Các chất liệu truyền thống của hội họa Việt Nam tạo ấn tượng trên đất Pháp

"Hội họa Việt trên chất liệu truyền thống" là tên một cuộc triển lãm tranh vừa được khai trương tối 12/7 tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Paris.

Chú thích ảnh
Giao lưu giữa các họa sĩ và khách xem triển lãm.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Việt do Trung tâm Văn hóa Việt Nam phối hợp tổ chức với Hội Aurore Lumière và Câu lạc bộ những người yêu biển đảo của Việt Nam tại Pháp.

Với mong muốn giới thiệu tới công chúng những góc nhìn sinh động và đa sắc màu của đời thường và tín ngưỡng tôn giáo ở Pháp và Việt Nam, các tác giả: Nguyễn Văn Hổ, Trần Đình Bình, Đỗ Văn Lý, Nguyễn Duy Đạt, Nguyễn Hoàng Huy và Phạm Quang Trung, đã mang đến triển lãm gần 50 tác phẩm được thực hiện trên nền các chất liệu truyền thống như giấy dó, lụa, gỗ và đặc biệt là sơn mài. Họ đều là những cựu sinh viên của các trường Đại học Mỹ thuật ở Pháp và Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Hổ đến từ Việt Nam cho biết anh đã quyết định chọn bộ sưu tập tranh sơn mài đặc tả chân dung của Đức Phật để mang đến triển lãm nhằm mục đích giới thiệu tới công chúng Pháp sơn mài, một loại chất liệu truyền thống lâu đời ở Việt Nam, cũng như hình ảnh của đạo Phật trong tâm thức của người Việt, vốn luôn mong muốn con người hướng tới những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống.

Chú thích ảnh
 Đông đảo khách là kiều bào và bạn bè Pháp đã đến xem triển lãm.

Còn họa sĩ Nguyễn Hoàng Huy lại coi triển lãm là nơi để anh gặp gỡ và chia sẻ niềm yêu thích hội họa với cộng đồng người Việt và bạn bè Pháp, đặc biệt là với các đồng nghiệp đến từ Việt Nam. Anh cho biết thích vẽ những bức tranh trừu tượng, vì nó thể hiện cái tôi của mình. Mặc dù đây là trường phái hội họa đương đại, nhưng tác giả lại thể hiện rất thành công trên nền giấy dó truyền thống lâu đời của quê hương.         

Mỗi tác phẩm một sắc thái, mỗi tác giả một phong cách, và tất cả đều nhận được đánh giá tích cực của khách xem triển lãm. Nếu như ông Jean-Pierre Archambault đặc biệt quan tâm đến sắc màu của các bức tranh thì bà Olga Brice lại ấn tượng với các chất liệu truyền thống. Nhưng cả hai đều chung một cảm giác dễ chịu và hài lòng khi ngắm những các tác phẩm của các họa sĩ trẻ tài năng. Bà Loan de Fontbrune, một nhà phê bình nghệ thuật người Pháp gốc Việt thì nhận xét : "Các họa sĩ trẻ đều rất có tài. Mỗi người vẽ trên một chất liệu, như sơn mài, giấy dó, hay lụa... Thậm chí họa sĩ Nguyễn Duy Đạt đã vẽ trên nhiều chất liệu. Điều này khiến tôi rất cảm phục".

Ông Nghiêm Xuân Đông, giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, cho biết kể từ khi đi vào hoạt động trở lại sau khi các công việc cải tạo trụ sở đã được hoàn tất, trung tâm đã tổ chức hàng loạt các hoạt động trong các lĩnh vực biểu diễn, âm nhạc, triển lãm tranh, ảnh, hội thảo… Mục đích của cuộc triển lãm này là tạo cho cộng đồng và các hội đoàn một sân chơi, một tụ điểm để thu hút, quảng bá và truyền bá văn hóa Việt tại Pháp.

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 19/7/2023 ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Tin, ảnh: Nguyễn Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Triển lãm tranh của nghệ sĩ Lê Thư Hương: ‘Dưới nước’ vẫn nhìn thấy nước mắt
Triển lãm tranh của nghệ sĩ Lê Thư Hương: ‘Dưới nước’ vẫn nhìn thấy nước mắt

Lê Thư Hương rất tâm đắc với câu của nhà văn Nhật Haruki Murakami: “Cá nói, cậu không thể nhìn thấy nước mắt trong mắt tôi, bởi vì tôi đang ở trong nước. Nước nói, tôi có thể cảm nhận được nước mắt của cậu, bởi vì cậu ở trong lòng tôi” (Tình yêu của cá và nước). Đó cũng là thông điệp nghệ thuật của nghệ sĩ flute Lê Thư Hương trong “Dưới nước” - triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của cô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN