Bảo tồn, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Cụ thể, phạm vi lập quy hoạch của di tích là 13,5 ha, bao gồm toàn bộ khu vực bảo vệ I, bảo vệ II của di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo có diện tích 4,18 ha và phần đất mở rộng về phía Đông và phía Đông Bắc của di tích thuộc địa phận xã Duy Nhất và xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có diện tích 9,32 ha.

Tháp chuông chùa Keo có kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Nhiệm vụ quy hoạch chủ yếu là khảo sát, điều tra, sưu tầm tài liệu, tổng hợp dữ liệu, số liệu lịch sử, khảo cổ học, văn hóa, kinh tế - xã hội; đo, vẽ các hạng mục kiến trúc, cảnh quan di tích chùa Keo; khảo sát đo đạc địa hình tỷ lệ 1/500 khuôn viên di tích và phần đất dự kiến mở rộng di tích.

Bên cạnh đó, bản Quy hoạch bao gồm nội dung khảo sát tình trạng kỹ thuật của di tích; khảo sát, xác định đặc trưng, giá trị tiêu biểu của di tích (bao gồm cả việc nghiên cứu các di sản văn hóa phi vật thể gắn với chùa Keo), vai trò di tích trong mối liên hệ vùng.

Về đánh giá hiện trạng khu vực di tích, Quy hoạch đánh giá cấu trúc địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, môi trường tự nhiên, mối quan hệ giữa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo; cấu trúc quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan khu vực; đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của địa phương ảnh hưởng đến việc lập và triển khai quy hoạch.

Ngoài ra, còn có thông tin về tình hình đầu tư các dự án bảo tồn, tu bổ các di tích, các dự án có liên quan hỗ trợ phát huy giá trị di tích, thực trạng hoạt động du lịch tại khu di tích và các vùng lân cận; các nghiên cứu, khảo sát cộng đồng dân cư tại địa phương, trong đó có cộng đồng các dân tộc gắn bó với di tích; phân tích các nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng được nêu trong phần đánh giá hiện trạng khu vực di tích chùa Keo.

Về định hướng bảo quản, Quy hoạch quy định tu bổ, phục hồi di tích, nhiệm vụ quy hoạch cần nêu rõ phương hướng chung đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực quy hoạch; danh mục các đối tượng di tích cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục di tích; nguyên tắc, giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.


Quy hoạch cũng nêu nội dung đề xuất các dự án thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên các dự án thành phần và nguồn vốn đầu tư cho các dự án; bao gồm: Nhóm dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, khoanh vùng mốc giới bảo vệ di tích; Nhóm dự án nghiên cứu di tích và di sản văn hóa phi vật thể; nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ di tích; nhóm dự án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; nhóm dự án cải tạo, chỉnh trang, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật di tích và khu vực phụ cận; nhóm dự án phát triển du lịch cộng đồng khu vực di tích.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo theo quy định; bố trí nguồn vốn, phê duyệt tự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch.

TTXVN/Báo Tin Tức
Giá trị văn hóa đặc sắc của di tích quốc gia Lam Kinh (Thanh Hóa)
Giá trị văn hóa đặc sắc của di tích quốc gia Lam Kinh (Thanh Hóa)

Sáng 11/10 (tức ngày 22/8 âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã khai hội Lam Kinh năm 2017, kỷ niệm 599 năm khởi nghĩa Lam Sơn và 584 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN