GS Hoàng Đạo Kính, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia: Hà Nội mất cầu Long Biên không khác nào Huế mất cầu Tràng Tiền
Cho tới nay, Hà Nội chưa có công trình nào ghi dấu sâu đậm như cầu Long Biên. Cầu Long Biên là công của người Tây xây dựng, nhưng nó đã được Hà Nội hóa, hết sức thân thiết với người Việt, nhẫn nại, kiên trì, gánh vác, thậm chí là chắp vá... Nó đã trở thành một bộ phận hữu cơ, một thứ tài sản vô giá của Hà Nội. Nếu Hà Nội mất cầu Long Biên thì chả khác nào Huế mất đi cầu Tràng Tiền.
Do đó, cần tính toán làm sao để có thể giảm bớt công năng giao thông, đồng thời tăng dần công năng văn hóa của cây cầu này để vừa bảo tồn vừa trùng tu được. Trong việc ứng xử với cầu Long Biên, chúng ta hãy đầu tư trí tuệ, tình cảm, sự kiên nhẫn để gìn giữ thiết chế văn hóa - lịch sử này. Phải ứng xử một cách thật đặc biệt và với một thái độ riêng với cầu Long Biên.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, Giải thưởng Bùi Xuân phái - Vì Tình yêu Hà Nội 2012 với 2 tác phẩm “Đi ngang Hà Nội” và “Đi dọc Hà Nội”: Cầu Long Biên có rất nhiều ý nghĩa
Cầu Long Biên mang trong mình rất nhiều ý nghĩa. Trong chiến tranh, cầu Long Biên là biểu tượng kiên cường, hiên ngang của người Hà Nội trước bom đạn Mỹ, đồng thời, nó cũng là cây cầu nối hai bờ sông, chuyên chở hàng hóa, là phương tiện đi lại của người dân. Về văn hoá, cây cầu vừa mang tính biểu tượng, vừa là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại của thủ đô. Cũng tại cây cầu này, năm 1954, nhà quay phim Nga đã đặt máy quay hình ảnh người lính Pháp cuối cùng rút ra khỏi Hà Nội.
Phải khẳng định, cầu Long Biên là cây cầu di sản: Là cây cầu sắt đầu tiên ở Việt Nam và trong quá trình xây dựng có sự đóng góp rất nhiều công sức của lao động Việt Nam. Từ việc xây cầu đã hình thành đội ngũ công nhân Việt Nam tham gia cùng với nhân dân Hà Nội. Hàng vạn tấn vôi chở từ Huế ra, 30.000 m3 đá chở từ Thanh Hóa ra, hàng nghìn khối gỗ lim từ Thanh Hóa, hàng nghìn tấn xi măng chở từ Hải Phòng lên để xây dựng cầu. Hàng vạn đinh tán trên cầu là do người Việt Nam tán, mố cầu xây cách mặt nước hơn 30 m cũng do người Việt Nam lặn xuống bên dưới xây rất vất vả.
KTS Nguyễn Thế Khải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quy hoạch và kiến trúc Việt Nam: Cần bảo tồn và khôi phục nguyên vẹn
Cây cầu Long Biên soi bóng trên dòng sông Hồng đã hơn một trăm năm. Một trăm năm với những biến động to lớn của lịch sử, cây cầu đã chứng kiến những đổi thay của đất nước, của người dân Hà Nội và Việt Nam. Cây cầu đã chứng kiến hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ tiến vào trạm gác trên cầu và những tên lính cuối cùng rút khỏi Thủ đô. Ngày nay những đoàn người, đoàn xe nối đuôi nhau qua cầu, những tiếng còi tàu hỏa vang lên khi chạy vào thành phố.
Về mặt kiến trúc, cây cầu có hình dáng thật độc đáo. Ngắm cảnh cầu Long Biên qua sông Hồng ta liên tưởng tới rồng Thăng Long xưa tái hiện. Về mặt khoa học xây dựng, mọi người đều nhận thấy cây cầu có kết cấu hợp lý với sơ đồ chịu lực của cầu. Tác giả thiết kế cầu thực sự là bậc thầy của ngành kết cấu thép thế giới, lại kết hợp tài tình trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
Vì vậy cây cầu cần được bảo tồn và khôi phục lại nguyên vẹn như thuở ban đầu. Để giải quyết giao thông Hà Nội chúng ta đã làm thêm được nhiều cầu. Nay thêm một cầu nữa ở thượng lưu chắc cũng không khó. Đường sắt qua cầu về ga Hàng Cỏ đã có một phần đi trên cao nay có thể nối tiếp đến ga Ngọc Hồi sẽ giải quyết được những ách tắc và tai nạn giao thông Hà Nội. Hy vọng rằng những nhà hoạch định chính sách sẽ có những quyết định đúng đắn để giữ lại cây cầu Long Biên một tài sản vô giá của Việt Nam và nhân loại.
Tạ Nguyên - PV (ghi)