Những tình yêu Hà Nội quá đỗi nồng nàn trong giải thưởng trọn vẹn 10 năm

"Và còn nhiều đề cử khác cũng rất xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh. Một mùa giải bội thu khiến HĐGK thật khó khăn trong việc lựa chọn. Và với 6 giải thưởng được trao trên 4 hạng mục, tăng 2 giải so với "tiêu chuẩn" là một việc chẳng đặng đừng", đại diện Hội đồng giám khảo chia sẻ.

Theo nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch HĐGK của giải thưởng "Bùi Xuân Phái- Vì Tình yêu Hà Nội", giải thưởng "Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội" lần thứ 10 đã chứng kiến một mùa "bội thu", khiến HĐGK phải làm một việc "chẳng đặng đừng" để thay vì 10 đề cử, đã công bố tới 11 đề cử. Và tương tự, thay vì trao 4 giải thưởng, đã "phải" trao tới 6 giải thưởng cho các hạng mục "Giải thưởng Lớn- Vì Tình yêu Hà Nội", "Giải thưởng Việc làm- Vì Tình yêu Hà Nội", "Giải thưởng Ý tưởng- Vì Tình yêu Hà Nội", "Giải thưởng Tác phẩm- Vì Tình yêu Hà Nội".

Trao chứng nhận đề cử cho 11 đề cử.

Những cái tên không thể xứng đáng hơn


Theo nhà thơ Bằng Việt: Để chọn ra được đề cử chính thức cho Giải thưởng Lớn Ban sơ khảo và HĐGK đã xem xét trên 5 đề cử khác nhau, và chỉ công bố duy nhất một đề cử chính thức là Nhà văn hóa Hữu Ngọc. Kết quả này có lẽ không có gì phải bài cãi, khi chúng ta đều biết, ông là một nhà văn hóa lớn của đất nước, với những đóng góp to lớn trên lĩnh văn hóa đối nội và đối ngoại. Nhưng chắc chắn kết quả này vẫn gây ngạc nhiên, trầm trồ bởi sự nghiệp của nhà văn Hữu Ngọc dường như chưa được vinh danh đúng mức ở những đóng góp cho Hà Nội.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc giới thiệu về những tác phẩm của mình.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh 22/12/1918, tại Hà Nội, quê gốc ở Thuận Thành (Bắc Ninh). Ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập, Chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương “Ngôi sao phương Bắc”, Chính phủ Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm và giải “Lời Vàng” cùng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý khác.


Ông sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và chữ Hán. Hơn 60 năm cầm bút, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã cho ra đời 34 cuốn sách. Trong số các kiến thức văn hóa ông “xuất khẩu” ra thế giới, mảng văn hóa Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng. Năm 1997, cuốn "Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội" bằng tiếng Anh và Pháp đã được dùng làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần 7 tại Hà Nội.


Đây là công trình đầu tay về văn hóa Hà Nội của nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc và là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Hà Nội cho người nước ngoài kể từ tháng 8/1945 đến thời điểm đó (1997).


Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc cho biết, ông "phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội" chỉ trong ba tháng với cách giới thiệu về Hà Nội cũng rất... "ngẫu nhiên". Chương đầu, ông muốn cho người nước ngoài thấy được rằng Hà Nội là một tấm gương phản ánh lịch sử của Việt Nam và người nước ngoài chỉ cần xem các di tích lịch sử văn hóa cũng có thể tự mình "phác thảo" ra được quá trình phát triển lịch sử Việt Nam trong vòng... 3.000 năm. Tiếp theo ông giới thiệu về kinh thành, đô thành; khu phố Tây; khu nông thôn ngoại thành và theo ông mà theo ông, chính những khu đó "dựng nên chân dung Hà Nội truyền thống".


Năm 2010, Hà Nội tròn 1.000 tuổi, ngoài "Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội" được tái bản, ông "ngẫu nhiên" được "đặt hàng" biên soạn sêri 10 cuốn (khổ nhỏ) "Hanoi, who are you?" (Hà Nội, bạn là ai?) bằng tiếng Anh để phục vụ công tác đối ngoại. Mỗi tập của "Hanoi, who are you?" trả lời một vấn đề: Hà Nội - ăn uống, Hà Nội - vui chơi, Hà Nội - địa lý…


Chưa hết, ông còn xuất bản cuốn "Hà Nội của tôi", dày gần 500 trang, như là một "tự bạch" về Hà Nội, về những người bạn nước ngoài của ông đã từng sống, công tác ở Hà Nội mà qua mỗi vị khách quốc tế ấy, người đọc có thể thấy được tình yêu của những người bạn ông dành cho Hà Nội sâu đậm đến nhường nào.


Để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, ông viết đều đặn hàng chục năm trời cho 2 tờ của TTXVN là  Le Courrier du Vietnam (tiếng Pháp) và Vietnam News (tiếng Anh).


Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội lần thứ 10 năm nay cũng "hiện thực hóa" được mối duyên đẹp giữa Giải thưởng với cố nhà văn Băng Sơn. Năm 2009, Nhà văn Băng Sơn đã lọt vào vòng đề cử, nhưng tiếc rằng năm sau đó, khi BTC giải thưởng còn chưa kịp vinh danh ông bằng Giải thưởng Lớn, thì ông đã qua đời. Giờ đây, với việc tái bản (có hiệu chỉnh) các tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là "Thú lang thang người Hà Nội", "Thú ăn chơi người Hà Nội" (2 tập), Giải thưởng đã có cơ hội được vinh danh ông ở hạng mục giải Tác phẩm. Hàng ngàn tùy bút, đoản văn của nhà văn Băng Sơn mang đậm hơi thở cuộc sống của Hà Nội. 


Từ những điều nhỏ bé nhất, mơ ảo nhất, tưởng như không hiện hữu như tiếng đêm, hương đêm, tiếng hoa, lời của cây… đến những điều to lớn của Hà Nội vươn dậy hiện đại như ngày hôm nay; từ những nét văn hóa nhỏ nhoi đời thường đến những tầng sâu, tầng cao văn hóa Hà Nội; từ những hồn xưa phố cổ đến những đường phố rộng lớn, những khu đô thị hiện đại; từ những ngọn đèn đường, những con phố xưa với những căn nhà bí ẩn trong đó có những người nổi tiếng hoặc cũng bí ẩn đến những hồn nhà, hồn cây, hồn giai điệu, hồn thơ, hồn Hà Nội gắn liền với linh hồn những người nổi tiếng ở thế giới bên kia… đều được hiện hữu qua các tác phẩm của nhà văn Băng Sơn.


"Có lẽ không còn điều gì về cuộc sống, con người, văn hóa Hà Nội mà Băng Sơn chưa viết. Đó cũng là sự tích lũy kiến thức, tư liệu của Hà Nội trong những năm tháng dài trên chiếc xe đạp, chiếc máy chữ cũ kỹ và cũng là tình yêu sâu đậm của ông với Hà Nội" - anh Trần Phương Quang, con trai nhà văn Băng Sơn chia sẻ. Anh cũng tiết lộ thêm về những trang tùy bút về một "Hà Nội âm", cùng với tất cả các di cảo khác chưa công bố, gia đình nhà văn Băng Sơn sẽ đưa vào tập "Băng Sơn - một đời thương nhớ" để giới thiệu đến độc giả.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo nhận giải thưởng.

Giải thưởng năm nay cũng ghi nhận 2 tác giả nhiếp ảnh. Thứ nhất là nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo. Người ta nói ông "tài hoa" và "tài tử". Nhưng ở một góc độ khác, nhiếp ảnh của ông lại toát lên những ký ức vô giá về cuộc sống đời thường, lãng mạn và đầy chất thơ của Hà Nội. Hà Nội dấu yêu là 10 câu chuyện biết nói về Hà Nội: "Câu chuyện hồ Gươm", "Hà Nội có cầu Long Biên", "Ai lên xứ hoa đào"… "Nhật Tân, Hà… “lội”, "Ma nơ canh", "Giá trị tinh thần", "Nhà cổ - Bỏ thì thương, vương thì tội", "Người thành phố", "Giấc mơ trưa" và "Muôn màu cuộc sống"… với đủ chuyện vui, chuyện buồn, chuyện khôi hài…


Những câu chuyện ấy gồm nhiều cung bậc: Thâm trầm, hóm hỉnh, suy tư và có cả đau đớn lẫn sự thỏa mãn, khoái chí đan xen. Chúng mang đến cho người xem nhiều điều để suy ngẫm – những điều mà không phải ai cũng dễ “đọc” ra trong nhịp sống hàng ngày. Chúng lại mang vẻ đẹp của hai màu đen trắng – vẻ đẹp bình dị và vĩnh cửu.


Còn nữ nhiếp ảnh Hà Lan Leos Herrink thì đã có 3 năm sống ở Hà Nội để theo đuổi một vẻ đẹp rất phổ biến của Hà Nội – những chiếc xe đạp rong chở hoa, quả - nhưng từ một góc nhìn độc đáo: chụp từ trên cao. Bộ ảnh của cô đã truyền cảm hứng mạnh mẽ sau khi đưa lên các trang mạng, và được rất nhiều các tờ báo trong và ngoài nước đăng tải. 


Cô chia sẻ: "Lần đầu đến Việt Nam tôi đã bị thu hút bởi những người bán hàng rong với chiếc xe đạp đầy màu sắc của họ. Ở Hà Lan chúng tôi sử dụng xe đạp rất nhiều nhưng chưa bao giờ chở nhiều thứ như vậy trên một chiếc xe duy nhất. Tôi thích cái cách họ “tô màu” cho thành phố này, và đối với tôi đó là chất liệu đẹp nhất của Hà Nội. Với bộ ảnh này, tôi muốn giới thiệu đến mọi người về vẻ đẹp, sự cân đối và màu sắc của các gánh hàng rong Việt Nam. Bởi chính họ là những người đang hằng ngàykiến tạo nên các mảnh ghép đầy tính nghệ thuật cho thành phố. Người bán hàng rong phải làm việc vất vả và vì thế họ sở hữu những câu chuyện truyền cảm hứng tốt. Họ không được gặp người thân nhiều, xe đạp thì nặng mà còn phải đi bộ nhiều cây số mỗi ngày. Tôi đã nói chuyện với một vài người phụ nữ sau khi chụp ảnh, họ để lại cho tôi ấn tượng về sự tốt bụng, đầy cảm hứng. Họ thật đẹp, và việc có cơ hội được tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời họ khiến tôi thấy rất vui và cảm kích".


Theo Leos Herrink, bộ ảnh đưa lên mạng này mới chỉ là bước đầu. Cô còn có nhiều dự định tiếp theo, trong đó có việc tập hợp những bức ảnh này để in thành sách. Chính vì vậy, "cơ hội" của Leos Herrink vẫn sẽ còn, khi năm nay cô đã được ghi nhận ở "đề cử" và chưa có duyên với giải thưởng chính thức.


Những ý tưởng, việc làm "nức lòng" người yêu Hà Nội


Trả lời câu hỏi, sự thay đổi ngoạn mục trong nhịp sống của Hà Nội năm qua là gì? Câu trả lời có lẽ là Phố đi bộ khu vực Hồ Gươm, một việc làm, có thể nói là vô cùng mạnh mẽ, quyết liệt và cũng rất được lòng nhân dân khi tạo ra một không gian tuyệt vời cho Thủ đô vào các ngày cuối tuần (tính từ tối thứ 6). Phố đi bộ làm cho Hà Nội sống chậm lại và sống văn hóa hơn, nhân văn hơn. Tháng 9/2016, phố đi bộ Hồ Gươm chính thức khai trương. Và sau 10 tháng thí điểm, không gian này đã chính thức được duy trì kể từ 7/2017.

Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi trao giải thưởng "Việc làm- Vì Tình yêu Hà Nội" cho Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Ít người biết, tròn 20 năm trước đó, vào 8/1996, ý tưởng này từng được đưa ra trong quyết định số 448 của Bộ xây dựng (về Quy hoạch bảo tồn tôn tạo khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận). Để rồi, giữa 2 cột mốc thời gian ấy, phố đi bộ Hồ Gươm vẫn chỉ nằm trên giấy, dù rất nhiều lần, giới chuyên môn đã lên tiếng về sự cần thiết của nó, trong nhịp sống hiện đại ở một đô thị lớn như Hà Nội.


Nhìn vào những phản biện, thậm chí là những băn khoăn nhất thời của một bộ phận dư luận trong 10 tháng thí điểm, sẽ hiểu vì sao việc thiết lập phố đi bộ Hồ Gươm là một câu chuyện phức tạp và cần rất nhiều tới sự quyết tâm.


Đó không đơn thuần là chuyện cấm xe trong 3 ngày cuối tuần để biến khu vực quanh Hồ Gươm thành không gian đi bộ. Mà đó còn là bài toán tổ chức và phân luồng giao thông tại khu vực tấp nập nhất thành phố, là chuyện giải quyết nhu cầu đi lại và kinh doanh tại đây, là chuyện thiết lập các tiện ích và các hoạt động văn hóa đúng nghĩa, để khu vực quanh Hồ Gươm trở thành điểm đến thật sự của người dân Hà Nội những ngày cuối tuần.


Không có ảnh hưởng sâu rộng như Phố đi bộ Hồ Gươm, nhưng những việc làm giản dị của ông Paul George Harding, một cựu binh Mỹ, lại truyền cảm hứng mạnh mẽ trong lòng công chúng, khi ông miệt mài xóa rác rao vặt và làm sạch các con ngõ Hà Nội. Việc làm này khiến chúng ta nhớ đến ông James Joseph Kendall, mà dư luận vẫn gọi là ông Tây móc cống, đã cùng với nhóm Keep Hanoi Clean đoạt giải Việc làm Vì tình yêu Hà Nội năm ngoái. Bởi thế HĐGK đã... không thể nào không trao một giải Việc làm cho Paul George Harding, bên cạnh một giải Việc làm trao cho Phố đi bộ Hồ Gươm.


Ở hạng mục Giải Ý tưởng, theo nhà thơ Bằng Việt, HĐGK đã tranh cãi khá quyết liệt khi lựa chọn trao giải cho 1 trong 3 đề cử: Đề án quản lý phương tiện giao thông của Hà Nội với chỉ tiêu đến năm 2030, người dân “đi bộ dưới 500m là gặp xe công cộng"; Ý tưởng đục thông 127 vòm cầu cổ để kiến tạo không gian văn hóa cho Hà Nội và Ý tưởng chỉnh trang không gian Nhà hát Lớn để hình thành "công viên mở" của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.


Từ cuối tháng 6 năm nay, một thông tin từ UBND Hà Nội khiến giới chuyên môn khấp khởi: 127 vòm cầu cạn đường sắt chạy dọc từ phố Phùng Hưng tới ga Long Biên sẽ được nghiên cứu đục thông để sử dụng cho mục đích giao thông và văn hóa. Những vòm cầu này tạo thành từ các trụ móng cầu cạn đường sắt do người Pháp xây dựng bằng đá hộc vào hơn 100 năm trước. Hiện tại, ngoài 4 vòm cầu vẫn được giữ làm đường giao thông,127 vòm còn lại đã bị bịt kín bằng xi măng từ thập niên 1980, khi chúng trở thành địa điểm của nhiều tệ nạn xã hội.


