Những ngày này, khi cả nước hướng về kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, tôi được Thiếu tướng Nghiêm Triêu Dương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược - Khoa học Bộ Công an gửi tặng cuốn sách “Cha tôi - Chính ủy Nghiêm Kình”. Tôi có dịp gặp Thiếu tướng Nghiêm Triêu Dương cách đây vài năm, trong một lần nhà báo Nghiêm Sỹ Thái (cựu phóng viên của TTXVN) - em trai của Chính ủy Nghiêm Kình, chú ruột của ông, ra thăm Hà Nội.
Thiếu tướng Nghiêm Triêu Dương viết hồi ký về cha mình, bởi “năm tháng sẽ trôi qua, phải làm gì cho con cháu biết về người cha, người ông của mình, về cuộc đời binh nghiệp và phụng sự Tổ quốc của ông (Chính ủy Nghiêm Kình)”. Quá trình viết cũng không mất quá nhiều thời gian, nhưng việc sưu tầm tư liệu, gặp gỡ đồng đội, chiến sỹ cùng công tác, chiến đấu với cha ở các trung đoàn, sư đoàn trên các mặt trận, thì mất nhiều tâm sức, bởi cuộc đời hoạt động cách mạng của cha ông đã lùi quá xa. Nhiều đồng đội của cha đã mất. Người công vụ cuối cùng đi cùng cha trên chiến trường Quảng Trị cũng đã mất hồi tháng 5/2021. Người còn thì tuổi cao, sức yếu, trí nhớ không còn minh mẫn.
Nhưng khi gặp lại những bạn chiến đấu, cán bộ chiến sỹ cũ của cha, ôn lại những kỷ niệm thì ông như “được sống lại những năm tháng hoạt động sôi nổi, chiến đấu dũng cảm” của cha và đồng đội.
Chính ủy Nghiêm Kình sinh năm 1927 tại làng Khóng, xã Đức Yên, nay là thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), là con thứ ba của ông Nghiêm Đích và bà Đào Thị Lựu. Gia đình ông Nghiêm Đích có nghề buôn bán trâu bò và làm ruộng, kinh tế thuộc loại khá giả trong làng, nên còn gây quỹ giúp cách mạng, đóng góp xây trường học Nghĩa Tân của làng. Từ nhỏ, Nghiêm Kình được đi học ở trường Nghĩa Tân, học trường Tiểu học do Pháp mở và vào học Quốc học Huế.
Sớm giác ngộ cách mạng, cả cuộc đời Nghiêm Kình đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, từ tham gia thanh niên cứu quốc trong Cách mạng tháng Tám, đến kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ. Tháng 8/1945, ông làm cán bộ giao thông viên cho Ủy ban Hành chính lâm thời huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Tháng 7/1947, khi ấy mười chín tuổi, ông được kết nạp Đảng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Trưởng ban Tuyên huấn Mặt trận Bình - Trị - Thiên; Trưởng ban Tuyên huấn sư đoàn đến Chính ủy Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông là Trưởng ban Tuyên huấn Liên khu 5; Chính ủy Đoàn 32; Chính ủy Trung đoàn 66, Trung đoàn 9b, Sư đoàn 304; Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 320b.
Trong cuộc đời quân ngũ, ông đã có mặt ở các chiến trường ác liệt nhất, từ Bình - Trị - Thiên khói lửa, chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị) đến chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh; chiến dịch giải phóng Quảng Trị và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Thiếu tướng Nghiêm Triêu Dương cho biết: “Theo nhiều đồng đội cùng trang lứa, cha tôi có những năm tháng chiến trường đã phủ kín suốt một thời trai trẻ cho đến ngày ông hy sinh”, “Cha tôi được biết đến là một người có tài hùng biện”. Sau này, ông Nghiêm Công (sinh năm 1935, quê ở xã Đức Viên, huyện Đức Thọ), nguyên Nghiên cứu viên cao cấp Viện Chiến lược và chính sách công nghệ, Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam kể: “Khi đó tôi mười một tuổi, biết Nghiêm Kình mười tám tuổi rất nhiệt thành tham gia phong trào, hoạt động xã hội, làng xóm. Sau Cách mạng tháng 8/1945, Nghiêm Kình đã đi các xã trong Phủ Đức Thọ diễn thuyết cho đồng bào nghe về Cách mạng tháng Tám, về xây dựng chế độ dân chủ mới. Các buổi diễn thuyết, tuyên truyền rất đông người nghe...” (Trong cuốn sách “Cha tôi - Chính ủy Nghiêm Kình”).
Chính ủy Nghiêm Kình cũng được biết đến bởi tấm lòng rộng mở, thương anh em chiến sỹ, luôn sát cánh cùng các chiến sỹ, đồng đội trong chiến đấu. Những người lính Trung đoàn 9 và nhất là anh em cần vụ nhớ về ông là nhớ về hình ảnh một cán bộ chỉ huy mẫu mực, đức độ, người Chính ủy trận mạc can trường; là “anh hùng của Đường 9 - Khe Sanh” mà quân thù nhắc tới ông phải khiếp sợ, gọi ông là “Hổ chột đường 9” (Hồi nhỏ Nghiêm Kình bị tại nạn và hỏng một mắt).
Ông Nguyễn Văn Khuê (sinh năm 1946, quê Thái Bình), làm cần vụ cho Chính ủy Nghiêm Kình - Chính ủy Trung đoàn 9b, Sư đoàn 304 thời kỳ tham gia đánh Khe Sanh - Tà Cơn (1967 - 1968) kể: “Càng nhớ tới ông lại càng khâm phục và thương tiếc sự xả thân vì nước của ông thời kỳ ở Trung đoàn 9b đánh Khe Sanh - Tà Cơn. Tôi không thể quên nét mặt đau buồn của ông trong những trận ta thiệt hại quá nhiều, nhất là trận B52 ngày 6/1 hay trận đêm 22/2/1968... Thời kỳ đầu của chiến dịch, Chính ủy thường xuyên ra động viên anh em ở trận địa tiền duyên. Giai đoạn hai, ba của chiến dịch vây hãm Tà Cơn là giai đoạn vất vả, hy sinh xương máu nhiều nhất của Trung đoàn 9b. Khi tình hình cho phép, Chính ủy Nghiêm Kình vẫn tìm cách ra bàn bạc bố trí lực lượng chiến đấu, động viên anh em giữ vững trận địa” (Trong cuốn sách “Cha tôi - Chính ủy Nghiêm Kình”).
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9b, Sư đoàn 304 kể: Mặc dầu khi đó B52, bom nổ chằng chịt nhưng đồng chí nói anh em còn ở chiến hào thì chúng ta phải ra đến nơi để cùng anh em chiến đấu (Trong cuốn sách “Cha tôi - Chính ủy Nghiêm Kình”).
Kể về những ngày tháng khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị, Trung tá Phạm Văn Mạch (sinh năm 1946, quê ở xã La Sơn, huyện Bình Lục, Hà Nam, nguyên cán bộ ban Tuyên huấn Sư đoàn 320b nhớ lại: “Nhớ đến mặt trận Quảng Trị năm 1972, không thể quên những trận bom, pháo các loại của Mỹ, ngụy đổ xuống Mặt trận. Vượt sông Bến Hải, Thạch Hãn không ai không ớn máy bay trinh sát OV10... “Ngáo ộp” B52 hoành hành dữ dội. Chúng thả bom rải thảm suốt ngày đêm. Có làng không còn bụi tre. Nhiều làng không còn nóc nhà. Thành cổ Quảng Trị dày hàng thước thành từng đống đổ nát”... “Có lần trinh sát kỹ thuật Mặt trận báo có thể máy bay B52 rải thảm vào khu vực đóng quân của Phòng Chính trị. Đơn vị phải chuyển sang vị trí dự phòng bên kia sông Gia Độ. Ba giờ sáng, chúng tôi vận động qua sông. Về sáng, thủy triều con nước còn cao, lòng sông rộng từ năm mươi đến bảy mươi mét, không phải cán bộ, chiến sỹ với ba lô, vũ khí nào cũng dễ dàng vượt sông. Đêm ấy, Thủ trưởng Nghiêm Kình đã bơi qua, bơi lại năm vòng để đưa toàn bộ cán bộ, chiến sỹ của Phòng Chính trị qua sông an toàn” (Trong cuốn sách “Cha tôi - Chính ủy Nghiêm Kình”). Khi ấy, Nghiêm Kình là Trung tá, Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 320b.
Chính ủy Nghiêm Kình đã trọn vẹn một đời với Tổ quốc. Với gia đình, vợ con, ông cũng một mực yêu thương. Với ông, tình yêu gia đình và tình yêu Tổ quốc đều lớn lao. Trong tình yêu gia đình, có tình yêu Tổ quốc và Tổ quốc được ông đặt lên trên hết.
Chính ủy Nghiêm Kình đã hy sinh anh dũng tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 khi mới 45 tuổi. Đó là đêm 22 rạng ngày 23/8/1972, khi ông cùng sáu cán bộ, chiến sĩ trên đường đến đơn vị phía trước Mặt trận cánh Đông bên kia sông Thạch Hãn thì bị bom B52 rải thảm.
Ông đã “hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ để góp phần giải phóng Tổ quốc”, như ông viết trong thư gửi về cho vợ mình là bà Hoàng Thị Vịnh từ chiến trường Quảng Trị chỉ cách ngày ông hy sinh chừng hơn hai tháng trước đó (ngày 11/6/1972): “Em Vịnh. Anh đang trên đường đi nhận nhiệm vụ. Cuộc chiến đấu mà chúng ta đang tiếp tục đòi hỏi dân tộc ta, trong đó có chúng ta hy sinh nhiều hơn nữa. Anh mong rằng khi em nhận được những dòng này em đừng có buồn và lo lắng cho anh. Em phải khỏe để lo lắng cho các con... Trước mắt anh là nhiệm vụ. Anh phải lo hoàn thành một cách xuất sắc để góp phần giải phóng Tổ quốc. Hôn em tha thiết”.
Và đúng như Thiếu tướng Nghiêm Triêu Dương viết trong cuốn “Cha tôi - Chính ủy Nghiêm Kình”: “Ông (Chính ủy Nghiêm Kình) lao vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ với tinh thần của người chiến sỹ xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc... Trong con người ông hầu như lúc nào cũng có một ngọn lửa không bao giờ tắt, luôn có mặt trên những nẻo đường chiến tranh khốc liệt nhất”. Ngọn lửa mà Chính ủy Nghiêm Kình thắp lên sẽ luôn sáng mãi trong dòng tộc họ Nghiêm, cũng như người dân Đức Thọ và trong trái tim của những người lính, những người mang trong mình tình yêu Tổ quốc cháy bỏng!