Nhiều ý kiến cho rằng đây là hoạt động biểu diễn nghệ thuật cần được tự do nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần phải quản lý. Trên thực tế, từ khi không gian đi bộ đi vào hoạt động, đã có không ít hoạt động biểu diễn nghệ thuật tự phát diễn ra, lực lượng chức năng đã kiểm tra, nhắc nhở rất nhiều trường hợp.
Không gian chung đang bị tận dụng Người dân mang tiếng đàn góp vui cùng không gian đi bộ quanh khu vực hồ Gươm. Ảnh: TTXVN |
Trở lại vụ việc trên, tối 28/7, khi cháu bé 15 tuổi chơi đàn violon quyên góp tiền từ thiện tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng hỏi giấy phép, yêu cầu dừng biểu diễn vì gây phản cảm. Sau những tranh luận có phần gay gắt giữa gia đình cháu và lực lượng chức năng, vụ việc trên được đưa lên mạng xã hội, tạo ra làn sóng tranh cãi. Trước vấn đề này, cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội khẳng định, bất kỳ hoạt động biểu diễn nghệ thuật nào tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm phải xin phép, hoặc thông báo đến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Sau đó, gia đình cháu đã xóa mọi chia sẻ trên mạng xã hội đồng thời gửi lời xin lỗi tới cơ quan chức năng.
Đây không phải là trường hợp duy nhất có hoạt động biểu diễn tự phát tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Từ khi đi vào hoạt động, tháng 9/2016 đến nay, khu vực này thu hút rất nhiều cá nhân, nhóm nhạc đến hoạt động tự phát. Bên cạnh 7 điểm biểu diễn nghệ thuật cố định được thành phố bố trí tại nhà Bát giác, trước cửa rạp Công nhân, khu vực đối diện đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trước cửa Trung tâm thông tin Hồ Gươm, khu vực tượng đài Vua Lê, khu vực đồng hồ Thụy Sĩ, còn xuất hiện nhiều điểm biểu diễn tự phát khác như nhóm nhảy hiện đại, hát, chơi đàn, ảo thuật... tập trung nhiều khu vực đường Đinh Tiên Hoàng. Đa phần các cá nhân, nhóm nhạc tổ chức biểu diễn tự phát đều đặt hộp quyên góp tiền, tùy vào lòng hảo tâm của khách. Thậm chí cả những người nước ngoài cũng tham gia biểu diễn xin tiền để phục vụ cho mục đích “đi du lịch vòng quanh thế giới”, “giúp tôi trở về nhà”...
Tất nhiên, một không gian văn hóa như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm không thể thiếu các hoạt động nghệ thuật với các điểm biểu diễn được thành phố bố trí bằng nhiều hình thức biểu diễn khác nhau, khoảng cách phù hợp đủ để phục vụ nhu cầu thưởng lãm của khách.
Với quá nhiều điểm biểu diễn, nhất là các điểm biểu diễn tự phát không được sắp xếp, không được kiểm soát nội dung và thêm cả hình thức xin tiền sẽ là điều phản cảm. Chưa kể, nhiều người đến phố đi bộ bị “bội thực” với những âm thanh hỗn độn do nhiều điểm biểu diễn gần nhau, mở nhạc to.
Với các cá nhân, tổ chức tự phát, việc tổ chức biểu diễn ở phố đi bộ vừa là cơ hội để họ thể hiện khả năng của mình một cách tự do và cũng là nơi có thể kiếm thu nhập. Vấn đề này ít nhiều gây ra sự lộn xộn trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở một không gian rất đặc trưng như khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Chấn chỉnh tình trạng biểu diễn tự phát Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra tại phố đi bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: TTXVN |
Trước tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức biểu diễn hoạt động nghệ thuật tự phát tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng quận Hoàn Kiếm thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, đến thời điểm này tình trạng biểu diễn tự phát đã giảm.
Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, để chấn chỉnh tình trạng biểu diễn tự phát ở không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội tổ chức một đoàn kiểm tra, quận Hoàn Kiếm tổ chức ba đoàn kiểm tra luân phiên ba ngày cuối tuần, kiểm tra, nhắc nhở các cá nhân, nhóm nhạc. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng yêu cầu các cá nhân, nhóm nhạc phải xin phép hoặc thông báo đến cơ quan quản lý văn hóa về chương trình, nội dung các buổi biểu diễn.
Ông Đinh Hồng Phong khẳng định, hiện nay, tình trạng biểu diễn tự phát đã giảm nhiều so với thời gian đầu triển khai không gian đi bộ. Tuy vậy, cái khó là chưa có chế tài xử lý hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật tự phát, do vậy, lực lượng kiểm tra mới dừng ở việc nhắc nhở hoặc yêu cầu không được biểu diễn nếu không đủ điều kiện. Hiện tại, cơ quan chức năng đã cấp được 94 thẻ hoạt động văn hóa, nghệ thuật cho các tổ chức, cá nhân tham gia tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, gồm thẻ biểu diễn âm nhạc, thẻ vẽ chân dung, thẻ hoạt động thư pháp, thẻ thổi bóng nghệ thuật, thẻ trò chơi dân gian...
Ông Nguyễn Thanh Phong - Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho hay, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm có quy định về đăng ký, thông báo biểu diễn nhưng còn ít cá nhân, tổ chức chấp hành. Mỗi dịp không gian đi bộ hoạt động, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đi nhắc nhở những nhóm biểu diễn tự phát có nhận tiền quyên góp, phát những tờ khuyến cáo đề nghị cá nhân, tổ chức biểu diễn đăng ký với Sở theo mẫu nhưng chưa có cá nhân, tổ chức nào tự giác gửi bản đăng ký, chưa thực hiện theo đúng quy định.
Để quản lý tốt hơn không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm trong đó có hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, quận Hoàn Kiếm vừa hoàn thành dự thảo nội quy, quy chế quản lý hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, trình thành phố xem xét, ban hành. Theo dự thảo nội quy, quy chế này, các cá nhân, tổ chức không tự ý tổ chức, biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, trò chơi, ảo thuật…; sử dụng các thiết bị, dụng cụ như loa, đài, kèn, trống… để phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường, thu hút và làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của không gian đi bộ.
Các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu tổ chức hoạt động phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, thành phố đang giao Sở Tư pháp Hà Nội thẩm định để ban hành. Khi đó, hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ có thêm hành lang hoạt động tốt hơn, hạn chế những bất cập.