Đầu vào bỏ ngỏ
Gõ từ khóa “đăng ký học lái xe”, công cụ “Google” cho ngay kết quả hàng loạt cơ sở đào tạo lái xe cấp tốc, với giá “mềm” từ 3,5 - 4 triệu đồng/khóa; học và thi trong 3 tháng, thậm chí cam kết đỗ 100%, thi trượt hoàn tiền học phí. Và người có nhu cầu học chỉ cần gọi điện thoại đến trung tâm để đăng ký học.
Quy trình học dễ dàng như vậy, nên ngày càng đông người có nhu cầu “xóa mù lái xe”. Thực tế này có vẻ tiện lợi đối với người học, nhưng đầu ra của sự nhanh gọn này là những tai nạn giao thông (TNGT) kinh hoàng không báo trước, nếu học viên không được đào tạo bài bản, đúng quy trình.
Sau vụ lái xe Range Rover đâm trọng thương nữ sinh ngày 7/12 tại ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) rồi bỏ trốn, cố tình né tránh trách nhiệm với lực lượng chức năng và gia đình nạn nhân, nguyên nhân được dư luận lên án xoay quanh đạo đức của lái xe đã không được chú trọng đúng mức ngay ở khâu học lái, cấp bằng.
Tìm hiểu tại một số trung tâm đào tạo lái xe, trong chương trình dạy lái xe ô tô từ hạng B2 trở lên hiện đều có nội dung đào tạo đạo đức lái xe. Đây là nội dung quan trọng, bên cạnh tay nghề, kỹ năng, kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng đạo đức lái xe hiện nay rất hạn chế. Thêm vào đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn chưa ban hành chương trình chi tiết bồi dưỡng đạo đức lái xe và các chế tài xử lý nghiêm, trong khi các trung tâm đào tạo lái xe “tự biên, tự diễn” nội dung này.
Phóng viên đã tham gia khóa đào tạo lái xe và cũng được bồi dưỡng về nội dung này, nhưng nhận thấy, những gì được học không ăn nhập gì đến đạo đức lái xe. Đáng chú ý là giáo viên có kỹ năng sư phạm hạn chế, nội dung truyền tải kém thuyết phục, cộng với việc đa số học viên học lái xe hiện nay chỉ chú ý tập lái, kỹ năng lái xe, mà không chú ý học đạo đức, lý thuyết Luật Giao thông đường bộ...
Những “lỗ hổng” lớn trên chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những hành vi vi phạm luật giao thông như: Lấn làn, hành xử bạo lực khi va chạm giao thông, lái xe sau khi sử dụng chất kích thích và đỉnh điểm là gây tai nạn rồi bỏ trốn.
“Vì vậy, cần kiểm tra lại giáo trình của các cơ sở đào tạo, chất lượng giáo viên, học viên từ đầu vào và tăng cường các giải pháp như gắn thiết bị giám sát hành trình trên xe, quản lý giờ học thông qua dấu vân tay; lắp camera toàn bộ phòng thi lý thuyết và sa hình thực hành, nếu vi phạm là đánh trượt. Các trung tâm vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe phải bị phạt nặng, còn giáo viên vi phạm ngoài việc phạt hành chính, phải quy định cấm hành nghề…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cập nhật quy trình đào tạo lái xe liên quan đến đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông, trong đó bổ sung kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm như: Lái xe tại các nút giao phức hợp, điểm ra vào đường cao tốc, kỹ năng lái xe an toàn trước các tình huống giao thông khác nhau… bắt buộc các trung tâm đào tạo phải thực hiện nghiêm đúng quy trình. Trong năm 2019, Tổng cục sẽ tham mưu Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông theo hướng tăng nặng chế tài xử lý các hành vi vi phạm.
Gây tai nạn bỏ trốn có thể bị phạt tù tới 10 năm
Theo quy định tại Nghị định 46/CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2016, tại Điểm b, Khoản 7, Điều 5, người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn, không cấp cứu người bị nạn thì sẽ bị phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng. Với lái xe gắn máy gây ra hành vi tương tự (kể cả xe máy điện), bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng.
Ngoài các mức phạt hành chính trên, thì người gây ra tai nạn bỏ trốn, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999: Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm: Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; lái xe khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 138/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, trong đó, ngoài các bài học bắt buộc theo quy trình, các cơ sở đào tạo lái xe phải đảm bảo có ít nhất 1 giáo viên dạy thực hành lái xe 1 học viên. Giáo viên dạy thực hành lái xe phải có giấy phép lái xe đủ từ 5 năm trở lên và đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.