Cấp thẻ hành nghề biểu diễn, rối như tơ vò

Sau gần 2 năm xây dựng, theo dự kiến, ngày 1/4/2014, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bắt đầu cấp thẻ hành nghề biểu diễn đợt đầu cho ca sĩ, người mẫu. Tuy nhiên, đã một tuần theo như dự kiến, thay vì triển khai thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước mới chỉ ban hành được thông tư hướng dẫn.


Đây không phải lần đầu tiên Cục NTBD hoãn việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, mà đây là lần thứ ba kế hoạch này bị lùi lại. Đầu năm 2013, sau khi đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ VHTTDL đã khẳng định quyết tâm triển khai từ đầu năm 2014, sau đó, lại lùi đến tháng 4/2014. Sau khi hội nghị đánh giá một năm thực hiện Nghị định 79/2013/NĐ-CP (Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu), rất nhiều ý kiến về sự bất cập của Nghị định 79 (trong đó có những vướng mắc của đề án cấp thẻ hành nghề) cần phải sửa đổi, vì vậy kế hoạch cấp thẻ lại thêm một lần nữa phải hoãn.

 

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn. Ảnh:Minh Đức/TTXVN

 


Tại buổi lấy ý kiến cho dự thảo lần cuối cùng (đã 11 lần lấy ý kiến đóng góp) trước khi ban hành được Cục NTBD tổ chức tại TP Hồ Chí Minh chiều 28/3, rất nhiều ý kiến băn khoăn quanh việc triển khai các quy định này, đặc biệt là những vướng mắc trong quy định cấp thẻ hành nghề cho các nghệ sĩ hoạt động tự do, đặc biệt là nghề người mẫu.


Có thể nói rằng, sự cần thiết trong việc cấp thẻ hành nghề không còn phải bàn cãi. Khi mà đời sống nghệ thuật ngày càng phát triển, có quá nhiều phức tạp nảy sinh, thẻ hành nghề được coi là phương tiện hữu hiệu để đưa hoạt động này vào khuôn phép, đúng pháp luật, nhưng vấn đề là triển khai thế nào trong thực tế. Dù được lãnh đạo Bộ VHTTDL trấn an rằng, việc cấp thẻ lần này sẽ thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho các nghệ sĩ, tuyệt đối không có chuyện phong bì lót tay… nhưng rất nhiều ý kiến lo ngại rằng, liệu có cần thiết phải khôi phục lại loại "giấy phép con" vốn đã bị coi là một "thủ tục hành chính" gây phiền hà.


Có thể thấy, thời gian gần đây, hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam liên tục xảy ra những sai phạm. Tình trạng hát nhép, trang phục biểu diễn phản cảm, phát ngôn gây sốc..., đã gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, quan điểm của Bộ VHTTDL cho rằng việc cấp thẻ hành nghề trong thời điểm này là hợp lý, để tránh “vàng - thau lẫn lộn”; đồng thời sẽ giúp các nghệ sĩ có ý thức hơn trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trau dồi chuyên môn.

Tuy nhiên, khi đề án được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, có rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề xử lý vi phạm trong hoạt động nghệ thuật sẽ bị ''treo'' chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 2 năm. Một thực tế khác, rất nhiều nghệ sĩ hiện nay không chỉ biểu diễn một lĩnh vực ca nhạc hay thời trang, mà cùng lúc tham gia hoạt động nhiều lĩnh vực thì việc cấp thẻ sẽ như thế nào. Nếu cá nhân này vi phạm tại lĩnh vực biểu diễn này thì có bị cấm biểu diễn ở các lĩnh vực khác không? Gần đây nhất là trường hợp của hoa hậu Diễm Hương, cấm biểu diễn nhưng có cấm cô hoa hậu này tham gia đóng phim không?


Chưa hết, hiện nay, Việt Nam chưa có trường đào tạo nghề người mẫu, việc đào tạo chủ yếu là theo cách nghề truyền nghề, chưa có giáo trình đào tạo chính thức, cơ sở đào tạo chủ yếu dựa theo một số giáo trình của nước ngoài và mạnh ai nấy dạy. Vậy khi thẩm định cấp thẻ, ai sẽ là người thẩm định và thẩm định theo tiêu chí nào? Hơn nữa, trình tự thủ tục thu hồi giấy phép và việc cấp thẻ hành nghề cho trẻ em dưới 15 tuổi, thiếu nhi tham gia biểu diễn có cần thêm quy định về số giờ lao động tối thiểu mỗi ngày để tránh tình trạng vi phạm quy định pháp luật về lao động trẻ em hay không?


Việc cấp hai loại thẻ cũng được quan tâm. Có ý kiến đề nghị, không nên phân biệt thẻ dành cho nghệ sĩ được đào tạo hay không được đào tạo, nghệ sĩ hoạt động ở đơn vị công lập hay nghệ sĩ tự do, mà chỉ nên làm một loại thẻ. Bởi, dù có được đào tạo hay không được đào tạo, các nghệ sĩ đều là công dân và họ phải tuân thủ những quy định của ngành nghề. Ngoài vấn đề trên, về phía những người làm công tác quản lý văn hóa tỏ ra quan tâm đến những tiêu cực có thể xảy ra như tình trạng "cấp phép thông thoáng", cơ chế “xin - cho” hoặc chạy chọt, hối lộ... để có được tấm thẻ hành nghề.


Rõ ràng, vẫn còn nhiều mông lung trong việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn. Đại diện ban soạn thảo, Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và điều chỉnh phù hợp trước khi Thông tư về việc cấp thẻ hành nghề có hiệu vào ngày 1/7 tới.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN