Trong 2 bài viết về ông Tây đặc biệt này, phóng viên TTXVN mong muốn giới thiệu đến công chúng hình ảnh một người bạn quốc tế yêu mến Việt Nam, yêu mến Hà Nội bằng một cách rất riêng. Ông coi Hà Nội là "nàng thơ", gắn bó với Hà Nội, khám phá những nét đặc trưng của Hà Nội...
Tác giả Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: thethaovanhoa.vn |
Một buổi sớm mùa đông, trong không gian yên tĩnh của quán cà phê trên đường Ngô Quyền, Hà Nội, phóng viên TTXVN đã gặp gỡ, trò truyện với ông Martin Rama (người Uruguay), tác giả cuốn sách “Hà Nội, một chốn rong chơi”. Tác phẩm đã được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội và tác giả của nó - Martin Rama dường như cũng đã chiếm trọn tình yêu của người Hà Nội.
Trải lòng qua những trang sách Trong câu chuyện của mình, Martin Rama kể rằng trước đó ông chưa có ý định viết sách về Hà Nội, ông yêu thành phố này ngay từ lần đầu tiên đến đây (năm 1998) và đến tận bây giờ, tình yêu đó không hề phai nhạt. Ông thật sự sống ở đây từ năm 2002 đến năm 2010 khi là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Trong khoảng thời gian dài ấy, ông thường dạo chơi khắp các ngõ ngách của Hà thành mỗi dịp cuối tuần, với chiếc máy ảnh trong tay, ông ghi lại mọi khoảnh khắc thú vị nhất mà ông bắt gặp. Không chỉ chụp ảnh, ông còn mày mò tự tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, văn hóa và con người... nơi đây để có thể hiểu nhiều hơn, sâu hơn. “Chỉ sau khi tôi chọn lọc, phân loại các bức ảnh, tôi mới nhận ra rằng chúng có cùng chủ đề, đủ tư liệu để làm một cuốn sách thú vị. Đó là khoảng năm 2009, tức là 7 năm sau khi tôi đến sống ở Hà Nội”- Martin Rama tâm sự.
“Hà Nội, một chốn rong chơi” của Martin Ramaz chính thức được giới thiệu tới độc giả Thủ đô năm 2014. Trong sách, Martin Rama đã yêu mến gọi Hà Nội là "nàng" để kể câu chuyện tình yêu nồng nàn của mình với Hà Nội. Với ông, "nàng” có thể không được lộng lẫy như những thủ đô châu Âu giàu có nhưng “nàng” thực sự xinh đẹp. Chỉ có điều, vào mùa hè, tính khí “nàng” đỏng đảnh, thất thường mưa nắng, có cả những cơn bão, thậm chí thời tiết khá ngột ngạt... Tuy nhiên sang đến mùa thu, những ngày đẹp trời trong tháng 11, 12 và cả những ngày xuân thì mọi sự khó chịu trước đó đều tan biến, ông lại thêm yêu “cô gái đỏng đảnh” này.
Nếu ai đã từng đọc sách của Martin Rama viết về Hà Nội đều có chung cảm nhận rằng cuốn sách không đơn thuần là những bài luận về thuật giả kim đô thị mà là câu chuyện tình trong đó Hà Nội chính là nàng thơ với tất cả hạnh phúc lẫn khổ đau “nàng” mang đến. Trong sách có sự choáng ngợp, si mê, có cả lời thú nhận không hề hổ thẹn về mong ước được trở lại với “nàng”...
Yêu những đặc trưng của Hà Nội Bìa cuốn Hà Nội, một chốn rong chơi. |
Yêu Hà Nội, Martin Rama yêu luôn phở - món ăn đặc trưng của người Hà Nội, yêu sự chật hẹp và đông đúc của thành phố này. Bởi vậy khi viết về Hà Nội, ông chọn hình tượng phở để cấu trúc cuốn sách chứ không dùng lối viết của một chuyên gia kinh tế như trong những cuốn sách, bài nghiên cứu trước đó.
Ông cho rằng Hà Nội như một món ăn đặc biệt và cuốn sách là công thức chế biến. Vài nguyên liệu có thể chẳng liên quan gì đến nhau, như thịt bò và hành tăm vậy. Vài chương trong cuốn sách nói về kiến trúc, vài chương lại nói về cuộc sống thường nhật, vài chương lại về thời tiết. Sự không kết nối đó được đề cập một cách ngẫu nhiên, thậm chí hơi bừa bộn. “Đó chính là cảm giác khi bạn bước đi trên đường phố Hà Nội: Từ những con đường đông đúc qua các ngôi chùa yên tĩnh, từ những ngôi nhà kiểu Pháp sang khu tập thể. Nhưng nếu bạn đi lang thang, mọi thứ sẽ hòa trộn với nhau, mang đến “vị ngon” độc nhất vô nhị và rất tuyệt vời của Hà Nội”- Martin Rama hào hứng.
Đã đi quá nửa đời người, Martin Rama từng đặt chân tới rất nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới. Ở Hà Nội, người ta có thể từ một con phố ồn ào rẽ vào một ngôi chùa yên tĩnh, hay bên bờ hồ có cả trẻ con chơi đùa lẫn những người câu cá. Mật độ dân cư Hà Nội vô cùng đông đúc. Nhiều người dân sống trong những không gian quá chật hẹp, nhiều hoạt động thường ngày diễn ra ngoài đường. Người Hà Nội ăn trên lối đi, chơi bóng chuyền ở các quảng trường, đốt vàng mã cho tổ tiên bên lề đường… Người trẻ ôm nhau trên yên xe máy mỗi buổi tối, còn người già luyện nhảy đầm bên hồ lúc bình minh... Những điều này khiến ông yêu và nhớ nhiều về Hà Nội.
Dù đã đi đến nhiều miền đất khác nhau trên dải đất hình chữ S xinh đẹp này nhưng nơi làm cho Martin Rama cảm thấy thôi thúc được khám phá nhất vẫn là Hà Nội. Bởi vậy, từ năm 2010, Hà Nội luôn là điểm dừng chân mỗi khi ông hoàn thành một công việc hay cảm thấy mệt mỏi và cần phút giây thư giãn. Ở đây, ông trải nghiệm cách sống của người Hà thành trong căn biệt thự cổ kiến trúc thời Pháp và ở căn hộ tập thể của riêng mình.
Dịch giả Nguyễn Văn Tùng, người biên dịch cuốn sách “Hà Nội, một chốn rong chơi” cho hay: Tác phẩm đề cập nhiều khía cạnh và lĩnh vực khác nhau ở Hà Nội. Ngay cả người Việt Nam, nếu không thực lòng yêu mến, gắn bó, quan sát tinh tế nơi mình sinh ra, lớn lên cũng sẽ khó nắm bắt, cảm nhận khách quan, tỉ mỉ, kĩ lưỡng một vùng đất đến vậy.
Còn kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) ghi nhận, cuốn sách đã truyền cảm hứng, tình cảm của người dân thành phố với nơi họ sống rất mạnh mẽ thông qua ngôn ngữ, hình ảnh giản dị. Đây là thành công rất lớn của tác giả khi tạo nên một hiệu ứng truyền thông trong việc bảo vệ di sản. Qua cuốn sách, có lẽ người Hà Nội sẽ có cách nhìn mới về bảo tồn, lưu giữ và thấy yêu hơn những nét vốn có của Thủ đô ngàn năm văn hiến... Sau khi cuốn sách ra đời, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã có một triển lãm rất hay, sử dụng yếu tố thị giác về những ngôi nhà Pháp, khu tập thể, gây được sự chú ý về cách miêu tả thành phố Hà Nội.
Martin Rama là chuyên gia kinh tế, một nhà hoạt động nghệ thuật nghiệp dư. Ông đến Hà Nội lần đầu vào tháng 10/1998. Ông là tác giả của cuốn sách mang tên “Những quyết sách khó khăn: Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi”, viết dựa trên rất nhiều cuộc trao đổi với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt...