Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo học giả, khách tham dự đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và một số chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Vương quốc Anh, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Tại hội thảo, các học giả, chuyên gia tập trung thảo luận 6 vấn đề: Nghiên cứu nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo từ cách tiếp cận di sản văn hóa phi vật thể; Sự đa dạng của nghệ thuật trình diễn dân gian trong nước và quốc tế; Sự biến đổi và sức sống của nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong phát triển bền vững; Ghi danh di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước của UNESCO và Luật Di sản văn hóa; Lý thuyết, phương pháp tiếp cận nghiên cứu nghệ thuật trình diễn dân gian và di sản văn hóa phi vật thể.
Trao đổi về "Hát Chèo và Múa rối nước Việt Nam - Hai bản hình của tâm hồn Việt", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Filip Kraus (Đại học Palacky, Cộng hòa Séc) cho rằng, di sản lịch sử của múa rối nước và hát Chèo Việt Nam được ví như những hình thức sân khấu phổ biến, mang tính châm biếm cao. Hai thể loại sân khấu này trở thành một phần di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, trong chừng mực nào đó được sử dụng để vận động và giáo dục quần chúng. Hai thể loại này đã thay đổi đáng kể và điều này, xét trong điều kiện kinh tế - xã hội lịch sử, cũng hoàn toàn dễ hiểu và chấp nhận được. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt những khác biệt rõ ràng giữa hai loại hình nghệ thuật sân khấu này, hệ thống hóa và sau đó bảo tồn cho các thế hệ tương lai. Lý tưởng nhất là có thể trở thành Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, trên địa bàn tỉnh còn đang lưu giữ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ cả vật thể và phi vật thể với gần 3.000 công trình kiến trúc cổ, hàng trăm hội làng, trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian mang đậm sắc thái văn hóa cổ truyền của người Việt, tiêu biểu là nghệ thuật chèo và múa rối nước.
Thái Bình được biết đến là “cái nôi của nghệ thuật hát Chèo”. Toàn tỉnh hiện có 234 câu lạc bộ Chèo; 100% trường học đưa hát Chèo truyền thống vào chương trình giảng dạy. Tỉnh có số lượng người hát Chèo đông nhất, có sức lan tỏa mạnh nhất trong các tỉnh, thành phố có thực hành Chèo ở Bắc Bộ. Đất và người Thái Bình đã chắp cánh cho nghệ thuật chèo lan tỏa, lắng xa và nghệ thuật chèo thật sự là hồn, cốt của người Thái Bình. Năm 2023, Nghệ thuật Chèo ở tỉnh Thái Bình được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, việc tổ chức Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật Chèo là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thông qua Hội thảo góp phần giữ gìn, bảo vệ các giá trị của nghệ thuật Chèo truyền thống, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội đương đại, hướng tới sự phát triển bền vững các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Hội thảo còn là dịp tiếp tục khẳng định nghệ thuật chèo đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các cấp và toàn xã hội, các di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng ở Việt Nam lần lượt được nhận diện giá trị, tiến hành các biện pháp phù hợp để bảo vệ và phát huy. Điều này góp phần quan trọng cho việc duy trì, kế thừa bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế, xã hội và con người Việt Nam trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đến nay, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.
Trong hội thảo này "chúng ta cùng nhau nhận diện giá trị của nghệ thuật Chèo, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đã thấm sâu vào tâm hồn và đời sống của nhiều thế hệ người Việt Nam. Một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của khu vực châu thổ sông Hồng. Để tiếp tục xây dựng hồ sơ đệ trình, UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.
Theo Ban tổ chức hội thảo, Việt Nam luôn tự hào là quốc gia có nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật trình diễn dân gian có quy mô rất rộng, nhiều loại hình với những nét đặc sắc riêng biệt. “Chèo” được biết đến rộng rãi trong xã hội Việt Nam bởi sự thân thuộc, mộc mạc qua những chiếu Chèo. Chèo phát triển mạnh ở phía Bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng Đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
"Hội thảo khoa học quốc tế Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại" nằm trong khuôn khổ dự án Hoàn thiện hồ sơ về Nghệ thuật Chèo đệ trình UNESCO xem xét ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội thảo nhằm hướng tới công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di sản nghệ thuật trình diễn dân gian nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể...
Trong khuôn khổ hội thảo, tối 22/11, tại xã Phong Châu (huyện Đông Hương, tỉnh Thái Bình) đã diễn ra "Đêm trình diễn Chèo làng Khuốc" với các tiết mục Chèo đặc sắc.