27 tỷ đồng trùng tu tháp Chăm

Đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở tỉnh Ninh Thuận xúc động và rất đỗi vui mừng bởi hai di tích tháp cổ kính: Tháp Pô Klong Garai tọa lạc tại phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và tháp Pô Rômê tọa lạc tại thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã được Đảng, Nhà nước và tỉnh quan tâm đầu tư hơn 27 tỷ đồng trùng tu trước ngày hội văn hóa thể thao du lịch gắn với lễ hội Katê của đồng bào trong năm 2012.

 

Tháp Pô Klong Garai. Nguồn: internet.

 

Tại di tích tháp Pô Klong Garai, công tác san nền, làm bậc cấp lên tháp, làm đường bậc thang lên tháp, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cấp nước sinh hoạt, nhà đón tiếp du khách đã được trùng tu và làm mới với tổng kinh phí đầu tư gần 2 tỷ đồng. Tại tháp Pô Rômê, với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ đồng, các hạng mục thi công trùng tu như: Tu bổ tháp Bắc, bảo tồn tháp Nam, tôn tạo các công trình kiến trúc phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp nước, hệ thống cấp điện đã và đang được chủ đầu tư và đơn vị thi công gấp rút thực hiện, khẩn trương hoàn thành, để kịp thời phục vụ ngày hội văn hóa thể thao du lịch gắn với lễ hội Katê của đồng bào trong dịp lễ hội này.

 

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Ninh Thuận, đơn vị chủ đầu tư, mục tiêu của việc đầu tư trùng tu xây dựng là nhằm góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, bảo tồn di tích có giá trị đặc trưng của đồng bào Chăm đang bị xuống cấp, qua đó nhằm tạo không gian cảnh quan và điều kiện hạ tầng kỹ thuật để phục vụ hoạt động tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Chăm gắn với hoạt động tham quan du lịch của du khách trong và ngoài nước.

 

Ông Lộ Phú Lượng - dân tộc Chăm, bảo vệ di tích tháp Pô Rômê cho biết: Di tích tháp Pô Rômê bị xuống cấp trầm trọng, nay được Đảng, Nhà nước và tỉnh quan tâm đầu tư sửa chữa khang trang, đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tại Ninh Thuận vui lắm, bởi có chỗ để đồng bào cúng kính. Đây là việc làm thiết thực, đúng với tâm tư và nguyện vọng của đồng bào Chăm. Lễ hội Katê năm nay đồng bào rất phấn khởi vì được Nhà nước tổ chức ngày hội văn hóa thể thao du lịch gắn với khuôn khổ lễ hội. Đây là dịp để đồng dân tộc Chăm ở các tỉnh thành nói riêng và đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung có cơ hội giao lưu, tìm hiểu về nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, qua đó nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa các dân tộc trên mọi miền đất nước.

 

 

Công Thử

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN