Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thạch cho biết, Luật Giao thông đường bộ 2008 cho phép 5 loại xe ưu tiên được đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự, gồm: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: TTXVN |
Các xe có quyền ưu tiên này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
“Tuy nhiên, trên thực tế, tùy theo điều kiện nhiều tuyến đường, người điều khiển xe ưu tiên phải quan sát để lái xe đảm bảo an toàn giao thông. Không phải cứ có quyền ưu tiên, thì tự do chạy thế nào cũng được”, ông Nguyễn Văn Thạch cho hay.
Trong vụ tai nạn nghiêm trọng nêu trên, qua phân tích của cơ quan công an, xe khách chạy trên đường cao tốc với tốc độ tối đa 100 km/giờ, trong khi xe cứu hỏa ưu tiên đi từ đường nhánh ngược chiều ra cao tốc, nên rất khó xác định xe nào sai hay đúng. Nhưng rõ ràng, nguyên tắc xe đi từ đường nhánh ra mặc dù có quyền ưu tiên, nhưng trách nhiệm của lái xe cứu hỏa phải quan sát, nhất là đối với đường cao tốc đang có nhiều xe lưu thông tốc độ tối đa, khuất tầm nhìn, đường mưa trơn trượt, khó giảm tốc độ tránh.
Còn Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT - Bộ Công an) khẳng định: Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ xe cứ hỏa khi làm nhiệm vụ được quyền ưu tiên hàng đầu trong 5 loại xe ưu tiên. Xe cứu hỏa cũng không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều và các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
“Bất kỳ phương tiện, người tham gia giao thông nào đang lưu thông trên đường, khi phát hiện xe được quyền ưu tiên đều phải tuân thủ nghiêm luật, nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát vào đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe ưu tiên. Trường hợp vụ tai nạn ngày 18/3 nói trên nếu thấy có dấu hiệu cố tình vi phạm của xe khách, từ giấy phép lái xe, hạn kiểm định xe, việc chấp hành tốc độ… sẽ phải khởi tố”, đại tá Trần Sơn cho biết.
Về vấn đề này, ngày 22/3, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải) cũng cho biết, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ ngành và sẽ trình Chính phủ chủ trương sửa đổi Luật Giao thông đường bộ trong năm 2018.
“Riêng quy định quyền ưu tiên của xe cứu hộ trên cao tốc, nội dung này đang gây tranh cãi và một số người đề nghị sửa, nên Bộ GTVT sẽ đưa ra lấy ý kiến thời gian tới. Hiện nay chưa thể đánh giá quy định cho xe ưu tiên đi ngược chiều trên cao tốc cần phải sửa hay không, vì bên cạnh ý kiến yêu cầu sửa thì cũng có nhận định nên giữ nguyên, chỉ cần bổ sung quy trình để đảm bảo cho phương tiện này hoạt động an toàn", bà Nga nhận định.
Nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến, năm 2008, khi Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực thì nước ta chưa có tuyến cao tốc nào, nên các quy định chưa thể sát thực tế. Hiện nay, với sự phát triển nhanh của hạ tầng và phương tiện, đường cao tốc là xu thế tất yếu, nên việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ là cấp thiết.