Khu vực gò Dương Xuân hiện nay là khu dân cư phường Trường An (thành phố Huế) nhưng những tư liệu lịch sử và một số nghiên cứu cho rằng tại đây năm 1691, chúa Nguyễn Phúc Chu từng cho xây dựng phủ Dương Xuân. Phủ này còn được đầu tư xây dựng lớn thêm vào năm 1740, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đến năm 1789, vua Quang Trung cho xây dựng điện Đan Dương.
Tháng 6/2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có Quyết định số 3292/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân nhằm nghiên cứu, tìm hiểu thêm về giai đoạn lịch sử Tây Sơn - Nguyễn Huệ, góp phần bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc. Theo đó, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành đào 5 hố thăm dò khảo cổ với diện tích 22m2 tại khu vực gò Dương Xuân, trong thời gian từ 30/9 - 15/10.
Căn cứ các di tích và di vật thu được tại hiện trường, bước đầu Viện Khảo cổ học có những nhận xét sơ bộ, diện phân bố các điểm di tích trên diện rộng, khoảng 10.000m2. Các di tích có hàng trăm di vật thu được như mộ táng (chum); nền, móng cát sỏi liên quan đến nền móng của kiến trúc hoặc lớp rải tạo mặt bằng kê chân đá/táng, là chân cột trong kiến trúc; rất nhiều các mảnh sành, sứ, gạch ngói thu được tại hiện trường bước đầu có thể đoán định niên đại di tích gò Dương Xuân tập trung từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, kéo dài đến thế kỷ XX.
Những kết quả thu được rất khả quan, tuy nhiên trong thời gian ngắn, diện khai quật hẹp, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế và Viện Khảo cổ học kiến nghị Bộ chủ quản và các cơ quan chức năng xây dựng đề án quy hoạch tổng thể để mở rộng việc nghiên cứu; nhất là sử dụng phương pháp Lidar - công nghệ viễn thám dùng các loại tia laser để khảo sát từ trên cao, thu thập các điểm phản xạ 3 chiều để nghiên cứu toàn bộ khu vực. Đồng thời, kiến nghị các tổ chức, các nhà khoa học cùng vào cuộc nghiên cứu có hệ thống, khoa học và thực tiễn về khu di tích gò Dương Xuân nhằm làm sáng tỏ những vấn đề tồn nghi còn tranh luận trong giới nghiên cứu và trong nhân dân về việc đây là nơi vua Quang Trung đã cho xây dựng điện Đan Dương, khi băng hà vua đã được an táng tại đây và cung điện được đổi tên thành lăng Đan Dương.