Trong dòng chảy thơ ca cách mạng, “Cuộc chia ly màu đỏ” của nhà thơ Nguyễn Mỹ được ví như bản tình ca đẹp đẽ nhất giữa bom rơi đạn nổ thời chiến trận. “Cuộc chia ly” không hẹn ngày về và chứa chan nước mắt, nhưng ánh sáng của cuộc chia ly ấy là niềm tin vào ngày đất nước toàn thắng Bắc Nam xum họp một nhà.
Nhà thơ Nguyễn Mỹ (1935-1971) sinh tại thôn Trung Lương xã An Nghiệp huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. 16 tuổi đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Trung bộ, sau đó tập kết ra Bắc học lớp báo chí trường tuyên huấn Trung ương, công tác ở nhà xuất bản phổ thông. Năm 1968 trở lại chiến trường miền Nam làm phóng viên báo cờ giải phóng Trung Trung bộ thuộc ban tuyên truyền văn nghê quân khu năm. Ông hy sinh trong một chuyến đi công tác ở huyện Trà My tỉnh Quảng Nam giữa tuổi 35 đầy sức sống.
Lời bình
Có thể nói “Cuộc chia ly màu đỏ” là bài thơ hay đã đưa nhà thơ chiến sỹ Nguyễn Mỹ có tên tuổi trong thơ mới Việt Nam. “Cuộc chia ly màu đỏ” không chỉ đơn thuần là cuộc chia ly bình thường, buộc phải chia ly, mà là cuộc chia ly tự nguyện, người chồng tạm biệt người vợ trẻ để lên đường đánh giặc. Trong chiến tranh, khi Tổ quốc bị lâm nguy, biết bao chàng trai cô gái tạm biệt gia đình quê hương chòm xóm lên đường chiến đấu. Có cuộc chia ly nào chẳng nuối tiếc xót xa, có cuộc chia ly nào mà không hẹn ngày trở lại. Xưa nay ai biết chia ly có màu sắc gì, chỉ biết chia ly là buồn, là ủ dột, là héo hắt, vậy nó phải thuộc gam màu vàng, xanh xao, tím ngắt. Nhưng không, “Cuộc chia ly màu đỏ”, vì một lý tưởng rực sáng, buồn mà không trĩu xuống, buồn mà ngẩng cao dầu, chia ly hôm nay để ngày mai xum họp.
Cái hay cái đẹp của bài thơ không chỉ sự tài hoa của tác giả ở mỗi vần điệu, mà cao hơn là lời hiệu triệu cổ vũ thanh niên cả nước lên đường tòng quân nhập ngũ, sẵn sàng hi sinh quên mình cho đất nước thanh bình. |
Trong chiến tranh kháng chiến chống pháp, các anh Bộ đội Cụ Hồ tạm biệt người yêu lên đường ra mặt trận, chỉ kịp nhận ra sự mất mát chia ly qua ánh mắt trước lúc lên đường. Người ở nhà giấu giọt nước mắt trong chiến khăn tay để tiễn chồng, tiễn người yêu lên đường ra mặt trận. Bởi lúc đó tình yêu Tổ quốc cao hơn hết thảy “trai thời loạn xá gì đâu cầm súng cầm gươm”. Những cuộc chia ly “Anh ơi cứ đi đi chiến trường đang vẫy gọi, cứ đi đi em sẽ đợi sẽ chờ”. Lời động viên của người yêu trong cuộc chia ly ấy như tiếp thêm cho anh sức mạnh, vững tâm lên đường, gửi lại ruộng vườn bãi lúa nương dâu cho người vợ trẻ thân yêu. Còn trong kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Mỹ đã khắc họa một “Cuộc chia ly màu đỏ” một cách chủ động và tự nguyện. Chính nhà thơ đã mặc cho cô gái tiễn chồng chiếc áo màu đỏ, và cái màu cờ ấy như một biểu tượng, một dấu ấn sâu sắc cháy lòng và nung nấu một tình yêu sắt son chờ đợi với cả người đi và người ở lại.
Chiếc áo đỏ cháy như than lửa.
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly.
Từ màu sắc của thị giác trong buổi chia ly, bằng “Chiếc áo đỏ rực như than lửa”, nhà thơ đã dẫn dắt người đọc như một sự bắc cầu trong lòng cô gái “như than lửa cháy không nguôi”. Nét đẹp trong cuộc chia ly không phải là sắc đẹp đơn thuần sắc hương của người phụ nữ, mà là nét đẹp của sự cống hiến hy sinh, sự cảm thông sâu sắc và sẻ chia cao thượng. Trong bài thơ - nhan sắc cô gái không hề được miêu tả, nhưng ta thấy cô đẹp vô cùng bởi “tình yêu cô đã cháy”, bởi “nước mắt cô đã chảy”, bởi “những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời”. Một vẻ đẹp nhuần nhị thuần khiết nhưng cũng vô cùng mãnh liệt, không có sự cúi đầu nhìn xuống, trong nỗi buồn chia ly vẫn thấy ánh tự hào về người mình đưa tiễn. Đó là cái đẹp rất “cách mạng và giác ngộ”, không bi lụy vì cô liêu: “bình minh đang hé giữa làn môi, rạng đông đã bừng lên nét mặt” chiến thắng nhất định thắng lợi và cô sẽ được hạnh phúc bên chồng.
Toàn những nét đẹp khái quát trong sáng không cụ thể cho ta nhìn bằng mắt. Cái đẹp ấy là ánh xạ của tâm hồn cô gái phải cảm nhận bằng toàn bộ giác quan, bằng cả tâm linh và trực giác.
Cây si xanh gọi họ đến ngồi.
Trong bóng rợp của mình nói tới ngày mai
Không phải họ nói với nhau những điều ấy, mà cây si rủ rỉ với họ về ngày mai, về niềm hy vọng và sự toàn thắng, về sum họp đoàn viên. Nguyễn Mỹ đã lồng ghép cảnh thiên nhiên với con người bằng một xúc cảm khéo léo tinh tế. Bởi lúc quyến luyến chia tay biết bao điều muốn nói mà không thốt thành lời. Họ chỉ dặn dò nhau những công việc quen thuộc, thể hiện sự chăm sóc cho chồng trước lúc chồng ra trận đánh giặc “lọ dầu em đã để ngăn ngoài… phải viết thư ngay chặng nghỉ đầu tiên”. Nếu tác giả gán cho họ những lời nói cao xa, hoa mỹ lúc chia tay thì đó là sự khiên cưỡng, là giả tạo, là giết chết cảm xúc người đọc, vậy chi bằng hãy để hoàn cảnh, cảnh vật nói lên cũng đủ đồng cảm và thân thiết lắm rồi.
Tác giả không đặt mình vào chàng trai ra đi hay cô gái ở lại, trong khi anh thừa đủ tư cách ấy. Bản thân anh cũng là anh chiến sỹ giải phóng quân, để sau đó anh dã ngã xuống chiến trường quân khu năm giữa 35 tuổi ứ căng nhựa sống. Với một nhân vật chàng trai, từ nay một “bông hoa chuối đỏ tươi” hay một bếp lửa hồng đều gợi lại cho anh một cuộc chia ly, để tác giả lý giải một cách bất ngờ: “Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi - như không hề có cuộc chia ly” cuộc chia ly tự nguyện đẹp đẽ.
Thành công chủ yếu của bài thơ, là tác giả đã tạo dựng được một ấn tượng đẹp đẽ tình yêu thời chiến. Có thể nói đó là một tuyên ngôn tình yêu trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Những người thanh niên biết hy sinh hạnh phúc lứa đôi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc hôm qua và xây dựng đất nước hôm nay.
Mai Thắng