Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh từ chính sách đến hiện thực:

Bài 3: Nhân rộng các mô hình, nhân tố hay trong cuộc sống

Hiện nay, người dân và Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đang triển khai rất nhiều mô hình hay, việc làm cụ thể của từng cá nhân, tập thể để từng bước nhân rộng, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngay trong chính khu phố, cơ quan đơn vị của mình, từ đó góp phần lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến mọi người, mọi nhà.

Chú thích ảnh
Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Tân Bình tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023).

Những tấm gương thầm lặng

Đến với khu phố 4, Phường 11, Quận 3, nhiều người không khỏi bất ngờ trước nhiều cây xanh được trồng dọc một số tuyến hẻm trong khu dân cư, vừa mang đến nhiều bóng mát, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công trình mảng xanh được tạo ra bởi Chi hội phụ nữ khu phố, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của bà Phạm Thị Mai Phượng, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ Quận 3. Với sự tích cực của mình, qua các năm, bà đã tham gia trồng được trên 40 loại cây xanh và nhân giống 30 lượt cây tặng cho các hội viên phụ nữ để trồng tại khu dân cư.

Bà Phạm Thị Mai Phượng cho biết: “Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải bằng những việc to lớn mà có thể bắt đầu bằng những việc nhỏ, thiết thực. Đối với tôi, được tham gia các hoạt động cộng đồng xã hội, thúc đẩy các hoạt động phong trào văn hóa, lan tỏa việc làm thiết thực là niềm vui, niềm hạnh phúc”.

Với lẽ sống ấy, năm nay dù đã gần 60 tuổi, bà Phượng vẫn tham gia các hoạt động cộng đồng xã hội. Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, bà đã cùng chung tay với Ban Chấp hành Chi hội chủ động đề ra các mô hình hay, cách làm thiết thực góp phần cùng địa phương phòng chống dịch. Trong đó, có sự vận động các nhà tài trợ chăm lo, hỗ trợ hàng trăm suất quà lương thực, thực phẩm cho các hộ gia đình khu vực bị phong tỏa trên địa bàn quận.

Sau này, thành phố tăng cường giãn cách, dịch diễn biến phức tạp, với phương châm “không bỏ lại F0 ở phía sau”, bà Phượng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn ngành y tế tiếp tục tình nguyện tham gia Trạm y tế lưu động số 1 của quận, từ lấy mẫu xét nghiệm đến phát hàng trăm túi thuốc, mang hàng trăm bình oxy đến nhà F0, tư vấn chăm sóc F0… Qua những hoạt động, bà còn nắm bắt các trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi do COVID-19 và kịp thời trao các suất học bổng nhờ sự vận động kịp thời từ phường, hội, các nhà tài trợ...

Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho biết, bà Phượng là quần chúng ưu tú, luôn gương mẫu. Và hơn hết, những việc làm, đóng góp của bà Phượng ở độ tuổi về hưu đã mang đến nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc sống, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong khu dân cư, hình thành những văn hóa tốt đẹp ngay chính trong khu phố của mình như bảo vệ môi trường, giúp đỡ những người xung quanh.

Chú thích ảnh
Bà Trần Thị Kim Yến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ VN TP Hồ Chí Minh trao giấy khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc học học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023. 

Chia sẻ về việc xây dựng các không gian văn hóa Hồ Chí Minh, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, từ nhiều năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày ở mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân; việc này đã thấm sâu, trở thành phương châm sống của mỗi người. Điều này không chỉ người dân hiểu thêm về quá trình hoạt động cách mạng của Bác mà còn biết thêm về những hành động, những việc làm hàng ngày, tuy là việc làm nhỏ, giản dị nhưng có sức lan tỏa lớn. Theo đó, ở các khu phố, có hơn 117 mẩu chuyện về Bác đã được kể cho cán bộ, nhân dân nghe. Từ những câu chuyện đó đã nhân lên được rất nhiều tấm gương điển hình trong xã hội, những việc rất nhỏ đã thấm sâu vào đời sống của nhân dân.

Theo bà Trần Kim Yến, đối với hệ thống Mặt trận của Thành phố, các năm qua đã triển khai, phổ biến cho đội ngũ cán bộ trong ngành, mỗi năm có mỗi chủ đề gắn vào việc làm hàng ngày hoặc theo các phong trào triển khai, từ đó giúp cho mỗi người tự nhận thức và vươn lên.

“Các cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cần tiếp tục nâng cao tinh thần rèn luyện theo phong cách, tấm gương của Người. Đồng thời, cần phát hiện những tấm gương điển hình để lan tỏa trong xã hội, làm sao mọi người đều thể hiện tư tưởng đúng đắn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của người dân. Điều này cho thấy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại TP Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ Mặt trận, đoàn viên, hội viên các đoàn thể; nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác", bà Kim Yến nói.

Không gian nhỏ sức ảnh hưởng lớn

Mới đây, không gian văn hóa Hồ Chí Minh được Phường 10, quận Tân Bình xây dựng ngay tại hội trường UBND phường 10 để người dân và cán bộ, chiến sĩ, đảng viên đều có thể đến đây tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù không gian trưng bày nhỏ gọn nhưng có sức ảnh hưởng rất lớn vì sắp xếp khoa học, cung cấp lượng lớn sách và tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi để cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn phường có thể đến thắp nhang tưởng niệm Bác, tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Chú thích ảnh
Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 12, quận Tân Bình vừa tổ chức Lễ khánh thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại chùa Từ Tân.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình cho biết, để đưa không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện hữu trong cuộc sống của người dân quận, Ban Tuyên giáo Quận ủy đã hướng dẫn các đảng ủy, chi ủy cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quận xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Chú trọng đưa nội dung giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên với với 180 lớp cho 18.377 lượt người. 

Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị đưa những câu nói, lời dạy của Bác Hồ lên các bảng treo tại trụ sở, phòng làm việc, phòng tiếp dân để nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, phong cách sống và làm việc theo gương Bác và lựa chọn những phần việc cụ thể để thực hiện như: tổ chức các hoạt động chăm lo người nghèo, người khó khăn; ra quân tổng vệ sinh bảo vệ môi trường; quan tâm giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân…

Theo ông Võ Hoàng Phú, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận Bình Thạnh, năm 2022, Bình Thạnh chọn năm đơn vị làm điểm xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, thêm nhiều không gian đã được ra mắt bằng nhiều cách khác nhau, phù hợp với điều kiện của từng phường, từng khu phố, tổ dân phố, tạo được sự lan tỏa lớn, thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia. Từ nay đến hết năm 2025, việc triển khai, nâng cao chất lượng hoạt động các không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được tổ chức linh hoạt, đi vào thực tiễn.

"Chúng tôi sẽ đa dạng hóa các hoạt động và kêu gọi tất cả mô hình xã hội tham gia. Hiện nay, không gian văn hóa Hồ Chí Minh chủ yếu tập trung tại các cơ quan hành chính, những điểm sáng văn hóa hay nhà văn hóa; thời gian tới, sẽ mở rộng đến các doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo. Bước đầu là ra mắt không gian ở góc nào đó, từ đó sẽ có những sinh hoạt hằng tháng, hằng quý gắn với đời sống người dân. Việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc cũng sẽ được thực hiện để từng nơi nỗ lực duy trì các hoạt động", ông Võ Hoàng Phú cho biết thêm.

Chia sẻ về ý nghĩa khi xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức đang ra mắt nhiều không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với truyền thống lịch sử văn hóa, con người vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh trong sự phát triển của vùng đất Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó, hướng đến xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc nhân dân. Từ đó, tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là thanh thiếu niên phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong đó, tất cả người dân TP Hồ Chí Minh là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng thành quả không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Bài 4: Tuổi trẻ chung tay xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Nhà sàn Bác Hồ - Giản dị nhân cách Hồ Chí Minh
Nhà sàn Bác Hồ - Giản dị nhân cách Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng lỗi lạc, một lãnh tụ thiên tài, nhưng cả cuộc đời Người sống vô cùng giản dị. Nằm khiêm tốn dưới những tán cây xanh trong khu vườn Phủ Chủ tịch là ngôi nhà sàn Bác Hồ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong 11 năm cuối cùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN