Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: Hội thảo gồm những chủ đề liên quan tới việc tăng cường khung pháp lý nhằm bảo vệ Di sản và phát triển bền vững, sự gắn kết của cộng đồng địa phương, vấn đề hợp tác công - tư tại các di sản thế giới, cùng với những kết quả nghiên cứu mà các chuyên gia quốc tế đã đúc rút ở nhiều diễn đàn về Di sản Thế giới thời gian qua.
Đề xuất nhiều giải pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Đó sẽ là bài học kinh nghiệm quan trọng để các quốc gia áp dụng vào việc bảo tồn gắn với phát triển bền vững các Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới trong tình hình mới.
Việt Nam hiện có 8 di sản được UNESCO ghi danh; trong đó có 5 di sản văn hóa, 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản thế giới hỗn hợp. Những năm qua, Chính phủ rất quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo những giá trị toàn cầu, cũng như quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của các Di sản.
Các di sản thế giới tại Việt Nam đã và đang thể hiện rõ vai trò là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch, các di sản cũng đang đứng trước những thách thức lớn.
Trong bối cảnh Việt Nam mới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các nhà hoạch định chính sách, quản lý di sản đang phải đối mặt với cả cơ hội và thách thức mới, trong đó có những nhân tố mới như sự xuất hiện và tham gia ngày càng lớn của khối doanh nghiệp tại các khu di sản.
Đây là thời điểm cần thiết có những nhìn nhận và đánh giá về hiện trạng tại các khu di sản trong bối cảnh Việt Nam tham gia tích cực các chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc và Khung các Mục tiêu phát triển bền vững nhằm hiểu biết đầy đủ về đóng góp của các Khu di sản Thế giới tại Việt Nam cũng như tham chiếu các nước trong khu vực với các mục tiêu này, trong đó gồm việc nhận diện sự phát triển nhanh chóng của du lịch và sự xuất hiện cũng như vai trò của khu vực doanh nghiệp.
Trong 3 ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận các chủ đề với mục tiêu xem xét những trường hợp thực tiễn và cung cấp những khuyến nghị về giải pháp thiết thực tăng cường thực thi việc bảo vệ và phát huy các Di sản Thế giới đối với phát triển bền vững.
Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo với mục tiêu xem Di sản Thế giới là một diễn đàn để tìm ra giải pháp, một hướng đi bền vững có thể vừa giải quyết những mối quan tâm chính đáng dành cho phát triển vừa thỏa mãn các yêu cầu, đòi hỏi về bảo tồn và bảo toàn giá trị của các di sản thế giới.
UNESCO đặc biệt ghi nhận sự sự hiện diện của các đại biểu đến từ khu vực tư nhân. Hợp tác giữa khu vực công - tư là một yếu tố then chốt trong lĩnh vực phát triển bền vững của các di sản.