Theo đó, Bảo tàng đồng chí Nguyễn Chí Thanh tại địa chỉ số 144 đường Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế từ nay sẽ chính thức mở cửa đón người dân và du khách đến thăm quan.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho hay, việc xây dựng Bảo tàng thể hiện tình cảm của Đảng bộ và nhân dân địa phương đối với những đóng góp to lớn của đồng chí trong hai cuộc chiến chống thực dân Pháp, Mỹ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tin rằng Bảo tàng cùng các bảo tàng công lập và ngoài công lập khác trên địa bàn sẽ tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay, mai sau. Bảo tàng sẽ là kênh tuyên truyền, quảng bá các giá trị độc đáo của vùng đất Cố đô đến với du khách; khẳng định Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước.
Ông Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết, Bảo tàng có tổng diện tích 650 m2. Trong đó, diện tích trưng bày cố định, triển lãm chuyên đề, phòng đọc sách, tọa đàm chiếm khoảng 300 m2 và diện tích sân vườn, trưng bày ngoài trời là 200 m2. Hiện có gần 400 tài liệu, hiện vật, hình ảnh đang được trưng bày tại nơi đây.
Các tài liệu, hình ảnh, hiện vật và thiết kế trưng bày theo đề cương giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; những đóng góp quan trọng của Đại tướng đối với Cách mạng Thừa Thiên - Huế nói riêng và cả nước nói chung qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Các chủ đề trưng bày chính gồm: Quê hương, gia đình, quá trình tham gia cách mạng, những dấu mốc quan trọng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và sự tri ân mà gia đình, quê hương, đất nước dành cho đồng chí.
Các tài liệu, hình ảnh được thể hiện công phu trên chất liệu trưng bày mới, trang trọng, bền vững có nhiều ứng dụng công nghệ nghe, nhìn tương tác thông qua màn hình cảm ứng và phim tư liệu có giá trị lịch sử cao. Nhiều hình ảnh, tài liệu và hiện vật lần đầu được trưng bày, giới thiệu tới công chúng như: Các bài viết, bài nói của Đại tướng về xây dựng quân đội, chống chủ nghĩa cá nhân, về nông nghiệp nông thôn, chiến lược đánh Mỹ và thắng Mỹ…
Ông Phạm Văn Phi hy vọng, Bảo tàng sẽ là một điểm đến tham quan hấp dẫn cho du khách khi đến Thừa Thiên - Huế và là trường học thực tiễn lịch sử cho thế hệ trẻ học tập, phấn đấu và xây dựng tỉnh, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Nhân dịp này, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tặng cho Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bộ sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (gồm 3 tập, 600 cuốn do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tái bản, phát hành); 500 cuốn catalogue giới thiệu; nhân bản gầm 200 đầu sách, bài viết trên các báo, tạp chí, tác phẩm của Đại tướng và các tác giả viết về Đại tướng để trưng bày lâu dài.
Nhằm phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đại diện Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã ký kết Biên bản ghi nhớ, hợp tác với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Hồ Chí Minh (đều thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 trong một gia đình nông dân nghèo tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông là một nhà chính trị, quân sư lỗi lạc, vị danh tướng tài ba. Tên tuổi của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng và Nhân dân ta ở thế kỷ XX.
Năm 2021, gia đình Đại tướng đã mời các chuyên gia, nhà khoa học và được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng Đề án, Đề cương trưng bày Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại 144 Đặng Thái Thân (thành phố Huế) trên cơ sở Nhà tưởng niệm Đại tướng. Công trình được xây dựng từ năm 2011 với kiến trúc nhà rường mang đậm chất đặc trưng kiến trúc Huế xưa.
Tháng 6/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định cho phép hoạt động đối với bảo tàng ngoài công lập - Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Cùng ngày, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo Khoa học Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Thừa Thiên - Huế (1937-1949).