Bảo tồn và phát triển nghề làm gốm của người Chăm ở Ninh Thuận - Bài 1: Tinh hoa nghề gốm

“Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” của Việt Nam được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp ngày 29/11/2022.

Đây là tin vui và đồng thời cũng là động lực để đồng bào Chăm, tỉnh Ninh Thuận triển khai các giải pháp bảo tồn và phát triển nghề gốm tương xứng với sự ghi nhận đó. Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua hai bài viết với chủ đề “Bảo tồn và phát triển nghề làm gốm của người Chăm tỉnh Ninh Thuận”. 

Chú thích ảnh
Trung tâm sản xuất, kinh doanh trưng bày của Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước). 

Bài 1: Tinh hoa nghề gốm

Gốm Chăm hiện nay còn hiện diện chủ yếu ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Trong đó, làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được xem như một bảo tàng gốm truyền thống của người Chăm các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

Độc đáo nghệ thuật làm gốm

Những ngày qua, khi thông tin “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” chính thức được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, chính quyền và người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, đặc biệt là người Chăm ở làng gốm Bàu Trúc rất vui mừng, tự hào và tràn đầy hy vọng.

Vừa bỏm bẻm nhai trầu, cụ Trượng Thị Gạch, 78 tuổi, một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất ở làng gốm Bàu Trúc phấn khởi cho biết: “Tôi bắt đầu được mẹ truyền dạy làm gốm từ năm 15 tuổi, đến nay vẫn còn làm gốm. Cả cuộc đời gắn bó với nghề gốm với biết bao thăng trầm, cuối cùng tôi cũng được chứng kiến cái nghề truyền thống của dân tộc mình được công nhận là di sản thế giới. Chúng tôi mong muốn nghề làm gốm tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát triển hơn nữa”.

Những người lớn tuổi phấn khởi và hy vọng nghề truyền thống sẽ được kế tục, còn lớp trẻ thì nhắn nhủ nhau phải góp sức để phát huy hơn nữa tinh hoa nghề gốm truyền thống. Chị Đàng Thị Tuyết Hằng có hơn 30 năm gắn bó với nghề gốm chia sẻ, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh, bản thân chị và các thợ làm gốm ở làng Bàu Trúc rất mừng vì nghề gốm được thế giới quan tâm, công nhận. Các chị hy vọng sẽ tiếp tục nỗ lực giúp gốm Chăm khẳng định vị thế, thương hiệu trong, ngoài nước.

Làng gốm Bàu Trúc có tuổi đời hàng trăm năm, được xem là làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á đến nay còn bảo lưu khá tốt kỹ thuật làm gốm hoàn toàn thủ công. Người Chăm làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống được các gia đình duy trì qua nhiều đời theo chế độ mẫu hệ “mẹ truyền – con nối”. Nơi đây được xem như một bảo tàng gốm truyền thống của người Chăm sinh sống tại Ninh Thuận và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

Điều làm nên sự khác biệt của nghệ thuật làm gốm Chăm ở làng Bàu Trúc chính là phong cách làm gốm không sử dụng đến thiết bị bàn xoay. Người thợ vừa đi giật lùi vòng quanh chiếc trục đặt khối đất sét, vừa đều tay xoa, vuốt để tạo hình sản phẩm. Đến khi thành hình hài thô, người thợ chà láng sản phẩm bằng cách quấn tấm vải nhỏ được thấm nước vào bàn tay, từng ngón tay xoa đều nhẹ nhàng hay miết thật mạnh để tạo cạnh, tạo hình răng cưa, khắc vạch, sóng nước, hoa văn độc đáo lên bề mặt của sản phẩm.

Sản phẩm đã được tạo hình xong, để 2-3 ngày phơi cho khô mặt. Gốm không tráng men và được chất đống nung ngoài trời bằng củi và rơm trong 7-8 giờ ở nhiệt độ khoảng 800 độ C. Cách nung lộ thiên này nhằm tạo không gian cho sản phẩm, lửa nung kết hợp với gió thổi tạo nên các vết loang, các màu đặc trưng mang dấu ấn độc đáo của gốm Chăm như vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, nâu... Với một số dòng sản phẩm mỹ nghệ, nghệ nhân còn sử dụng nhiều cách tạo màu tự nhiên như rưới, phun nước hạt điều, nước cây thị. Trong khi loại tượng nghệ thuật lại có thể được om trấu hoặc củi để tạo những vết loang đen do khói lửa.

Do được làm thủ công hoàn toàn, từng sản phẩm một, nên gốm Chăm được ngợi ca như một sản phẩm “ấm bàn tay con người” nhất với đặc trưng riêng, mang đậm nét văn hóa Chăm. Điều này được thể hiện ở chỗ dù có cùng chủng loại sản phẩm nhưng không có chiếc nào giống y hệt chiếc nào như sản phẩm đúc bằng khuôn ở các làng nghề gốm khác. Ngoài ra, giữa các sản phẩm gốm Chăm luôn có sự khác biệt nhất định, phụ thuộc vào sức khỏe, cảm xúc, tâm trạng và đôi bàn tay tài hoa của người thợ với dấu ấn để lại trong từng sản phẩm luôn hiện hữu.

Gìn giữ di sản gốm Chăm

Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ. Nhiều nghiên cứu đều có chung nhận định rằng các sản phẩm gốm có một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Ở làng Bàu Trúc, tại các cơ sở sản xuất gốm dễ dàng bắt gặp dáng hình vũ nữ Apsara đậm chất nghệ thuật, thần Shiva qua tượng hoặc phù điêu, các kiểu sinh thực khí linga-yoni, cặp bình đực-cái, điệu múa các cô gái Chăm… cùng những tác phẩm mô phỏng đời sống văn hóa tâm linh khác.

Chú thích ảnh
Cụ Trượng Thị Gạch (78 tuổi) là nghệ nhân người Chăm tham gia biểu diễn nghệ thuật làm gốm.

Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc cho biết, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng gốm Bàu Trúc vẫn giữ nguyên những nét truyền thống trong phong cách làm gốm giữa dòng chảy thời gian. Những nghệ nhân làm gốm vẫn giữ được sự tinh túy và vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Giờ đây, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO ghi vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, là điều hết sức đáng mừng và tự hào. Gốm Chăm từ nay sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn.

Nghề làm gốm ở Bàu Trúc dành riêng cho phụ nữ; đàn ông chỉ đi hái củi, đào đất gánh rơm phụ giúp lúc nung gốm. Những năm gần đây, thị trường ưa chuộng những sản phẩm gốm có kích thước to lớn, nặng hàng chục kg, thậm chí nặng cả tấn nên trong làng Bàu Trúc ngày càng có nhiều nam thanh niên, đàn ông trung niên học nghề và làm nhiều sản phẩm. Cả làng hiện có trên 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm, chiếm khoảng 70% số hộ đồng bào Chăm sinh sống ở địa phương, đã có 1 hợp tác xã và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm.

Hiện nay, gốm Chăm Bàu Trúc đã có chỗ đứng trên thị trường với nhiều mặt hàng được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Chăm, cũng như nhiều dân tộc khác ở khắp các địa phương trên cả nước như: Lu, chum, vại, lò, ấm, nồi… Trong nền kinh tế thị trường, các nghệ nhân làng Bàu Trúc đã nghiên cứu nhu cầu thực tế để làm nên nhiều sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ thương mại, du lịch, với hàng chục ngàn sản phẩm gốm các loại, giúp đời sống của người làm gốm được cải thiện nhiều hơn.

Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên của người dân, làng Bàu Trúc có nhiều thay đổi. Những con đường dẫn vào làng được trải nhựa bê tông, những căn nhà khang trang ngày một nhiều hơn, những cơ sở, hợp tác xã sản xuất gốm luôn sẵn sàng đón khách tham quan. Có dịp đến đây, du khách sẽ được chứng kiến tận mắt cách các nghệ nhân làng gốm làm ra những tuyệt tác, cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc trong từng tác phẩm, để thêm trân trọng những giá trị tinh hoa nghề truyền thống được người Chăm ra sức giữ gìn qua không gian và thời gian.

Bài cuối: Đưa thương hiệu gốm Chăm vươn xa

Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Gìn giữ, bảo tồn và phát huy Di sản nghệ thuật làm gốm Chăm
Gìn giữ, bảo tồn và phát huy Di sản nghệ thuật làm gốm Chăm

Làng gốm Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) hiện có 43 hộ (chiếm khoảng 11% số hộ người Chăm trong thôn) với 46 người còn làm duy trì nghề gốm Chăm thường xuyên. Ngoài ra, Làng gốm còn có khoảng 60 hộ làm theo thời vụ, vào những lúc cao điểm lễ hội, Tết Nguyên đán…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN