Ánh sáng niềm tin

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, câu chuyện đẹp về người thương binh Lê Duy Ứng trong cánh quân phía Đông đã làm xúc động các cán bộ, chiến sĩ. Trước ngưỡng cửa Sài Gòn, trong những ngày cuối cùng của chiến tranh, ông đã dùng máu từ vết thương ở mắt vẽ chân dung Bác Hồ với dòng chữ ghi tâm nguyện của mình: “Ánh sáng niềm tin. Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân. 28/4/1975”.

Chú thích ảnh
Tượng Bác Hồ của hoạ sĩ Lê Duy Ứng tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1977.

Khi ấy, Lê Duy Ứng là cán bộ tuyên huấn của Quân đoàn 2, đi theo xe tăng trong trận đánh ở Nước Trong ( Đồng Nai). Ông là sinh viên năm thứ ba Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tình nguyện lên đường ra mặt trận vào năm 1971.

Lúc bị thương, ông vẽ chân dung Bác bằng trí tưởng tượng của mình và cất vào túi ngực. Các bác sĩ tìm thấy bức tranh của Lê Duy Ứng khi điều trị cho ông. Lê Duy Ứng bị thương rất nặng, đã có lúc được đưa vào nhà xác, nhưng như một phép thần kỳ, ông đã sống lại và vượt qua.

Chú thích ảnh
Bức chân dung Bác Hồ được hoạ sĩ Lê Duy Ứng vẽ khi bị thương ở mặt trận.

Theo lời hoạ sĩ Lê Duy Ứng, tôi và ông là những người có duyên với nhau. Chúng tôi cùng có mặt ở căn cứ Nước Trong, nơi diễn ra một trong những trận đánh ác liệt cuối cùng trước khi tiến vào Sài Gòn.

Ngày 28/4/75, khi Lê Duy Ứng bị thương khi đi cùng xe tăng thì tổ phóng viên chiến trường TTXVN của chúng tôi đang ở sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 2, đóng ngay tại trường bắn của Trường thiết giáp Nước Trong, cách đó không xa.

Chú thích ảnh
Bên tác phẩm Bài ca ra trận.

Với tư cách một nhà báo, sau chiến tranh, tôi là một trong những người đầu tiên viết lại chuyện Lê Duy Ứng vẽ bức chân dung Bác Hồ - một câu chuyện cảm động và có sức lay động lòng người. Trong một cuốn sách sau đó của NXB Thanh Niên về Tình và Cuộc sống, tôi kể lại câu chuyện tình yêu của ông và cô gái Hà Nội Trần Thị Lê, người thanh niên xung phong ông gặp tại mặt trận Đông Hà - Quảng Trị. Bà là người vợ đã gắn bó, chia sẻ với ông những niềm vui, gian khó thăng trầm trong cuộc sống đến hôm nay.

Khi Lê Duy Ứng bị thương, ông đã chủ động dừng câu chuyện tình cảm giữa hai người để tránh cho bà khỏi những khó khăn vì ông đã mang thương tật. Nhưng với tình cảm chân thành, bà Trần Thị Lê vẫn một lòng chung thuỷ, gắn bó và xây dựng hạnh phúc gia đình với người mình yêu quý. Khi bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân, người sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế, ghép giác mạc mắt lần đầu cho Lê Duy Ứng vào năm 1982, tôi cũng là người viết về người bác sĩ giàu lòng trắc ẩn này, người đem lại nguồn sáng cho ông tiếp tục con đường sáng tạo nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Bên tác phẩm Bài ca ra trận.

Gần nửa thế kỷ qua, tôi luôn dành sự quan tâm, dõi theo con đường nhiều gian khó, vươn tới thành công của hoạ sĩ Lê Duy Ứng. Ông đã trải qua hai lần mổ mắt vào các 1982 và 2005.

Năm 1982, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân giúp ông tìm lại nguồn sáng được 17 năm, một thời kỳ tuyệt vời cho cuộc sống và những sáng tạo nghệ thuật. Năm 2005, ông sang Nhật mổ mắt lần thứ hai, sau ba năm nhìn được thì mắt lại mờ dần. Dù trong hoàn cảnh nào, Lê Duy Ứng với nghị lực và khát vọng sống phi thường vẫn vươn lên, sống và theo đuổi con đường nghệ thuật.

Với số lượng tác phẩm đồ sộ, gồm trên 500 bức tượng và hàng ngàn tranh, ký hoạ, ông đã tổ chức 45 cuộc trưng bày, triển lãm ở trong và ngoài nước, giành 9 giải thưởng mỹ thuật. Năm 2013, Lê Duy Ứng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến của ông trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

Chú thích ảnh
Trong phòng trưng bày.

Một ngày đầu tháng 5, tôi cùng các hoạ sĩ Vũ An Chương, Ngô Vượng đến thăm hoạ sĩ, Đại tá, Anh hùng LLVT Lê Duy Ứng. Ở tuổi 75, ông vẫn lạc quan và ấp ủ nhiều dự định sáng tạo. Thăm nơi lưu giữ các tác phẩm điêu khắc, hội hoạ của ông bày kín ba gian gác, chúng tôi đều khâm phục sức lao động nghệ thuật của ông.

Các tác phẩm tranh, tượng của Lê Duy Ứng đều lấy cảm hứng từ cuộc chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước, bao quát các lĩnh vực của cuộc sống và mang dấu ấn sáng tạo của riêng ông.

Chú thích ảnh
Hoạ sĩ Lê Duy Ứng và tác giả.

Hoạ sĩ Vũ An Chương, nguyên Giám đốc NXB Văn hoá, là bạn học của Lê Duy Ứng ở trường Đại học Mỹ thuật. Khi nói về nghị lực và quyết tâm của Lê Duy Ứng, hoạ sĩ Vũ An Chương kể rằng: Năm 1967, Lê Duy Ứng vì ham học vẽ, từ quê hương Quảng Bình, vượt bom đạn ra Hà Nội thi vào trường mỹ thuật. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, để giúp Lê Duy Ứng có tiền theo học, hoạ sĩ Vũ An Ngọc, bố của hoạ sĩ Vũ An Chương, khi đó làm công tác tổ chức - hành chính của trường, đã tạo điều kiện để Lê Duy Ứng có thêm việc làm người mẫu cho các lớp sinh viên của trường. Tình yêu với hội hoạ của Lê Duy Ứng có từ khi còn trẻ, được truyền từ người cha của ông ,cũng là một hoạ sĩ, đã theo ông trong suốt cuộc đời.

Chú thích ảnh
Gạc Ma bất tử - Tranh của hoạ sĩ Lê Duy Ứng.

Cùng với những thành công trên con đường nghệ thuật, hoạ sĩ Lê Duy Ứng có một gia đình yên ấm, hạnh phúc bên bà Trần Thị Lê và các con cháu. Hai người con của ông bà, con trai Đông Hà và con gái Thu Hà, đều là những nhà báo.

Ánh sáng niềm tin - tình yêu lớn với Bác Hồ, với đất nước, nhân dân luôn là nguồn sáng cho anh hùng, nghệ sĩ Lê Duy Ứng, một người lính Cụ Hồ trong hành trình sống, lao động và sáng tạo.

Trần Mai Hưởng
Nghệ sĩ Tiến Hợi và cái duyên đóng vai Bác Hồ
Nghệ sĩ Tiến Hợi và cái duyên đóng vai Bác Hồ

Bạn hữu nghệ sĩ thảng thốt trước hung tin NSƯT Tiến Hợi - người nghệ sĩ thể hiện thành công nhất hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, điện ảnh, truyền hình từ năm 1987 đến nay đã phiêu du về miền mây trắng. Bệnh tật không chừa một ai. Người nghệ sĩ đã rời cõi tạm ở tuổi 63 vào sáng mùng 10 Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN