Cơ quan quản lý lúng túng trước nạn tranh giả, sao chép tranh tràn lan

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia ngày 4/4, không ít người trong giới mỹ thuật, cơ quan quản lý đang lúng túng trong việc xử phạt các đối tượng có hành vi sao chép, mạo danh, bày bán tranh 'nhái' tràn lan trên phố, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết: “Ngoài việc lúng túng của các cơ quan quản lý, việc sao chép tranh, mạo danh hay tranh nhái còn phức tạp hơn gấp 2 - 3 lần. Nhu cầu sao chép tranh hiện nay là có thật và đang diễn ra trên thế giới, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Bởi một bức tranh sáng tác độc bản, chỉ có một cái duy nhất thì giá của nó rất cao. Vì vậy, nạn sao chép tranh “nở rộ” là do đáp ứng nhiều nhu cầu, ngay cả nhu cầu treo tại nhà. Do không có nhiều tiền nên nhiều người chỉ mua bản tranh sao chép".

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tại buổi làm việc với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

Để đối phó với vấn nạn này, đại diện Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng, trước mắt các tác giả cần phải đăng ký bản quyền sản phẩm. Có thể chụp ảnh tranh, tác phẩm của mình rồi gửi email đến Cục Bản quyền tác giả; đồng thời đăng ký mẫu chữ ký sử dụng trên tác phẩm. Đây là cơ sở pháp lý, để nếu xảy ra tranh chấp bản quyền còn có chứng cứ giải quyết. Bên cạnh đó, người sáng tác cũng như bán tranh cũng phải công khai, minh bạch đóng thuế, để đảm bảo quyền lợi cho cả người bán lẫn người mua nếu xảy ra kiện tụng.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho hay: Hiện Việt Nam đã có đầy đủ khung pháp lý để thực thi, bao gồm của Trung tâm giám định tác phẩm, tác giả.

Theo Luật sở hữu trí tuệ, khi phát hiện quyền bị xâm phạm, tác giả có thể gửi đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thanh tra văn hóa Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, lực lượng quản lý thị trường, công an. Trước mắt, người vi phạm phải chấm dứt hành vi sai phạm, xin lỗi công khai, cũng như thực hiện việc bồi thường.

“Trong Bộ Luật hình sự mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có quy định: Đối với hành vi sao chép và phân phối tranh, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 - 500 triệu đồng; hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 đến dưới 500 triệu đồng có thể phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trường hợp nặng hơn bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, bà Oanh nói.

Tuy nhiên, bà Oanh cũng thừa nhận: Hiện nay các hành vi vi phạm vấn đề này rất phức tạp, nhiều ngóc ngách, nên cơ quan quản lý vẫn đang phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý.

“Mình phải tự bảo vệ quyền của mình, có hệ thống đăng ký bản quyền. Tác phẩm nghệ thuật rất quan trọng. Chữ ký rất quan trọng. Có những hợp đồng trị giá hàng trăm tỷ đồng, khi nhãn hiệu bị xâm phạm, chúng tôi đã phải đem đến Bộ Công an để thẩm định chữ ký đó có bị mạo danh hay không. Tác phẩm nghệ thuật bao hàm phạm trù rất rộng, nên chúng ta phải xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn. Mỗi cá nhân đều có tác phẩm riêng mình và chỉ có công nghệ thông tin mới có thể hỗ trợ tích cực. Nếu tác giả không đăng ký, thì sau này xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng rất khó vào cuộc”, ông Nguyễn Phương Minh, Phó trưởng phòng thực thi và giải quyết khiếu nại (Cục Sở hữu trí tuệ) cho hay.

Trước đó, bức xúc trước nạn tranh giả, sao chép tranh tràn lan, nhiều họa sĩ tâm huyết đã lên tiếng về việc này. Theo Họa sĩ Thành Chương, từ năm 2016, bức tranh Chân dung cô Kim Anh của ông bị thay tên tác giả thành Tạ Tỵ trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu. "Đến giờ phút này vẫn không có cơ quan chức năng nào vào cuộc và kết luận vụ việc này ra sao bởi đơn vị nào cũng có lý do này khác".

Họa sĩ Phạm An Hải chia sẻ đã từng đến tận nhà người làm tranh giả, người mua tranh giả, có tang chứng, vật chứng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được lời xin lỗi công khai nào từ người làm tranh giả...

Minh Phương/Báo Tin tức
Lần đầu trưng bày bức tranh của danh họa Picasso tại Hong Kong
Lần đầu trưng bày bức tranh của danh họa Picasso tại Hong Kong

Theo thông tin từ hãng đấu giá Sotheby's, một bức tranh hiếm của đại danh họa Picasso đã lần đầu tiên được giới thiệu trước công chúng tại Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 30/1. Bức tranh sẽ được đưa ra đấu giá thời gian tới, dự kiến sẽ đạt được mức giá 50 triệu USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN