Xót xa cảnh đìu hiu của Trung tâm thương mại Chợ Hôm - Đức Viên, từng là nơi 'tấc đất, tấc vàng'

Chợ Hôm - Đức Viên nằm ở ngã tư giao cắt Phố Huế - Trần Xuân Soạn - Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), vị trí được coi là đẹp nhất nội đô Hà Nội. Đây là một trong số các chợ truyền thống lâu đời và từng là địa điểm buôn bán sầm uất nhất của Thủ đô những năm trước đây, nhưng hiện nay luôn trong cảnh "đìu hiu" khách, khiến dư luận không khỏi tiếc nuối.

Chợ Hôm - Đức Viên cùng với các chợ: chợ bán buôn Đồng Xuân, chợ đầu mối Long Biên, chợ hoa Quảng Bá... là 4 khu chợ lâu đời nhất của Hà Nội.

Trong đó, Chợ Hôm - Đức Viên có thể coi là công trình lịch sử chứng kiến những đổi thay của Thủ đô từ những năm kháng chiến chống Pháp đến nay.

Trải qua nhiều lần tu sửa, Chợ Hôm - Đức Viên đã dần thay đổi diện mạo; mang dáng vẻ vừa cổ kính vừa hiện đại như ngày nay. 

Video Chợ Hôm - Đức Viên "đìu hiu" khách: 

Khoảng 9 - 11 giờ hàng ngày là khung giờ cao điểm mua bán trong các khu chợ tại Hà Nội, nhưng hàng loạt kios quần áo thời trang, túi xách, giày dép, vải vóc và hàng thực phẩm... nằm ở  hai tầng Chợ Hôm - Đức Viên vẫn "cửa đóng, then cài".

Tình trạng ế ẩm, chỉ thấy người bán không thấy người mua tại khu chợ diễn ra nhiều năm nay, đang khiến các hộ tiểu thương kinh doanh chán nản. Hàng ngày, họ mở hàng muộn, rồi ngồi lướt điện thoại, chơi game, tán gẫu với nhau để giết thời gian... và chờ khách.

Chú thích ảnh
Chợ Hôm - Đức Viên nằm ở góc ngã tư Phố Huế - Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), từng là "thiên đường" mua sắm vải vóc, quần áo, túi xách... của Hà Nội.
Chú thích ảnh
Vỉa hè đường dẫn vào hai cổng chợ trên Phố Huế hiện đã trở thành điểm trông giữ xe của khách vãng lai... 
Chú thích ảnh
... thậm chí sảnh bên trong chợ cũng là bãi trông giữ xe của người dân từ lâu nay.
Chú thích ảnh
Tầng 1 chợ Hôm - Đức Viên được chia thành 2 khu, gồm khu kios bán quần áo, giày dép, túi xách thời trang...
Chú thích ảnh
Các kios vẫn hàng ngày sáng mở ra, tối đóng lại, nhưng đìu hiu khách.

Nhiều tiểu thương cho biết, do lượng khách đến đây vào ngày thường ngày càng ít, chủ yếu là tham quan, không mua bán, nên nhiều kios đã đóng cửa, chuyển đi nơi khác kinh doanh hoặc chỉ mở cửa vào khung giờ buổi chiều, ngày cuối tuần.

Chị Bích Hồng, tiểu thương bán vải tại kios tầng 2 Chợ Hôm - Đức Viên ngán ngẩm chia sẻ: "Chưa bao giờ lượng khách đến chợ đìu hiu như hiện tại. Trước và trong thời điểm dịch COVID-19, các tiểu thương vẫn còn bán được hàng, nhưng bây giờ tình trạng ế ẩm kéo dài từ ngày này sang ngày khác, khách đến chợ mua vải chỉ đếm trên đầu ngón tay, doanh thu các hộ hàng tháng giảm tới 70 - 80%, song vẫn phải bám trụ mưu sinh, vì vốn liếng đổ hết vào hàng hóa. Trung bình ở đây, mỗi kios chợ cho thuê với mức giá từ 10 - 15 triệu/tháng, mỗi ngày mở cửa ra phải kiếm được 1 triệu đồng mới hy vọng có lãi và trang trải cuộc sống, nhưng với tình trạng này, các hộ tiểu thương không biết bám trụ được đến bao giờ".

Chú thích ảnh
... và các kios bán rau, củ, hàng khô, hoa quả...
Chú thích ảnh
Nhưng cả ngày chỉ thấy lác đác khách mua, khiến những người bán chỉ biết cám cảnh nói chuyện với nhau. 
Chú thích ảnh
Nhiều kios bán hoa quả của các tiểu thương ở đây đã chuyển đi hoặc "đắp chiếu" vì ế khách.
Chú thích ảnh
Tầng 2 Chợ Hôm - Đức Viên chủ yếu bán vải, đây có thể coi là chợ đầu mối về vải các loại của Hà Nội, sau chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm).
Chú thích ảnh
Cảnh ế ẩm, vắng khách tại chợ vải ở Chợ Hôm - Đức Viên, khiến các chủ kios chỉ còn cách lướt điện thoại, "buôn" chuyện với nhau hàng ngày.

Qua tìm hiểu của phóng viên, tình trạng ế ẩm tại Chợ Hôm - Đức Viên có nhiều nguyên nhân. Trước hết từ chính việc bố trí các kios bán hàng trong chợ ken đặc, gây cảm giác ngột ngạt. Khách hàng muốn tham quan, xem, mua mặt hàng nào đó đều phải len lỏi qua các quầy hàng, khó xem kỹ sản phẩm, chưa kể giá bán các mặt hàng trong chợ cao hơn giá sản phẩm cùng loại ở bên ngoài. Theo các tiểu thương trong chợ, ngoài chi phí thuê mặt bằng, các chi phí dịch vụ khác như vệ sinh, điện, nước, trông giữ xe... đều phải cộng vào giá bán, khiến giá cao hơn bên ngoài. Chính những bất tiện ban đầu này khiến chợ vắng khách dần, nhất là đối với người lần đầu đến chợ sẽ khó quay trở lại.

Bên cạnh đó, mặc dù Chợ Hôm - Đức Viên hội tụ đa dạng các mặt hàng tiêu dùng và vô vàn thực phẩm đặc sản của Hà thành, nhưng xung quanh chợ, tình trạng chợ cóc, chợ tạm, chợ lưu động, hàng rong ngoài phố... bán các mặt hàng như trong chợ hoạt động tập nập, mang đến thói quen tiện đâu mua đấy cho nhiều người, cũng khiến Chợ Hôm - Đức Viên dần vắng khách.

Ở góc độ tiêu dùng, nguyên nhân chính khiến mô hình chợ như Chợ Hôm - Đức Viên dù trước đây có sầm uất đến mấy, nhưng hiện nay ngày càng vắng khách là do thói quen mua bán của người dân hiện nay đã thay đổi. Thói quen mua sắm hàng hóa online của người tiêu dùng đang dần thay thế phương thức mua hàng trực tiếp tại chợ. Sự tiện lợi của các nền tảng bán hàng trực tuyến, với đa dạng mẫu mã, kèm nhiều ưu đãi như mã giảm giá, miễn phí giao hàng tận nơi... đang khiến khách hàng quay lưng với chợ truyền thống. Trong khi đó, với các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả... đa phần người mua sẽ chọn mua ở chợ cóc, siêu thị gần nhà, thay vì phải gửi xe vào chợ...

Chú thích ảnh
Thậm chí, khách vào tham quan chợ vải tại đây còn bị dò xét, không biết có phải để mua vải hay không... 
Chú thích ảnh
Cám cảnh chợ vải tầng 2 tại Chợ Hôm - Đức Viên vì không một bóng khách hàng tham quan, chưa nói đến chuyện mua hàng.
Chú thích ảnh
Nhiều tiểu thương chả buồn mở kios bán hàng, mặc dù vào giờ cao điểm sáng từ 9 - 11 giờ hàng ngày. 
Chú thích ảnh
Nhiều tiểu thương đã chuyển nhượng, đóng cửa hẳn kios vì không có khách, kinh doanh thu không đủ bù chi. 
Chú thích ảnh
Song, cũng không ít hộ tiểu thương vẫn phải bám trụ hàng ngày vì mưu sinh, vì vốn liếng đã đổ hết vào hàng hóa. 
Chú thích ảnh
Nhiều cửa hàng mặt Phố Huế, phố Trần Xuân Soạn thuê của Chợ Hôm - Đức Viên trước đắt khách, hiện nay cũng đã chuyển cửa hàng vì không bám trụ nổi tiền thuê mặt bằng.

Thực tế, chợ truyền thống tại Hà Nội đã tồn tại và trở thành nếp sống, nét văn hóa đặc trưng của người dân, đóng vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh. Do vậy, việc quy hoạch, bố trí chợ truyền thống phù hợp với đời sống hiện nay, với cảnh quan đô thị trong bối cảnh phát triển của thời đại là vấn thiết cần thiết.

Trước việc các chợ truyền thống ngày càng vắng khách, các cấp chính quyền cơ sở cần có những chính sách ưu đãi, chiến lược cụ thể để vừa bảo tồn, phát huy giá trị của chợ, vừa đảm bảo sinh kế cho tiểu thương hoạt động. Ngoài ra, bản thân các hộ tiểu thương cần linh hoạt thay đổi phương thức bán hàng, giá cả và tìm đầu ra cho sản phẩm, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bài, ảnh, video: Vân Sơn/Báo Tin tức
'Kỳ lạ' chợ trung tâm Hà Nội chỉ thấy người bán, không thấy người mua
'Kỳ lạ' chợ trung tâm Hà Nội chỉ thấy người bán, không thấy người mua

Trung tâm thương mại Hàng Da (chợ Hàng Da, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mô hình kết hợp chợ truyền thống với trung tâm thương mại hiện đại, đạt tiêu chuẩn chợ loại 1, có tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng, đưa vào hoạt động từ tháng 10/2010, với 544 tiểu thương đăng ký kinh doanh. Mặc dù được đầu tư khang trang, nhưng tình trạng ế ẩm, vắng khách xem, mua hàng hóa tại đây kéo dài nhiều năm nay, khiến nhiều tiểu thương đã đóng cửa kios.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN