Bảo tồn di sản Hà Nội qua con mắt chuyên gia nước ngoài

Thăng Long - Hà Nội không chỉ là đầu não chính trị, trái tim của cả nước, mà còn là một trung tâm văn hóa lớn, vùng đất “địa linh nhân kiệt” với hàng nghìn năm văn hiến. Qua những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội vẫn gìn giữ trong mình một di sản văn hóa khổng lồ, là nơi kết tinh, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của cả dân tộc.

Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, đã có nhiều năm gắn bó với Thủ đô Hà Nội. Nói không ngoa, bà hiểu rõ từng “ngõ ngách” di sản Hà Nội, con người Hà Nội và văn hóa Hà Nội. Hiểu nên yêu và tâm huyết với việc bản tồn Hà Nội, với mong muốn giữ cho Hà Nội những giá trị văn hóa truyền thống vô giá, trong sự phát triển đầy năng động hôm nay.

Hoàng thành Thăng Long, di sản văn hóa thế giới cần được bảo tồn.



Chia sẻ với phóng viên, bà Katherine Muller-Marin từng khẳng định: “Hà Nội phong phú về văn hóa, độc đáo, đầy màu sắc, năng động và nhộn nhịp - một thành phố tấp nập mà bạn không khỏi nhớ nhung dù bạn đi bất cứ đâu. Thành phố có khả năng hòa nhập cái cũ với cái mới, truyền thống với hiện đại. Xen giữa những tòa nhà chọc trời và các khu kinh doanh buôn bán là những người phụ nữ bán hoa trên những chiếc xe đạp của mình và những quán ăn đường phố thu hút cả những người đang vội vã lẫn những ai đang tận hưởng một ngày của họ, thưởng thức bát phở đang bốc hơi nghi ngút, cái thú vui ẩm thực tiếp thêm năng lượng và kích thích các giác quan...”.

Cũng theo bà Katherine Muller-Marin, Hà Nội ngày nay là một thành phố độc đáo, đầy màu sắc, hiện đại, năng động và nhộn nhịp; song cũng ẩn chứa trong mình những giá trị truyền thống vô giá như Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các làng nghề truyền thống, lễ hội Gióng, ca trù, đây thực sự là những giá trị văn hóa vô cùng quý giá của Hà Nội. Đặc biệt, chính quyền và người dân thành phố luôn có ý thức coi trọng và gìn giữ các di sản, cả di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, di sản vật thể và phi vật thể của mình.

Tuy nhiên, bà Katherine cũng cho rằng, công tác bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ; trong đó thách thức hàng đầu là việc cân bằng bền vững giữa phát triển và bảo tồn di sản, giữa những áp lực của hiện đại hóa và nhu cầu của cư dân thủ đô, giữa chức năng là “ngôi nhà” của người dân và là những trải nghiệm với hàng triệu du khách đến Hà Nội mỗi năm.

“Tiến trình toàn cầu hóa và hiện đại hóa cũng tạo ra những trở ngại đối với việc bảo tồn. Là một thành phố hơn nghìn năm tuổi, song một Hà Nội với hơn 5 triệu dân, cũng đang trong quá trình phát triển không ngừng. Giống như khu phố cổ của Hà Nội, nhiều khu vực mang tính biểu tượng lịch sử - văn hiến của Thủ đô từng ngày, từng giờ trải qua giai đoạn hiện đại hóa; phải đối mặt với thách thức phát triển trong khi vẫn phải giữ được các giá trị bản địa và di sản văn hóa vốn hình thành và được xác định trong hàng nghìn năm lịch sử”, bà Katherine nhấn mạnh.

Đặc biệt, bà Katherine cũng cho rằng, Hà Nội nên gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa du khách và người Hà Nội, vì quảng bá di sản cũng là một trong những cách hiệu quả để bảo tồn. “Một nguyên tắc quan trọng trong bảo tồn di sản văn hóa là khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân. Các giá trị văn hóa và di sản hình thành trong quá trình lịch sử, từ chính những hoạt động của các cộng đồng dân cư; do đó trách nhiệm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Hà Nội”, bà Katherine nhấn mạnh.

Về phía mình, Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), ông Yamamoto Kennich, cũng ghi nhận những nỗ lực của Hà Nội trong công tác bảo tồn di sản. “Hiện nay, di sản văn hóa là một lĩnh vực đầu tư ưu tiên, nơi có lịch sử phong phú sẽ đem lại những thuận lợi cho đầu tư kinh tế và phát triển bền vững. Chính quyền Hà Nội thời gian qua đã sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ Nhật Bản cho công tác phát triển của thành phố, đây là một điều rất đáng ghi nhận. Về phần mình, JICA cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Hà Nội, không chỉ trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, mà cả trong công cuộc phát triển và hiện đại hóa”, ông Yamamoto Kennich nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng như bà Katherine, ông Yamamoto Kennich cũng cho rằng, Hà Nội cần có những bước đi cụ thể để chính cư dân Thủ đô tham gia vào việc bảo tồn di sản và đây là cách hữu hiệu để huy động nguồn tài chính cho công cuộc này. “Nét văn hóa Thăng Long - Hà Nội gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với tôi và hầu hết du khách nước ngoài khi đến Hà Nội chính là văn hóa “người Hà Nội”- yếu tố trung tâm của mọi giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Chính vì vậy cần có sự vào cuộc của những người dân Thủ đô để bảo tồn nét văn hóa này”, ông Yamamoto Kennich chia sẻ.

Sáu mươi năm đã trôi qua kể từ ngày 10/10/1954 lịch sử. 60 năm qua Hà Nội đã có những bước chuyển mình ấn tượng. Ngày nay, Hà Nội là thành phố hòa bình, một thành phố liên văn hóa và di sản và Hà Nội đã chứng tỏ sự xứng đáng với những danh hiệu ấy, bằng việc tạo ra một ngôi nhà bền vững cho tất cả cư dân và du khách. Nói như Katherine Muller-Marin, Hà Nội giờ đây là thành phố mà ai cũng nhớ thật nhiều, dù có thể chỉ mới tới thăm có một lần…

Thanh Tuấn

Cầu Long Biên - một biểu tượng của Hà Nội
Cầu Long Biên - một biểu tượng của Hà Nội

Hơn 100 năm qua và cả bây giờ, câu vè về cầu Long Biên vẫn được truyền tai nhau trong biết bao thế hệ người Hà Nội. Cây cầu bắc qua sông Hồng vẫn luôn là biểu tượng quá đỗi thân thuộc, là chứng nhân lịch sử trong những năm tháng chiến tranh hay hòa bình, hạnh phúc của những người dân Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN