Trong khuôn khổ chuỗi hội thảo quốc tế "Báo chí về đề tài chiến tranh" do Hội Nhà báo Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Học viện Báo chí Tuyên truyền, Báo Quân đội Nhân dân và Truyền hình Viettel phối hợp tổ chức, chiều 24/4, tại trụ sở Trung tâm Thông tấn quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã diễn ra cuộc tọa đàm và triển lãm ảnh "Tác nghiệp của phóng viên chiến trường". Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Doãn Tấn - TTTXVN |
Ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc TTXVN, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Tiến, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền và gần 100 đại biểu trong nước, quốc tế đã tham dự tọa đàm, cùng nhau chia sẻ phương thức tác nghiệp, những trải nghiệm, ký ức và cả những góc nhìn của riêng mình về cuộc chiến. Hơn 40 tác phẩm ảnh báo chí của các nhà báo chiến trường, trong đó có một số của tác giả nước ngoài, được trưng bày bên lề cuộc tọa đàm đã ghi lại những khoảnh khắc đỉnh điểm không chỉ của sự kiện, của cảm xúc mà còn cả của sự dấn thân, một phẩm chất không thể thiếu của những nhà báo chiến trường.
Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi khẳng định: Báo chí có vai trò ghi lại lịch sử và những người làm báo được coi là người chép sử đương đại. Vì vậy, trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, những người làm báo Việt Nam, trong đó có đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN, đã thực sự là những nhà báo - chiến sĩ. Họ đã có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến đấu, cùng sống, cùng chiến đấu với bộ đội và nhân dân, ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử.
Các nhà báo, phóng viên tình nguyện có mặt tại các chiến trường, đã vượt qua biết bao hy sinh, gian nguy để tác nghiệp. Họ chấp nhận mất mát, chiến đấu kiên cường dưới bom đạn, chất độc hóa học, trong các cuộc bố ráp vây càn của địch... Bằng lòng quả cảm, những người làm báo đã thông tin chính xác, kịp thời tình hình từ các chiến trường, từ đó động viên, cổ vũ quân và dân ta lao động sản xuất, chiến đấu và chiến thắng.
“Các phóng viên tác nghiệp ở chiến trường, họ không chỉ cầm bút, cầm máy ảnh, họ còn trực tiếp cầm súng, có nhà báo bắn cháy hai xe bọc thép của địch trước khi hy sinh, có phóng viên thường trú đã được phong “dũng sĩ diệt Mỹ”. Đằng sau danh xưng “phóng viên chiến trường” là biết bao gian lao và mất mát, là sự chịu đựng vô biên, là công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu của các nhà báo…”. |
Ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Trong các cuộc chiến, không có thắng lợi nào mà không có sự mất mát và hy sinh. Chỉ riêng cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, trên 400 nhà báo đã hy sinh và hàng trăm người bị thương hoặc phải gánh chịu hậu quả khác của chiến tranh. Các phóng viên tác nghiệp ở chiến trường, họ không chỉ cầm bút, cầm máy ảnh, họ còn trực tiếp cầm súng, có nhà báo bắn cháy hai xe bọc thép của địch trước khi hy sinh, có phóng viên thường trú đã được phong “dũng sĩ diệt Mỹ”.
Đằng sau danh xưng “phóng viên chiến trường” là biết bao gian lao và mất mát, là sự chịu đựng vô biên, là công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu của các nhà báo… Ít ai biết rằng, hai phóng viên VNTTX đã ngã xuống cùng với liệt sĩ Phan Thị Ràng, tức chị Sứ, nhân vật trong truyện Hòn Đất của nhà văn Anh Đức. Những ghi chép của các anh đã được điện ra Hà Nội, để những thông tin về người con gái và vùng đất kiên cường đó đến được với công chúng, làm nguyên liệu cho nhà văn… Sự mất mát thật quá lớn, nhưng cũng chính sự hy sinh này đã góp phần tạo nên sức mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam, giáo dục và tôi luyện các nhà báo, hình thành phẩm chất và phong cách của những nhà báo cách mạng.
Nhà báo Dương Đức Quảng, phóng viên chiến trường kể, những người làm báo chiến trường không chỉ cầm bút, mà phải có mặt trong các trận đánh, cùng sống chết với bộ đội để có được những thông tin, những bức ảnh, những thước phim trung thực chuyển đến bạn đọc trong nước và quốc tế… “Có những chiếc xe trở đồng nghiệp đi quay phim về những trận đánh, trên đường trở ra bị bom đánh trúng, nhà báo hy sinh, toàn bộ phim quay được bị cháy, nhưng ngay sau đó, các nhà báo khác tiếp tục xung phong quay lại chiến trường để quay cho được những thước phim tư liệu quý giá”, ông Dương Đức Quảng nhớ lại.
Nhiều ý kiến cả các phóng viên chiến trường, các nhà báo lão thành đều có chung nhận định rằng, trong thời kỳ chiến tranh, mặc dù Việt Nam đã rất nỗ lực để đưa thông tin ra ngoài, nhưng vì nhiều lý do mà thông tin vẫn còn rất hạn chế. Thậm chí, dư luận còn không tin, bởi họ cho rằng có thể thông tin của chúng ta không khách quan… Thêm vào đó, trong một thời gian dài, đặc biệt là thời điểm đầu cuộc chiến, dư luận thế giới, đặc biệt là dư luận phương Tây cũng hiểu sai về chiến tranh ở Việt Nam. Rất may là sau khi các nhà báo quốc tế đến Việt Nam, đưa những thông tin trung thực về chiến tranh Việt Nam, giúp nhân dân thế giới thấy rõ hơn bản chất cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ, nhiều bức ảnh đã trở thành biểu tượng của chiến tranh Việt Nam như bức “Em bé napan”… Những hình ảnh, thông tin do giới truyền thông quốc tế đưa tin đã có tác động rất lớn đến dư luận thế giới. Nhiều cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam đã nổ ra ở Anh, Pháp, Nhật Bản. Phong trào phản đối chiến tranh diễn ra ngay chính trên đất nước Mỹ…
“Chúng tôi thực sự cảm kích và biết ơn trước những đóng góp, thiện chí của các nhà báo phương Tây, đã có những phản ánh, truyên truyền trung thực, tiếng nói khách quan, từ đó mà dần dần dư luận thế giới, kể cả ngay tại Mỹ đã hiểu rõ hơn về bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng thế giới không còn chiến tranh, để chúng ta không có phóng viên chiến trường, chỉ có những phóng viên hòa bình”, ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc TTXVN, chia sẻ.
P.V