Mùa hè năm 1992, để phục vụ Liên hoan Văn hóa Việt - Pháp tại Huế, các nghệ nhân chơi các nhạc cụ dân tộc cổ truyền đã cùng nhau lập nên CLB Phú Xuân, với 16 thành viên. Những thành viên ban đầu của CLB trong đêm đầu tiên trình diễn tại Liên hoan Văn hóa Việt - Pháp, trước điện Thái Hòa, đã làm ngất ngây những khán giả nước ngoài. Đây cũng là lần đầu tiên, Nhã nhạc Huế được chính thức trình tấu trở lại trong không gian cung đình sau nhiều năm vắng bóng.
Du khách phương Tây rất ngạc nhiên khi nghe những làn điệu âm nhạc độc đáo, được trình tấu bằng những nhạc cụ độc đáo không kém. Sau Liên hoan Văn hóa Việt - Pháp, du khách đến Huế, bao giờ cũng yêu cầu được nghe Nhã nhạc cung đình. Để đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mời cha con nghệ nhân Trần Kích, nghệ nhân Nguyễn Quý Cát vào Hội đồng tuyển chọn nhạc công, để thành lập nên đội nhạc mà bây giờ là các thành viên của Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại nội Huế). Những nhạc công này vừa trình diễn phục vụ du khách, vừa học thêm ở các nghệ nhân bậc thầy như Trần Kích, Nguyễn Kế, Trần Thảo…
CLB Phú Xuân trình diễn Nhã nhạc. |
Cuối năm 1994, các nhạc sĩ Việt Nam tại Pháp là Tôn Thất Tiết, Trần Văn Khê, Nguyễn Thiện Đạo bắt đầu việc phục hồi âm nhạc cung đình Huế. Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết là Chủ tịch Hội Âm nhạc Pháp-Việt bay về Huế, nghe các nghệ nhân CLB Phú Xuân trình tấu, rồi đề nghị các nghệ nhân dàn dựng một chương trình âm nhạc cung đình Huế. Sang 1995, Nhà văn hóa Thế giới tại Pháp mời CLB Phú Xuân sang biểu diễn và thu đĩa CD. Chương trình do CLB dàn dựng, với sự giúp đỡ của các nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, Trần Văn Khê, Nguyễn Thiện Đạo tại Pháp. Đĩa CD này thành công vang dội, báo giới phương Tây bình chọn CD này là “CD âm nhạc truyền thống hay nhất của năm 1996”.
Tiếp theo đó, CLB Phú Xuân Huế được mời tham gia các liên hoan âm nhạc truyền thống lớn, CLB đi biểu diễn 6 lần tại Pháp, 2 lần tại Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Hà Lan, Bỉ, Lúcxămbua, Mỹ, Hồng Công, Nhật Bản... Các thành viên CLB miệt mài đưa âm nhạc cung đình Huế ra với thế giới. Đồng thời, tuyển chọn những tài năng trẻ từ 15 tuổi trở lên để truyền nghề. Năm 1996, Nhật Bản tài trợ “Khóa học Đại học Nhã nhạc” ở Huế, những sinh viên tốt nghiệp đầu tiên của khóa học hiện là nhạc công của Nhà hát Duyệt Thị Đường. Mỗi năm, Đại học Nhã nhạc Huế chỉ tuyển 5 sinh viên, cũng chỉ chừng đó theo học tại tư gia hay ở Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Số lượng đào tạo ít nhưng chất lượng rất cao.
CLB Phú Xuân không kết nạp hội viên tràn lan, muốn gia nhập, thành viên phải nắm vững kiến thức về Nhã nhạc Huế, biết sử dụng các nhạc cụ truyền thống thuần thục, chính xác. Vì vậy, việc xây dựng CLB Phú Xuân đã góp phần bảo tồn những tinh hoa độc đáo của âm nhạc truyền thống Huế.
Các thành viên sáng lập CLB đã dành hết tâm sức cho việc truyền dạy Nhã nhạc Huế, và tiếp tục đưa Âm nhạc cung đình Huế giới thiệu với thế giới. Hiện nay, tuy một số nghệ nhân lão thành như Nguyễn Kế, Trần Kích đã qua đời, song những gì CLB Phú Xuân đã gìn giữ và phát huy cho Nhã nhạc Huế thực đáng trân trọng.
Vũ Hào