19 đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc - 2021

Tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc - 2021 đợt 1 sẽ diễn ra từ ngày 18 - 28/11/2021 tại Nhà hát Tháng Tám, thành phố Hải Phòng với sự tham gia của 19 đơn vị ca, múa, nhạc chuyên nghiệp trên toàn quốc.

Chú thích ảnh
Một tiết mục biểu diễn trong chương trình Khai mạc Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2018 (đợt 1). Ảnh tư liệu: Chu Hiệu/TTXVN

Liên hoan do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.

Theo quy định của Ban tổ chức, mỗi đơn vị nghệ thuật được đăng ký tham gia 1 chương trình có thời lượng từ 80 - 110 phút, được lựa chọn chương trình biểu diễn ở cả 3 loại hình ca, múa, nhạc.

Cụ thể, về thanh nhạc, gồm ca khúc, tổ khúc, trường ca, hợp xướng. Hình thức biểu diễn: đơn ca, song ca, tốp ca, hợp ca; Phần ca, nhạc đệm phải được các nghệ sỹ biểu diễn trực tiếp.

Về biểu diễn múa, gồm kịch múa, thơ múa, tổ khúc múa, tác phẩm múa ngắn; Hình thức biểu diễn: múa ít người, múa tập thể.

Về khí nhạc, gồm các tác phẩm âm nhạc dành cho dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc điện tử hoặc phối hợp giữa các nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ điện tử; Hình thức biểu diễn: độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu và hòa tấu; Phần nhạc đệm phải được các nghệ sỹ biểu diễn trực tiếp.

Theo quy chế, các tác phẩm tham dự Liên hoan hướng tới chủ đề ca ngợi đất nước, quê hương và con người Việt Nam trong thời đại mới với những truyền thống tốt đẹp, những phẩm chất đạo đức trong sáng, sự đoàn kết, giúp đỡ, san sẻ yêu thương, đặc biệt trong giai đoạn chống đại dịch COVID-19.

Đối với các chương trình, có kết cấu, bố cục chặt chẽ xuyên suốt chủ đề, nêu bật được tư tưởng của tác phẩm. Có sự kết hợp hòa âm phối khí, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tạo hiệu ứng sân khấu. Đối với các tiết mục biểu diễn của các cá nhân, có sự nhuần nhuyễn các yếu tố ca, múa, nhạc, phối với trang phục, đạo cụ tạo nên sự hài hòa, độc đáo, gây ấn tượng, thu hút khán giả. Ban tổ chức khuyến khích các đơn vị, cá nhân xây dựng các chương trình, tiết mục phong phú, có sự làm mới, sáng tạo và đa dạng hóa hình thức trình diễn, tạo dấu ấn vùng miền và phong cách riêng của cá nhân, đơn vị.

Các chương trình, tiết mục xuất sắc sẽ được Hội đồng Nghệ thuật chấm điểm và đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng theo hình thức Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng cho mỗi loại hình ca, múa, nhạc. Ngoài ra, Ban tổ chức có thể xem xét đề nghị của Hội đồng Nghệ thuật (nếu có) để trao các giải: Chỉ đạo nghệ thuật, Đạo diễn, Chỉ huy dàn nhạc, Nhạc sỹ, Biên đạo múa, Diễn viên hát chính, Diễn viên múa chính, Nhạc công chính.

Đại diện Ban tổ chức cho biết, trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra ở một số địa phương, việc các đơn vị, cá nhân các đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc - 2021 tại thành phố biển Hải Phòng là một cố gắng, quyết tâm cao đối với sự nghiệp biểu diễn. Ban tổ chức mong muốn Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc - 2021 thực sự là một cơ hội nghề nghiệp để các nghệ sỹ cùng giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tìm ra những tài năng trẻ kế tiếp để quan tâm bồi dưỡng; là nơi tôn vinh các đơn vị, nghệ sỹ đã cống hiến tài năng, công sức để ngành biểu diễn nghệ thuật ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Để đáp ứng các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ban tổ chức đề nghị Lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật quán triệt đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động tham dự Liên hoan thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch và những quy định của UBND thành phố Hải Phòng về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Phương Lan (TTXVN)
Chèo - Nghệ thuật sân khấu truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam
Chèo - Nghệ thuật sân khấu truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam

Từ bao đời nay, hát Chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người dân Việt. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc, Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát, gắn với các lễ hội dân gian, các hoạt động giao lưu văn nghệ ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN