Chuyện ông ‘Tây’ coi Hà Nội như ‘nàng thơ’ - Bài 2

Trước khi gặp Martin Rama, cũng giống như nhiều người sống ở Thủ đô, tôi luôn cho rằng Hà Nội nơi mình sinh sống gần 40 năm qua không khác biệt nhiều với các thành phố khác. Nhưng khi gặp ông, dường như tình yêu Hà Nội từ ông lan tỏa, lôi cuốn và từ lúc nào không biết tôi đã thấy mình cũng giống Martin Rama, coi Hà Nội là nơi đáng sống.

Để Hà Nội luôn duyên dáng và cá tính

Dự án của Martin Ram xem xét việc cải tạo biệt thự Pháp cổ.

Trong làn khói mỏng và hương thơm quyến rũ của cà phê, Martin Rama háo hức kể về nơi ông đã gắn bó gần chục năm với biết bao kỷ niệm. Hà Nội luôn là một nơi đáng sống, hơn thế nữa đó còn là một thành phố rất đáng yêu. Ông hào hứng chia sẻ về ba yếu tố mà ông yêu thích nhất ở Hà Nội, đó là cuộc sống trên đường phố, kiến trúc và thời tiết.

Là người nước ngoài nhưng ông yêu và gắn bó với Hà Nội như chính quê hương Urugoay của mình. Ông thích kiểu kiến trúc pha trộn của Hà Nội bởi nó giữ được những vẻ đẹp Á Đông, kiến trúc Pháp, nét mới của Nga, cổ kính của Trung Hoa và của nền văn minh lúa nước. Trên tất cả, ông bị mê hoặc bởi cuộc sống trên đường phố của Hà Nội. Nơi ấy thường diễn ra hoạt động đi lại, sinh hoạt đời thường một cách náo nhiệt. Ở đó, ông có thể bắt gặp hầu hết mọi thứ từ hoạt động cúng tế đến ăn uống, thậm chí cả những câu chuyện tình…

Gần đây, ông trở thành Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và ông tình nguyện không nhận lương. Martin Rama đang ấp ủ dự án Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội. Dự án hướng tới mục tiêu xây dựng một mô hình đô thị phát triển bền vững, có uy tín, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển để giữ được Hà Nội duyên dáng, độc đáo, đầy cá tính, một đô thị đáng sống nhất Đông Nam Á.

Dự án của Martin Ram xem xét việc cải tạo biệt thự Pháp cổ, nâng cấp khu tập thể, xây mới các tòa nhà hiện đại, khu thương mại bán lẻ, nhà hàng, quán cà phê độc đáo, có bản sắc; tạo các không gian công cộng với cây xanh, quảng trường. Các khu vực dành cho người đi bộ được mở xung quanh các tòa nhà có giá trị về kiến trúc.

Đáng chú ý, Martin Rama đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một “thành phố bền vững” bắt đầu từ những khối nhà. Khối nhà của ông sẽ có 3 sự kết hợp: Kết hợp giữa bảo tồn, sử dụng lại giá trị văn hóa, kiến trúc cũ phù hợp và xây dựng mới, hiện đại; kết hợp nhiều chức năng trong khối nhà và kết hợp các nhóm thu nhập khác nhau. Theo Martin Rama, một khối nhà được tạo dựng đan xen, tổng hòa giữa cái mới và cái cũ như vậy chắc chắn sẽ làm gia tăng giá trị kinh tế cho khu vực.

Cơ hội "đổi đời" chung cư cũ

Trong cuốn sách “Hà Nội, một chốn rong chơi”, ông đã dành hẳn một chương viết về kiểu kiến trúc đặc trưng của Hà Nội thời bao cấp. Có lẽ đây là lý do Martin Rama đưa việc nâng cấp một vài tòa nhà tập thể vào dự án. Ông cho rằng, nhà tập thể đại diện cho một dấu mốc kiến trúc trong câu chuyện lịch sử của Hà Nội. Đặc biệt, các khu tập thể thường có vị trí rất đắc địa ở trung tâm thành phố.

Bìa cuốn Hà Nội, một chốn rong chơi.

Thực tế hiện nay, nhiều nhà đầu tư thường chọn cách phá bỏ nhà cũ để xây mới. Họ coi đây là cách ít tốn kém nhất nhưng họ lại vô tình hoặc cố ý bỏ qua những giá trị văn hóa không thể tính được bằng tiền ẩn chứa trong từng viên gạch hay những bức tường hàng trăm năm tuổi.

Với suy nghĩ đó, ông giới thiệu bức tranh về một khối nhà có một vài biệt thự Pháp cổ, được cải tạo đẹp mắt, giải phóng không gian xung quanh cho nhà hàng, cửa hiệu và phòng trưng bày nghệ thuật cao cấp. Khối nhà này có một khu tập thể được nâng cấp, cao tầng hơn, các căn hộ bên trong được hiện đại hóa nhưng bên ngoài vẫn mang dáng vẻ, đặc trưng hấp dẫn của các khu tập thể. Khối nhà có bãi đậu xe ngầm rộng rãi, biển quảng cáo và đèn chiếu sáng mang nét quyến rũ của Paris, nhưng ở một phiên bản hoàn toàn Hà Nội. Giá bất động sản của một khối nhà như vậy chắc chắn sẽ rất đắt, thậm chí mang lại giá trị lớn hơn cả việc phá hủy và xây mới - cách dễ dàng mà nhiều nhà đầu tư đang lựa chọn...

Nói về dự án của Martin Rama, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) nhấn mạnh: Đây là dự án nhằm phát huy thế mạnh của những khu phố có lịch sử lâu đời trong tiến trình đô thị hóa, một giải pháp vừa phát triển kinh tế lại duy trì được các giá trị văn hóa, lịch sử. Dự án đề xuất một phương án tái tổ chức không gian, trong đó chủ nhân các ngôi nhà sẽ không phải di dời khỏi nơi cư trú thân thuộc mà còn có thêm cơ hội sinh sống tiện nghi, gia tăng sinh kế. Với dự án này, Hà Nội không cần phá bỏ những kiến trúc đẹp, mang dấu ấn lịch sử. Dự án cũng hứa hẹn gia tăng giá trị bất động sản, thích ứng với kinh tế thị trường, bảo tồn được một đô thị lịch sử.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh đặc biệt đánh giá cao việc dự án của Martin Rama tuân thủ nguyên tắc ưu tiên tái định cư tại chỗ cho cư dân Hà Nội – điều mà nhiều dự án hiện thời không làm được, dẫn tới sự bế tắc trong việc cải tạo chung cư cũ. Hy vọng dự án nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền và sớm thành hiện thực, góp phần để Hà Nội trở thành một thành phố đẹp đẽ, đáng sống.

Mỹ Bình (TTXVN)
Chuyện ông ‘Tây’ coi Hà Nội như ‘nàng thơ’ - Bài 1
Chuyện ông ‘Tây’ coi Hà Nội như ‘nàng thơ’ - Bài 1

Có nhiều cách để người ta yêu và thể hiện tình yêu. Song cách yêu, thể hiện tình yêu bền bỉ, mãnh liệt và nổi bật của một “ông Tây” với Hà Nội khiến bất cứ ai đã cầm trên tay cuốn sách “Hà Nội, một chốn rong chơi” đều phải thốt lên thán phục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN