'Bác Ba Phì' sẽ nói chuyện 'bố chồng dính nàng dâu'

Nhân vật dân gian Bác Ba Phi của đất Mũi Cà Mau đã trở thành niềm cảm hứng để Hoàng Duẩn làm tổng đạo diễn chương trình Bác Ba Phì thời @ phát sóng trên HTV9 vào 8h sáng Chủ nhật hàng tuần. Đây là chương trình với những tiếng cười như “mưa dầm thấm đất”của Bác Ba Phì trong việc phê phán các mặt xấu và tuyên truyền cái tốt.

Hoàng Duẩn nhận giải Cù Nèo Vàng 2011, giải thưởng uy tín dành cho các nghệ sĩ hoạt động sân khấu, với vở Đám cưới thời @. Trong năm 2012 này, anh đạo diễn các chương trình Kịch nói và Siêu Thị Cười như: Bảo vệ ông chồng, Phải dừng lại thôi, Hội ngộ ở đâu, Làm sao cho kịp, Liệu pháp tinh thần, Người đến sau, Chuyện không thể ngờ, Người giữ lửa, Chuyện không của riêng ai… cho HTV.

Anh được đạo diễn Doãn Hoàng Giang và Nhà hát Kịch TP.HCM “ủy quyền” dựng lại vở Tả quân Lê Văn Duyệt vừa diễn hồi tháng 8 ở Nhà hát TP.HCM, Lăng Ông bà Chiểu và các trường học… Ngoài làm nghề, Hoàng Duẩn đang theo lớp Cao học quản lý văn hóa khóa 1 - ĐH Văn Hóa TP.HCM. TT&VH có cuộc trò truyện với chàng đạo diễn trẻ làm việc như “cái máy không biết mệt” và luôn “chăm học” này về câu chuyện “Bác Ba Phì”.

Dựng “bác Ba Phì” vì mê “bác Ba Phi”

* Phải chăng anh muốn kiếm thêm một giải Cù Nèo Vàng nên trong năm nay anh làm việc liên tục?


- Không riêng gì tôi, rất nhiều nghệ sĩ nhận được một giải thưởng như Cù Nèo Vàng đều thấy hạnh phúc. Từ lâu tôi đã mê những câu chuyện châm biếm, những bài viết, những câu chuyện cười mà đau, cười mà xót… Thật ra khi làm bất cứ điều gì, tôi không nghĩ đến việc sẽ được giải thưởng này nọ, mà chỉ chú tâm làm cho thật tốt. Dĩ nhiên, khi những cố gắng của mình được xã hội ghi nhận, được mọi người ủng hộ thì mình sẽ có thêm động lực để làm tốt hơn cho những tác phẩm sau này.

Chương trình Bác Ba Phì thời @ là chương trình tôi rất tâm đắc và tâm huyết. Và giải thưởng Cù Nèo Vàng vẫn là một “đỉnh” mà bất cứ ai làm nghề nào cũng mong muốn vươn tới.



Hoàng Duẩn nhận giải Cù Nèo Vàng 2011, giải thưởng uy tín dành cho các nghệ sĩ hoạt động sân khấu, với vở Đám cưới thời @.



* Bác Ba Phì thời @ lấy cảm hứng từ nhân vật dân gian bác Ba Phi của đất Cà Mau. Bác Ba Phi có tài kể chuyện khiến ai đã nghe không thể nào quên. Anh học tập được gì từ bác Ba Phi khi đạo diễn chương trình này?


- Những mẫu chuyện của bác Ba Phi và cuộc đời của bác là cảm hứng cho rất nhiều văn nghệ sĩ, tôi cũng không ngoại lệ. Trước đây khi làm chương trình hài kịch Trong nhà ngoài phố cho HTV tôi đã từng viết kịch bản Bác Ba Phi đi Sài Gòn, nói thế để thấy tôi mê bác Ba Phi lắm. Khi làm chương trình này điều mà tôi học được từ bác Ba Phi chính là sự vui vẻ, yêu đời, luôn tin về một cuộc sống tốt đẹp hơn đang ở phía trước.

“Nói có sách mách có chứng” thì không sợ gì hết


* Chương trình mượn tiếng cười để châm biếm và cảnh tỉnh dễ đụng chạm nhiều người, anh có thấy ngại ngần khi những sự đụng chạm ấy sẽ gây bất lợi cho mình?

- Quả thật là có nhiều người cũng đã hỏi tôi câu này, nhưng tôi nghĩ làm điều tốt cho xã hội thì những người ủng hộ sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, khi làm chương trình cần phải hết sức chu đáo và tỉ mỉ. Những chủ đề nóng, dễ đụng chạm thì mình phải “nói có sách mách có chứng”. Ví dụ như để làm chủ đề về giao thông thì mình phải có chứng cứ rõ ràng, có nguồn trích dẫn.

Hay là khi làm về “văn minh xe buýt” thì bản thân tôi cũng phải đi lên xe buýt vài tuyến khác nhau, mục sở thị, chụp hình, ghi chép, hay giữ lại tấm vé. Làm về cầu vượt, hầm chui thì mình cũng phải đi thực tế xem sao nhằm tránh bớt những sai sót không đáng có. Đã nói là phải đúng. Có đêm 2h sáng, tôi vẫn phải đọc báo và giữ lại những bài báo hay, lưu những đường link hay những trích dẫn có giá trị… để “làm vốn” cho chương trình được “sống thọ”.

* Mới đây, báo mạng đăng tin thất thiệt về chuyện “cha chồng dính nàng dâu” và một số chuyện “giựt gân” gây phản cảm khác, đây là một đề tài để Bác Ba Phì thời @ đàm luận. Nếu làm về vấn đề này, anh có sợ bị những tờ “báo mạng” như thế “ném đá” không?

- Nhạy cảm quá! Thật ra tôi rất quý trọng và cám ơn những nhà báo chân chính. Trong quá trình làm nghề của mình tôi đã đọc được những bài động viên, khen ngợi khi làm được và cả những bài góp ý chân tình, thẳng thắn… Điều đó làm cho mình tốt hơn, trưởng thành hơn. Ngay cả những đề tài mà chương trình đang thực hiện thì “nguồn” cũng từ báo chí là chính đấy thôi. Báo mạng hay báo giấy đều có những cái tốt, xã hội đều mong muốn cho cái tốt nhiều hơn, cái xấu ít đi. Tuy nhiên, ngoài những phóng viên có tâm, có tầm thì cũng có một số phóng viên chưa đủ vững cả nghề lẫn tâm. Đã có những tin bài thất thiệt gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến những cá nhân khác thậm chí rộng hơn là xã hội.

Chuyện về “mạng truyền thông” cũng là một đề tài mà Bác Ba Phì Thời @ sẽ phải đụng đến và chúng tôi không ngại. Vì đương nhiên đồng hành với chúng tôi sẽ là những nhà báo chân chính, những độc giả biết phân biệt đúng sai. Tất nhiên, chuyện “bố chồng dính nàng dâu” trên một số trang báo mạng vừa qua nhất định sẽ lên sóng truyền hình.


Theo thethaovanhoa.vn
Vụ 'bố chồng dính với nàng dâu': Rút kinh nghiệm phát ngôn

Nguyễn Hùng Vĩ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẳng định, thông tin vụ “bố chồng dính với nàng dâu” chỉ là tin đồn nhảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN