Đặng Thị Huệ, vẫn như thường lệ, đạo diễn Doãn Hoàng Giang không chỉ đưa tới cho người xem một hình ảnh "mất hết nhân tính" của người phụ nữ cũng rất nổi tiếng trong lịch sử này. Bên cạnh sự mưu toan, sự tham quyền cố vị, sự ích kỷ chỉ vì lợi ích của cá nhân mình, gia đình mình... Đặng Thị Huệ vẫn có một chút nhân tính, một  chút "người" sâu thẳm trong tim, khi vẫn yêu Chúa Trịnh, khi vẫn đau vì phải làm việc ác, khi vẫn thấy cô đơn "mẹ góa con côi" giữa một triều đình loạn lạc.


Cuối cùng, là vai diễn Ngô Thì Nhậm cho nghệ sĩ Như Lai thể hiện. Một kẻ sĩ Bắc Hà "Phú quý bất năng dâm. Bần tiện bất năng di. Uy vũ bất năng khuất", đã chấp nhận đổi mạng để diệt trừ cái ác, mang lại công lý cho người dân.


Ba nhân vật ấy, với những tính cách được khắc họa điển hình nhất, "đẩy" đến nhất, đã tạo nên thành công không thể phủ nhận của vở diễn lần này và góp phần hứa hẹn cho một ngôi vị cao của vở diễn tại Liên hoan sắp tới.


PV

“Công lý không gục ngã”
“Công lý không gục ngã”

Vở kịch “Công lý không gục ngã”, kịch bản của tác giả Lê Chí Trung, do đạo diễn- NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng cho dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, được lựa chọn là một trong số tác phẩm sân khấu tham dự Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 .

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN