Cần xây dựng hồ sơ công nhận di tích cho khu khảo cổ Vườn Chuối

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối nằm trên cánh đồng thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức là một trong những di chỉ quan trọng nhất về cuộc sống của những cư dân cổ đầu tiên của Hà Nội.

Khu có diện tích 19.000 m2, được các nhà khảo cổ học xem là di tích quan trọng trong hệ thống các di chỉ khảo cổ học tiền Đông Sơn.

Giá trị quan trọng của khu di tích Vườn Chuối

Địa điểm Vườn Chuối từ lâu đã khá quen thuộc và có vai trò quan trọng đối với giới khảo cổ học cũng như giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa cổ. Được phát hiện vào năm 1969 thời kỳ đất nước đang diễn ra chiến tranh, đây là lần đầu tiên Nhà nước cho tiến hành đợt nghiên cứu khảo cổ khu vực này.

Quá trình khai quật di tích Vườn Chuối. Ảnh: Báo Giao thông.

Những phát hiện ban đầu cho thấy, nơi đây từng là địa bàn cư trú quan trọng của người Việt cổ và chứa đựng nhiều bí ẩn lịch sử. Có thể xem phức hợp di tích này là dấu tích của trung tâm tụ cư, trung tâm văn hóa quan trọng ở khu vực phía Tây Hà Nội.

Các nhà khoa học đã phát hiện khối tư liệu đồ sộ với nhiều loại hình hiện vật khác nhau như: Ba tầng văn hóa liên tiếp từ văn hóa Ðồng Ðậu (1500 - 1000 năm TCN), văn hóa Gò Mun (1000 đến 500 năm TCN) cho đến văn hóa Ðông Sơn (500 năm TCN đến 200 năm sau Công nguyên) và có cả dấu tích thời Bắc thuộc.
 
Từ năm 1969 và tới nay, trải qua 8 đợt khai quật với diện tích gần 300 m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 29 ngôi mộ tiền sử chủ yếu là mộ thuộc văn hóa Đông Sơn có đồ gốm và vũ khí đồng được chôn theo; gần 15 vạn mảnh gốm cùng gần 50 hiện vật gốm vỡ và nguyên vẹn; 216 hiện vật bằng đồng; 11 hiện vật bằng sắt; hơn 1.000 hiện vật bằng gỗ và nhiều hiện vật bằng xương.
 
Đây là những con số thống kê khổng lồ đối với một di chỉ khảo cổ học. Từ những kết quả khảo cổ học thu được, các nhà khoa học đã phần nào dựng nên bức tranh toàn cảnh của người Việt cổ cách đây hàng nghìn năm với nền nông nghiệp lúa nước, dùng lưỡi câu bắt cá, săn bắt bằng mũi tên đá, dệt vải may quần áo, làm đồ gốm và tạo ra đồ trang sức bằng đá hoặc đồng...
 
Ngoài khu di chỉ Vườn Chuối, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện một phức hợp di chỉ ở khu vực các gò xung quanh như: Gò Chùa Gio, gò Cây Muỗng, gò Mỏ Phượng, gò Đền Rắn.

Tìm phương án bảo tồn di tích

Trước những nguy cơ di chỉ khảo cổ học có nguy cơ bị xóa sổ bởi các dự án sắp được xây dựng, mới đây Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Thị Mỹ Dung, chuyên gia Khảo cổ (Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn): Lần khai quật gần đây nhất tính từ năm 2010 - 2014, với diện tích đào là 800/19.000m2 cho thấy tại đây còn sót lại rất nhiều những tàn tích động thực vật, như xương cốt của voi Châu Á, trâu bò… Đó còn là những dấu tích liên quan đến nghề đúc đồng khá đậm đặc như sỉ đồng, giọt đồng, thỏi đất nung, khuôn đúc bằng đá…
 
Tầng văn hóa có chỗ mỏng, chỗ dày, mặt bằng cư trú có lớp đất sét vàng, được cho là cư dân cổ đã xử lý nền làm nhà; xử lý mặt bằng sinh sống; gia cố đất nung, di tích hố đất đen, dấu tích lò đúc đồng liên quan đến giai đoạn Đồng Đậu. Nhưng cũng trong thời gian này, khu vực thường bùng phát tình trạng đào trộm đồ cổ, thậm chí có người giả danh nhà nghiên cứu di sản để lừa người dân.

Vì không được kiểm kê nên di tích khảo cổ Vườn Chuối không được đánh giá để xếp hạng. Đáng lo hơn cả là hiện nay, toàn bộ di tích nằm trong diện tích quy hoạch Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch do Tổng công ty cổ phần Thương mại - Xây dựng Việt Nam (Vietracimex) đầu tư. Nếu không được bảo vệ kịp thời, di tích bị xóa sổ sẽ là thiệt thòi lớn cho quốc gia.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, chúng ta mới chỉ khai quật được 650 m2 trên tổng diện tích 19.000 m2 di chỉ. Những hiện vật đưa lên khỏi lòng đất có giá trị về nhiều mặt. Tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định được hết những giá trị tiềm ẩn của di tích đối với Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung, nhất là áp lực “đòi” giải phóng mặt bằng để xây dựng.

Thực tế hiện trạng di tích là một khu đất rộng lớn, mấp mô đất đá thải và đang bị hoang hóa. Di tích đang có nguy cơ bị bào mòn, vừa bị chôn vùi bởi phế thải, vừa xáo trộn do nạn đào bới tìm cổ vật...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín, chuyên gia khảo cổ, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định: “Di tích khảo cổ học Vườn Chuối kéo dài từ giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Đông Sơn. Về mặt lịch sử, di tích này tương ứng với lịch sử thời kỳ tiền Hùng Vương và Hùng Vương dựng nước. Do vậy, di tích khảo cổ học Vườn Chuối nếu nghiên cứu đầy đủ, khoa học sẽ có đóng góp tốt cho việc nghiên cứu thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc”.

Chuyên gia khảo cổ học Tống Trung Tín cho rằng, hiện khu di tích Vườn Chuối đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại hoàn toàn trong một khu đô thị hiện đại sầm uất. Để bảo vệ, trước tiên cần phải xếp hạng và khoanh vùng bảo vệ di tích,  từ đó tìm ra cách tốt nhất để dung hòa giữa phát triển kinh tế hạ tầng và bảo tồn di sản.

Ông Tống Trung Tín cũng nêu một số giải pháp cấp bách trước mắt. Đó là tiến hành sưu tầm, tập hợp toàn bộ các hồ sơ, di tích, di vật đã nghiên cứu và các di tích trong khu vực để sơ bộ đánh giá giá trị của di tích, sau đó điều tra, thám sát khảo cổ học kỹ lưỡng để đánh giá hiện trạng và tiềm năng của di tích.

Từ đó, bảo tồn theo hướng tổng thể tại chỗ toàn bộ hiện trạng di tích, hoặc bảo tồn từng phần di tích, nếu di tích đã bị xâm hại về cơ bản, kiến nghị khai quật di dời tổng thể di tích, di vật về Bảo tàng Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Liêm, Phó Viện Trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, việc bảo tồn phải bắt đầu từ khảo sát, thăm dò, khai quật sau đó đề xuất bảo tồn vùng lõi, vùng phụ cận, vùng đệm cho phù hợp đảm bảo công tác bảo tồn không ngăn cản quá trình phát triển kinh tế.

Do các cuộc khai quật từ trước tới nay mới ở quy mô nhỏ nên các nhà khoa học đề xuất cần có nghiên cứu tổng thể di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối và đây là cơ sở khoa học vững chắc đề xuất các hướng giải pháp phù hợp.
 
Lý Thanh Hương/TTXVN
Khởi động đề án nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa
Khởi động đề án nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa

Ngày 11/1, tại An Giang, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh An Giang và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức tọa đàm khởi động Đề án nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN