Bộ đội “đánh đâu thắng đấy”

Tác giả của Thư nhà, Cỏ non,… mắt rơm rớm nói rằng, để có thể đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, miệt mài với nghiệp văn, thì người mà ông biết ơn chính là vợ mình. Con gái Hà thành làm vợ bộ đội-nhà văn, phải vất vả bươn chải, thiệt thòi vô cùng.


Mối lương duyên sau ngày giải phóng Thủ đô


Mặc dù bút danh Hồ Phương (tên thật là Nguyễn Thế Xương) được ghép từ tên của Bác Hồ, vị lãnh tụ mà ông vô cùng kính trọng và tên một cô bạn gái xinh xinh thời đi học, nhưng lão nhà văn nói rằng đó chỉ là cái rung cảm của tuổi học trò, còn non tơ và chưa có gì ấn tượng. Nhà cô gái vốn gần nhà cậu bé Xương, nhưng khi nhà cô chuyển khỏi nơi ở cũ, chẳng ai biết đi đâu thì cậu cũng chẳng dò tìm nữa. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Hồ Phương lên đường đi bộ đội, khi ấy mới 16 tuổi.

 

Nhà văn Hồ Phương và cô nữ sinh Hà thành, vợ ông sau này.


Sau khi Điện Biên Phủ toàn thắng, quân ta về tiếp quản Thủ đô, anh bộ đội Hồ Phương khi ấy cũng nao nức trong đoàn quân thắng trận trở về. Những ngày sau đó, ông thường từ Hà Đông (gia đình Hồ Phương quê gốc ở đây) đến nhà anh trai ở 15 Văn Miếu chơi. Cạnh nhà anh trai là nhà của cô gái có cái tên rất đẹp-tên của một loài hoa-Mai-mà ngay từ lần chạm mặt lần đầu, thấy áo dài thướt tha, Hồ Phương đã thấy mên mến.


Trở về sau cuộc kháng chiến, gặp được con gái Hà thành là cái gì đáng tự hào không kém sau những tháng ngày oanh liệt, vẻ vang của người lính. Thế là thành quen. Từ đấy, Hồ Phương năng đến nhà anh trai hơn, hầu như chủ nhật nào anh cũng kiếm cớ gì đó đến nhà anh chơi, mà thực ra là để gặp nàng Mai. Cô gái nhà bên ấy cũng đã biết tình ý của chàng bộ đội, e ấp ý nhị, nhưng cũng mạnh mẽ vô cùng. Hai bên chưa nói chuyện gì với nhau nhiều, những lần gặp chỉ hỏi xã giao trước cửa nhà: cô học ở đâu, đi đâu đấy, chúng ta cùng người Hà Nội mà. Thế mà chỉ sau vài tháng, vào một sáng chủ nhật, “với tinh thần dũng cảm của người lính”, lần đầu tiên Hồ Phương rủ nàng Mai ra ngoại thành chơi. -Ngày mai anh có việc ra ngoại thành, ghé qua đình làng Tám, Mai có rỗi không, anh mời đi chơi? Ngần ngừ một lúc, cô gái nói: Thôi cũng được.


Làng Tám là ngôi làng đẹp, những rặng tre xanh ngút ngàn, không gian tĩnh lặng, thanh vắng. Bậc thềm của đình làng đã trở thành nơi hẹn hò đầu tiên của anh bộ đội, nhà văn Hồ Phương và cô gái Hà thành duyên dáng. Và từ cái buổi ban đầu lưu luyến ấy, chỉ khoảng chưa đầy một năm sau, vào mùa xuân năm 1956, đám cưới đã diễn ra. Anh trai Hồ Phương mừng cho em, đùa nói rằng, đúng là bộ đội đánh đâu thắng đấy.


“Cả đời biết ơn bà ấy…”


Đám cưới xong cũng là lúc Hồ Phương nhận công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội (sau này là Tổng biên tập) theo lệnh triệu tập của Tổng cục chính trị. Tờ báo ra mắt độc giả với cách viết trẻ trung chuyên về văn học được đón nhận nồng nhiệt, phát hành rất lớn. Nhà văn Hồ Phương đi thực tế cơ sở thường xuyên, về các đơn vị chủ lực 308, 312, có lúc nhảy ô tô chở hàng đi Sơn Tây. Thời kỳ này ông ra mắt Thư nhà, một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của Hồ Phương, tiếp sau đó là Cỏ non và nhiều tác phẩm khác, gồm cả truyện ngắn, ký sự, tiểu thuyết,…

Với nhà văn Hồ Phương, mối tình với người vợ của mình là đầu tiên và cũng là duy nhất. Ông trời đã cho ông một người vợ cả cuộc đời vì chồng vì con, thầm lặng ở phía sau, làm hậu phương vững chắc cho ông vững bước trên mọi chặng đường.


Những năm tháng ông đi công tác liên miên, bà Mai ở nhà lo toan mọi việc. Trong căn nhà chật hẹp chỉ mười lăm mét vuông được bà ngoại cho ở khu Văn Miếu, năm mẹ con đùm bọc chăm sóc nhau. Thời bao cấp, có bao nhiêu tem phiếu bà Mai đem bán hết. Ông nhớ, thời kỳ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, dễ đến chục năm bà Mai chẳng có cho mình một chiếc quần mới, chiếc quần trắng nhuộm đen lâu ngày đã phai màu chuyển sang màu cháo lòng, gấu rách như bị “cá rô đớp” (bị xích xe đạp “cắn”) rách tươm. Có lần đi công tác về, nhìn vợ gày đen, đầu đội nón mê, ông thương lắm nhưng chẳng biết làm sao. “Tôi là người chồng tệ thật. Suốt thời kỳ chiến tranh bà ấy gày còm, không còn đâu hình ảnh cô nữ sinh Hà Nội nữa”, nhà văn nói.


Thời kỳ làm dược tá ở Xí nghiệp dược phẩm Hà Nội, bà Mai giấu chồng xin chuyển từ bộ phận sản xuất thuốc kháng sinh sang làm ở phận “nóng độc” chuyên sản xuất bông băng, gạc phục vụ chiến trường. Đây là nơi phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, nhưng đổi lại sẽ được lương cao gấp hai lần những bộ phận khác. Để làm ở bộ phận này không dễ, yêu cầu khắt khe khi làm bông băng phải tiệt trùng, nhân viên phải đủ hai tiêu chuẩn, một là lý lịch trong sạch, hai là phải có văn hóa. Rất may là vợ ông hầu như không ốm đau gì, may mắn hơn nữa là bà không bị nhiễm độc, bị ngất hay phải cấp cứu khi làm ở đây. Điều này mãi sau nhà văn mới biết, ông càng thương người vợ đẹp người đẹp nết, người con gái Hà thành mà ông đã chọn.


Nhà văn Hồ Phương khi ấy cũng đã nổi tiếng, ông viết nhiều. Viết được gì ông lại đưa vợ xem. Bà Mai rất thích đọc những tác phẩm của chồng, trong đó truyện “Thư nhà” là thích nhất, bảo đọc xong cảm động lắm. Bà hay hỏi ông: -Hôm nay có viết gì không, cho em xem? Nhưng tuyệt nhiên không khi nào hỏi “nhuận bút đâu?”, điều này khiến nhà văn càng khâm phục vợ.


Ông kể, thực ra dù viết vào loại khỏe nhưng nhuận bút ngày ấy còm lắm, chẳng được bao nhiêu. Mỗi lần về nhà, đưa tiền cho vợ, có khi bà không cầm, nói anh là bộ đội tiền ít, lại phải đi nơi này nơi khác, cứ giữ lấy mà tiêu, ở nhà mọi việc em lo được.


Bà sinh bốn đứa con, hai trai, hai gái xen kẽ nhau, chẳng lần vượt cạn nào ông có mặt bên cạnh, khi thì đang đi công tác, đi cơ sở viết bài, lúc thì vào chiến trường, thời kỳ sông Bến Hải ngăn đôi hai miền Nam-Bắc ông cũng có mặt ở đây. Càng gần đến ngày chiến thắng ông càng đi nhiều, “phó mặc gia đình cho vợ, cho giời”, ông đi cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn 1975, thống nhất đất nước.


Cho đến bây giờ, khi bốn đứa con đã trưởng thành, ai cũng đã yên bề gia thất, thành danh cả rồi, ông nghĩ lại, đúng là tuyệt nhiên chưa khi nào ông nghe vợ phàn nàn gì với mình, ông không bao giờ phải bận tâm lo chuyện gia đình. “Tôi biết ơn bà ấy, người vợ đã hy sinh âm thầm cho chồng cho con. Bốn đứa con bà ấy dạy hết đấy chứ, tôi có dạy đứa nào đâu”, lão nhà văn thật thà kể.


Bây giờ gia đình nhà văn Hồ Phương đã có một căn nhà rộng rãi khang trang trong khu Nam Đồng, căn nhà này do nhà nước cấp sau khi hòa bình lập lại, lúc ấy nhà văn đã được phong tướng. Chuyển từ căn nhà chật chội ở khu Văn Miếu về đây, bà Mai mừng lắm. “Ấy vậy mà khi về nhà mới bà ấy lại nói, tiếc cho mẹ (tức bà nội) không còn sống mà ở đây. Khi nhà đã khá giả thì bà mất rồi. Đấy, bà ấy là thế đấy. Chẳng khi nào nghĩ cho mình”, lão nhà văn lại trầm ngâm. Ông tự nhủ, không biết bà yêu ông ở điểm gì, do mình “nhìn cũng được và là người tốt” hay sao, còn ông, ông thấy mình thật may mắn khi có được bà, dù cho giờ đây bà đã không còn ở bên ông nữa.



Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN