Chúng tôi đến xưởng vẽ của hoạ sĩ Lương Minh Hoà cùng các đồng nghiệp trong nhóm nghệ sĩ của Công ty CP Latoa Indochine vào những ngày cuối năm. Một xưởng vẽ nằm ven sông Hồng giữa cây cối, thiên nhiên dường như tách biệt hoàn toàn giữa Thủ đô nhộn nhịp.
Chủ tịch HĐQT Công ty Latoa Indochine Phạm Ngọc Long cho biết, dân gian quan niệm, ở năm con giáp nào làm chủ thì để hình tượng con giáp đó trong nhà sẽ đem lại may mắn. Tục treo tranh Tết dịp năm mới là một trong những lựa chọn như vậy. Tuy nhiên, sau nhiều năm mở cửa, các nền văn hoá đan xen thì cách bài trí nhà cửa cũng rất khác xưa. Việc phục hồi tranh dân gian và kết hợp được với thẩm mỹ hiện đại là điều rất khó khăn. Vẫn chưa có một dự án nâng tầm tranh dân gian đúng nghĩa. Chính từ những trăn trở đó, nhóm Latoa Indochine đã gặp nhau với mục đích để tranh dân gian có được vị trí trong đời sống hiện đại.
Tranh dân gian rất sâu sắc. Những bức tranh về mèo rất cầu kỳ, được tỉa tót đến từng chiếc lông.
Trong quá trình khai thác vẻ đẹp dân gian trên những bức tranh truyền thống cho dòng tranh mới, hoạ sĩ Lương Minh Hoà tâm đắc: “Tranh dân gian rất sâu sắc. Những bức tranh về mèo rất cầu kỳ, được tỉa tót đến từng chiếc lông. Dòng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) có nét cô đọng, hình thái đơn giản, tiếp cận với đông đảo thẩm mỹ người dân hơn. Cũng vì thế, nét dân gian của dòng tranh này được thể hiện nhiều nhất. Còn ở dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội) thì lại có nét thẩm mỹ hơn một chút, tương ứng với tranh thờ, có hoạ tiết tinh tế hơn. Tôi đã tìm thấy giữa sơn khắc và tranh dân gian có điểm chung là tạo nét, lấy nét để tạo hình. Đồng thời, kết hợp với sơn mài truyền thống cho ra hiệu ứng màu sắc. Vì thế, khi vẽ lên sơn mài khắc, tôi phải lấy được những hồn cốt này để công chúng thích tranh dân gian hơn, hiểu được giá trị của tranh dân gian. Đồng thời thúc đẩy mọi người yêu thích nghệ thuật hơn và vẫn giữ được nét đẹp truyền thống”.
Để thay thế cho một bức tranh rực rỡ của tranh Hàng Trống thì khi đi vào sơn mài, các gam màu trở nên trầm hơn. Sau nhiều lần sơn, mài thì hiệu ứng màu sắc luôn thay đổi, tạo nên nét riêng có. Đặc biệt, khi lên sơn khắc, các sắc thái mới được thể hiện bằng các kỹ thuật chạm khắc thếp vàng, thếp bạc đã khiến cho các hoạ tiết trở nên sang trọng và quý phái. Vì thế, những bức sơn mài khắc vừa giữ được hồn cốt của tranh dân gian vừa có vẻ đẹp khám phá của hiện đại.
Hoạ sĩ Lương Minh Hoà lý giải: “Sơn mài khắc là sự kết hợp của hai phương pháp làm tranh lâu đời là sơn mài và sơn khắc. Qua nhiều công đoạn, từ khắc lõm, đi vào sơn mài, rồi thếp vàng, thếp bạc thật tỉ mỉ trong thời gian 2, 3 tháng hoàn thiện thì hình ảnh trong tranh đạt đến độ sắc nét, có chiều sâu. Kỹ thuật này được hình thành sau một thời gian chúng tôi tìm hiểu, thử nghiệm để gìn giữ, lan toả được di sản văn hóa truyền thống trên nền hiện đại”.
Những tác phẩm sơn mài khắc này được các hoạ sĩ sử dụng 5 màu truyền thống (hoàng - vàng, xích - đỏ, hắc - đen, thanh - xanh, bạch - trắng) tương ứng với ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). Điều đặc biệt ở sơn mài khắc là mỗi bức vẽ dù có thể giống về nét nhưng khi bức tranh hoàn thiện, luôn là một bức vẽ độc bản.
Hoạ sĩ Lương Minh Hoà phân tích: “Cùng là một con mèo với nhát vẽ giống nhau nhưng trong quá trình phủ màu, mài ra với lớp trước chồng lớp sau đã cho ra những chất liệu khác nhau, hiệu ứng với ánh sáng cũng khác. Nếu hoạ sĩ cố tình làm giống nhau cũng không thể. Vì thế mỗi bức vẽ sơn mài khắc có thể coi là độc bản. Điều độc đáo ở sơn mài khắc chính là độ bền hàng trăm năm và không bị biến màu. Bởi giá trị chất liệu làm nên tranh là vàng, bạc thật”.
Phó Giáo sư Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu hàng đầu về tranh dân gian Hàng Trống nhận xét: “Những bức tranh sơn mài khắc với đề tài dân gian đã giữ được nguyên nét, hồn cốt của tranh dân gian nhưng tạo được cho tranh những sắc thái mới, giá trị lớn bằng các kỹ thuật chạm khắc dát vàng, dát bạc. Hiệu ứng đó đã làm bức tranh có những mảng màu đối lập và bắt sáng. Tranh dân gian mang một diện mạo mới, sang trọng và giá trị. Đây thật sự là một dự án bảo tồn và phát huy tranh dân gian có ý nghĩa”.