LTS: Nhân kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 2011), 100 năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng - đạo đức Hồ Chí Minh", hôm nay, ngày 17/5, tại Hà Nội, Tạp chí Xưa & Nay của Hội Sử học Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt và giới thiệu, trao đổi về cuốn sách "Một số cảm nhận về tư tưởng - hành động của Hồ Chí Minh" của tác giả Đoàn Duy Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sách do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật phát hành.
Đây là một công trình khoa học đầy tâm huyết của tác giả Đoàn Duy Thành để tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách đã được nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đánh giá là tác phẩm đầu tiên về lý luận Hồ Chí Minh.
Nhân dịp này, Tin Tức xin giới thiệu bài viết của tác giả Đoàn Duy Thành.
Từ thuở thiếu thời, tôi đã được cha và chú tôi kể về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là người cách mạng có uy tín của Việt Nam, nhất là chú tôi - ông Đoàn Hữu Lộng, người đã tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn và bị mật thám Pháp bắt tù ở Hỏa Lò, Hà Nội. Từ đó tôi rất mến mộ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, chỉ mong sao lớn nhanh để theo Người làm cách mạng giải phóng đất nước. Vì vậy, ngay khi chính thức tham gia cách mạng, tôi luôn tâm niệm theo tấm gương Hồ Chủ tịch. Tính đến hôm nay, đã 65 tuổi Đảng, 82 tuổi đời, tôi vẫn tiếp tục đi theo con đường của Người và nếu đi lại, tôi vẫn đi theo con đường mà tôi đã chọn.
Có lần tôi hỏi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Anh Ba ở gần Hồ Chủ tịch 12 năm (1957 - 1969), anh đã học được ở Bác vấn đề gì sâu sắc nhất?”. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã trả lời tôi một câu ngắn gọn: “Tình thương và lẽ phải”. Câu trả lời đó chứng tỏ anh đã thấm nhuần lý luận minh triết và nhân văn của Người.
Để hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng - đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương Đảng phát động, tôi đã viết cuốn sách “Một số cảm nhận về tư tưởng – hành động của Hồ Chí Minh” để tri ân Người và làm tròn nhiệm vụ Đảng viên, đồng thời để giáo dục, rèn luyện cho con cháu làm người có ích cho gia đình, cho xã hội, và cũng là để góp phần nhỏ bé với các nhà lý luận, các nhà hoạch định chính sách quốc gia nghiên cứu về một lý luận – một học thuyết Hồ Chí Minh. Được như vậy, Việt Nam chúng ta sẽ có một lý luận rõ ràng, trong sáng, minh bạch mà mọi tầng lớp nhân dân dễ đọc, dễ nhận thấy và đi theo; thực hiện bổn phận của mình một cách tự giác, xây dựng Tổ quốc, xây dựng một tương lai mọi người đều ấm no, hạnh phúc, được học hành đến nơi đến chốn, thương yêu nhau, đùm bọc nhau, xóa bỏ bất công trong xã hội. Từ đó thế giới loài người nhìn thấy và chứng minh có một lý luận Hồ Chí Minh minh triết và nhân văn ở Việt Nam, quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng lý luận – Học thuyết Hồ Chí Minh, khuyến khích mọi người đến Việt Nam nghiên cứu lý luận – học thuyết thực tiễn của Người trên đất nước Việt Nam. Những hình ảnh sinh động về học thuyết, lý luận của Người, chắc chắn sẽ lan tỏa khắp năm châu, góp phần thiết thực vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, không có chiến tranh. Nhân loại chắc chắn sẽ biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ra còn 2 mục đích nhỏ: Một là góp tư liệu cho những người không hiểu hoặc không có thiện chí viết về Hồ Chí Minh mà tôi đã đọc trên sách, báo, phim ảnh có được cái nhìn chính xác, trung thực. Hai là góp và gợi ý cho những tác giả viết về Hồ Chí Minh chú ý đi sâu những khía cạnh lý luận, học thuyết của Người, và hướng dẫn người đọc thực hiện có kết quả thiết thực trong công việc hàng ngày của mình.
Để đúc rút thành lý luận Hồ Chí Minh qua tư tưởng hành động của Người, tôi đã đọc kỹ những tác phẩm, bài viết cùng với sự chiêm nghiệm về những hành động của Người qua các thời kỳ, qua những câu chuyện kể của các đồng chí gần gũi với Bác. Đặc biệt, tôi đã đọc lại các tác phẩm viết về Bác để đem so sánh với các học thuyết Cổ - Kim, Đông - Tây, tìm hiểu về hành trình của Bác, qua 5 châu, 4 biển đi tìm đường cứu nước. Từ đó, có cái nhìn khái quát và đi đến kết luận về sự nghiệp, cuộc đời, con người của Bác. Không dừng ở đó, tôi còn đặt phép so sánh Bác với các vị tiền nhân từ Đức Phật Thích ca Mâu Ni, Thánh Giê - Su, Thánh Tiên tri Mohamad, Đức Khổng Tử... đến các nhà tư tưởng, triết gia, lý luận gia sau này như: Socrat, Adam Smith, Hêghen Ricardo, Phơecbách, Mác, Anghen, Lênin, Stalin, Tôn Dật Tiên, Mao Trạch Đông... theo tiêu chí: Phẩm chất, tư cách; thời gian cống hiến; các nơi đi nghiên cứu; những tác phẩm; giá trị của tác phẩm đối với quần chúng; những tư liệu có thực; những truyền thuyết lưu truyền từ đời này sang đời khác; kết quả thực hiện các học thuyết, lý luận đó đến ngày nay và ảnh hưởng tới quần chúng đến mức độ nào.
Dựa trên 8 tiêu chí trên, tôi đã rút ra kết luận: Cụ Hồ là nhà lý luận của các nhà lý luận, học thuyết, đạo lý, tư tưởng của quá khứ và hiện đại. Người đã đọc, nghiên cứu và hiểu cặn kẽ các lý thuyết đó và đã kiểm nghiệm ở nhiều nước trên thế giới, vận dụng rất sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Lý luận Hồ Chí Minh rất thực tế, bao trùm, phù hợp với nhiều quốc gia trên thế giới, không cao siêu mà giản dị, dễ hiểu, dễ làm đi vào lòng người, dễ được chấp nhận. Lý luận Hồ Chí Minh rất cao quý đối với loài người, vì lý luận đó là: Hòa bình, độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc, mà hàng nghìn năm qua, nhân loại đã và đang phấn đấu, nhằm xây dựng cho từng nước và cả thế giới. Ở đó, tất cả mọi người phát huy hết trí tuệ và lao động cá nhân nhằm xây dựng một thế giới không còn người nghèo, công bằng và văn minh, hòa bình và thịnh vượng. Lý luận Hồ Chí Minh không dài dòng, cao xa như một số học thuyết chỉ dành cho các nhà nghiên cứu, nhà trí thức suy ngẫm và tranh luận vì nó quá trừu tượng, chưa có thực tiễn, chân lý để kiểm nghiệm, chứng minh có làm được hay không làm được, như Thi hào thiên tài người Đức - Gớt đã đánh giá: “Tất cả lý thuyết đều là màu xám, cây đời mới mãi mãi xanh tươi”.
Lý luận Hồ Chí Minh là sự kết hợp rất nhuần nhuyễn và chặt chẽ giữa các học thuyết, tư tưởng, đạo lý, lý luận... của các bậc thánh hiền; các nhà tư tưởng lớn của các thời kỳ từ cổ đại đến đương đại vào hành động thực tiễn của Người trong 59 năm. Tổng hợp và rút ra quy luật mà từ khi có loài người đến nay chưa được phân tích và giải quyết hợp lý, đó là: “Ham muốn của con người, của lòng người, và các biến dạng của các tầng lớp khác nhau trong xã hội về lòng ham muốn đó”, được Hồ Chí Minh phân tích và xử lý, vận dụng nhằm xây dựng một nước Việt Nam Dân giàu - Nước mạnh - Dân chủ - Công bằng - Văn minh. Nhiệm vụ hiện nay của cả dân tộc là tiếp tục vận dụng sáng tạo Lý luận Hồ Chí Minh vào thực tiễn, đoàn kết dân tộc, xóa sạch đói nghèo, giữ gìn bảo vệ bờ cõi của Tổ tiên để lại. Xây dựng một đất nước Việt Nam đàng hoàng to đẹp; triệt để chống tham nhũng và quan liêu; làm trong sạch Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện theo đúng lý luận của Người đã vạch ra.
Đoàn Duy Thành