Thực tế, trong những năm qua, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng về việc "trả lại" hình dáng cũ cho các vòm cầu cổ. Điển hình, năm 2003, trong một cuộc thi do mạng kiến trúc Ashui.com tổ chức, nhóm tác giả Trần Ngọc Hiếu, Lê Hồng Minh đã đoạt giải C với ý tưởng mang tên Phố gầm cầu thức dậy. Hoặc năm 2011, trong đề án tổ chức bảo tàng cầu Long Biên, KTS Việt kiều Nguyễn Nga cũng đề xuất kết hợp biến không gian tại các vòm cầu làm nơi trưng bày hàng lưu niệm truyền thống.


Nhưng khi ý tưởng được chính thức đưa ra bởi lãnh đạo thành phố Hà Nội, câu chuyện rõ ràng đã có tính khả thi cao hơn, thay vì dừng lại ở "giấc mơ" của các KTS. Và càng đáng mừng, khi trước mắt, UBND Hà Nội và quận Hoàn Kiếm đang chuẩn bị tiến hành khảo sát, xin ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế về vấn đề này, bao gồm cả lĩnh vực khảo sát kết cấu chịu lực của đường sắt sau khi đục thông, quy hoạch công năng, thiết kế trang trí...


Chắc chắn ý tưởng đục thông gầm cầu khi thực hiện sẽ tạo nên một "Phố Gầm Cầu" tuyệt vời trong không gian Phố cổ.


Một kế hoạch khác cũng rất ấn tượng. Cuối tháng 3 vừa qua, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL thông báo tới UBND thành phố Hà Nội một thông tin quan trọng: trong thời gian tới, khuôn viên Nhà hát Lớn sẽ được chỉnh trang, xóa bỏ hàng rào và quán cà phê bên trong để tạo công viên mở kết nối với không gian của các kiến trúc xung quanh như Quảng trường Cách mạng Tháng 8, Vườn hoa Cổ Tân, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia…


Thực tế, ý tưởng ấy cũng không nằm ngoài những nỗ lực của Bộ VH,TT&DL trong thời gian qua, để khai thác và phát huy di sản kiến trúc quốc gia này một cách xứng tầm. Nói như lời Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Nhà hát Lớn không phải là nơi dành cho những sô diễn chạy theo số đông mà phải được quy hoạch, xây dựng để trở thành điểm văn hóa đặc biệt, mang tính đặc trưng của Thủ đô và giàu bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó tour tham quan Nhà hát Lớn đã được lên kế hoạch chuẩn bị. Vào đầu tháng 4 vừa qua, một buổi thí điểm hoạt động của tour tham quan Nhà hát Lớn đã được giới thiệu với báo giới, các hãng lữ hành và gây ấn tượng khá tốt. Như lời chia sẻ của những người có mặt, đó là tour tham quan có một không hai của Hà Nội, khi đưa du khách tiệm cận với những nội hàm văn hóa, lịch sử đặc biệt của một Hà Nội trong suốt 2 thế kỷ qua.


Ý tưởng của Bộ VH,TT&DL đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của nhiều chuyên gia. Bởi, ý tưởng cũng đồng nghĩa với việc đặt Nhà hát Lớn Hà Nội vào vị trí xứng đáng với vai trò của nó, cả ở hiện tại và trong quá khứ.


Nhưng sau khi cân nhắc kỹ, HĐGK đã đi tới quyết định chọn trao giải Ý tưởng cho Đề án quản lý phương tiện giao thông của Hà Nội với chỉ tiêu đến năm 2030, người dân “đi bộ dưới 500m là gặp xe công cộng". Đề án này đã được HĐND TP Hà Nội thông qua hôm 4/7/2017 với 91% số phiếu tán thành. “Đề án có tên đầy đủ là “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”. Đây là một đề án rất lớn gồm có 6 nhóm giải pháp tổng thể, riêng nhóm giải pháp thứ 3 được chia thành 6 giải pháp nhỏ với 45 nội dung, trong đó 38 nội dung thuộc thẩm quyền thành phố, 7 nội dung thuộc thẩm quyền các bộ ngành.

Trong khi thời gian qua, dư luận có phần thiên lệch khi quá chú trọng vào chi tiết “cấm xe máy”, mà chưa đánh giá đầy đủ ý nghĩa của đề án này, đặc biệt là trong việc phát triển các phương tiện công cộng. Riêng đường sắt đô thị, ngoài hai tuyến sắp đưa vào sử dụng là Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội, từ nay đến năm 2030 Hà Nội sẽ thực hiện thêm 10 tuyến đường sắt đô thị khác với tổng kinh phí 31 tỷ USD. Để thực hiện tốt chủ trương dừng hoạt động xe máy, đề án đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030, khoảng 80% các điểm dừng đỗ giao thông công cộng mà người dân tiếp cận có khoảng cách dưới 500m.


Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, muốn đạt được mục tiêu trên, vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân, chất lượng kết nối phải đảm bảo. Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ mạng lưới trên cơ sở các tuyến đường sắt đô thị dự kiến đưa vào hoạt động từ nay đến năm 2030, từ đó phủ kín kết nối hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và các phương tiện vận tải công cộng khác.


Đối với những điểm có khoảng cách trên 500m như khu chung cư, ngõ nhỏ thì thực hiện kết nối bằng các phương tiện khác như xe đạp, kể cả xe đạp cá nhân. Hà Nội sẽ bố trí các điểm giao thông tĩnh ở những điểm kết nối với phương tiện giao thông công cộng để người dân có thể đi xe đạp. Một phương án nữa được xem xét là sẽ phát triển dịch vụ cho thuê xe đạp tại các nút giao thông công cộng để dân có thể sử dụng di chuyển. Người dân Thủ đô cũng có thể sử dụng taxi, xe ôm từ nhà đến điểm giao thông công cộng, bến xe buýt, ga tàu điện.


"Giao thông đô thị của Hà Nội là một bài toán lớn và khó giải. HĐGK giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội không có tham vọng “thẩm định”, “đánh giá” Đề án mang nặng tính khoa học này, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, với sự phát triển đồng bộ của các phương tiện công cộng để thực hiện chỉ tiêu trên (đến năm 2030, chỉ cần đi bộ dưới 500m là tiếp cận điểm dừng xe công cộng), bức tranh giao thông Hà Nội sẽ có những thay đổi ngoạn mục về chất, từ một thành phố có quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy, trở thành thành phố văn minh, hiện đại, và đặc biệt là chúng ta sẽ cảm nhận được sự bình yên của Hà Nội ở khắp mọi nơi phần nào giống như như những gì chúng ta cảm nhận ở Phố đi bộ Hồ Gươm vào dịp cuối tuần", nhà thơ Bằng Việt cho biết.


Và còn nhiều đề cử khác cũng rất xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh. Một mùa giải bội thu khiến HĐGK thật khó khăn trong việc lựa chọn. Và với 6 giải thưởng được trao trên 4 hạng mục, tăng 2 giải so với "tiêu chuẩn" là một việc "chẳng đặng đừng" mà BTC và HĐGK đã quyết định làm, để tôn vinh những Tình yêu Hà Nội.


PT/ Báo Tin Tức
Chùm ảnh lễ trao giải thưởng 'Bùi Xuân Phái- Vì Tình yêu Hà Nội'
Chùm ảnh lễ trao giải thưởng 'Bùi Xuân Phái- Vì Tình yêu Hà Nội'

Giải thưởng "Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội" (do báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và Quỹ Bùi Xuân Phái phối hợp tổ chức) đã công bố và trao giải thưởng lần 10 – năm 2017; đồng thời tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm giải thưởng vào sáng nay, 17/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN